Ngày 10/6, năm tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng đã cùng ra mắt Diễn đàn Đổi mới sáng tạo cụm khu vực với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp thực phẩm ở Tây Nguyên.

Diễn đàn này là một trong những sáng kiến của chương trình đối tác Aus4Innovation giai đoạn 2018-2022 giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO) với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

5 tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với chương trình Aus4Innovation, tạo cơ sở cho Diễn đàn chính thức hoạt động tại khu vực Tây Nguyên. Aus4Innovation đã cam kết cấp kinh phí ban đầu cho Diễn đàn trong năm đầu tiên hoạt động.

Theo thỏa thuận, trong 3 năm, các bên tham gia sẽ hợp tác nhằm tiếp cận thông tin và các thành tựu đổi mới sáng tạo tiềm năng trong và ngoài mạng lưới; thúc đẩy các ý tưởng mới, cùng đầu tư vào các dự án hợp tác nghiên cứu để tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp và chế biến nông sản trong vùng; đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, tạo ra các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ khoa học công nghệ mới cho thị trường.

Đại diện Ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên và CRISO ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên. | Ảnh: Aus4Innovation
Đại diện Ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên và CRISO ký thỏa thuận hợp tác thành lập Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyêndưới sự chứng kiến của Phó Đại sứ Úc Mark Tattersall và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng| Ảnh: Aus4Innovation

Khu vực Tây Nguyên là trung tâm nông nghiệp lớn, được biết đến với nhiều loại cây trồng có giá trị thị trường và giá trị xuất khẩu cao như hồ tiêu, cà phê và trái cây, nhưng sản xuất nông sản, thực phẩm vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Với khoảng 2 triệu héc ta đất nông nghiệp, các nhà quản lý nhận thấy cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện thu nhập và sinh kế cho người dân đồng thời duy trì lợi ích kinh tế bền vững cho doanh nghiệp.

“Tiềm năng có nhưng thách thức cũng có”, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nói. “Chúng tôi hiểu rằng sản xuất nông nghiệp trong khu vực phải chịu những tác động từ bên ngoài như biến động thị trường hay biến đổi khí hậu, chưa kể đến đại dịch vừa qua đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, khả năng phục hồi và tính bền vững chắc chắn là hướng đi mà chúng tôi muốn phát triển”.

“Chúng tôi muốn tập trung vào ứng dụng đổi mới và công nghệ, đặc biệt là những công nghệ thông minh thích ứng với khí hậu nhằm tối ưu chất lượng, năng suất và giá trị trong sản xuất và chế biến nông sản. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng cải thiện kết nối với thị trường và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của khu vực,” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho biết thêm.

Lãnh đạo 5 tỉnh đều khẳng định họ cần thúc đẩy sự kết nối và tương tác giữa các bên liên quan, do vậy Diễn đàn là cơ hội rất tốt để mọi người học hỏi, trao đổi thông tin và lồng ghép vào đó các kế hoạch công tác liên quan để tận dụng tối đa những hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ phía Úc cũng như các nguồn lực sẵn có khác.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Phó Đại sứ Úc Mark Tattersall và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà trao đổi tại sự kiện. Ảnh: Đại sứ quán Úc.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Phó Đại sứ Úc Mark Tattersall và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà trao đổi tại sự kiện. Ảnh: Đại sứ quán Úc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được Chính phủ Việt Nam xác định là chìa khóa giúp tăng khả năng chống chịu và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, hy vọng các tỉnh Tây Nguyên có thể tận dụng tốt sự hỗ trợ từ Chính phủ Úc và tạo nên một điển hình về diễn đàn khu vực, nơi tạo ra các ý tưởng sáng tạo và giải pháp hữu ích cho những thách thức chung, đồng thời nâng cao năng suất và giá trị của các sản phẩm nông sản.

Úc đang hợp tác với Tây Nguyên trong nhiều hoạt động khác nhau, từ giao thông, quản trị công đến nông nghiệp và thực phẩm.

Nguồn:

Đại sứ quán Úc