Các địa phương đi sau có thể học hỏi từ những bước đường 'xương máu' của các địa phương đi trước như Hải Phòng hay Thừa Thiên Huế.

Hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương
Một doanh nghiệp cơ khí của Nam Định giới thiệu về hệ thống phân loại rác sinh hoạt tại Techfest vùng đồng bằng sông Hồng, TP Nam Định, ngày 11/5. Ảnh: Ngô Hà

Với 11 địa phương, vùng Đồng bằng sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và đổi mới sáng tạo của cả nước. Toàn vùng có trên 500 tổ chức khoa học – công nghệ, 291 tổ chức nghiên cứu phát triển và 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Từ năm 2016 đến nay, đã có 9 tỉnh ban hành chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương dựa trên nền tảng chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia (Đề án 844).

Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh đang là những hạt nhân đi đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, trong khi một số tỉnh khác đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và thu hút các nguồn lực.

Techfest vùng đồng bằng sông Hồng năm nay được tổ chức ở TP Nam Định, thuộc một tỉnh “đang đi chậm hơn” trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ở Nam Định mới bắt đầu từ năm 2021, thông qua một số diễn đàn, hội thảo, cuộc thi, mô hình thí điểm trong trường đại học và một sàn giao dịch khoa học công nghệ - nhưng phải đối mặt với không ít bối rối và khó khăn.

Mặc dù vậy, ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH&CN Nam Định nhấn mạnh, Nam Định thực sự là một khu vực có nhiều tiềm năng và sẵn sàng học hỏi các địa phương khác.

Trong diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng" diễn ra vào ngày 11/5, nhiều địa phương đã chia sẻ với Nam Định về hành trình mà mình trải qua.

Là một người từng quan sát các hệ sinh thái vận hành hiệu quả trên thế giới, ông Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, đúc rút thấy thường thì sau giai đoạn đầu tạo phong trào và truyền cảm hứng như chúng ta đang thấy ở nhiều tỉnh hiện nay, các hệ sinh thái sẽ phải tìm ra bằng được các “champion” của riêng mình.

Họ là những người đi đầu, dám dấn thân và dẫn dắt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Các champion này có thể là bất kỳ ai - từ người lãnh đạo tỉnh, người cán bộ, chuyên viên, doanh nhân, nhà cố vấn, giảng viên, v.v. - nhưng mỗi cá nhân đó sẽ quyết định sự thành bại của việc triển khai và kết nối các bên tham gia.

Ông Hùng đặc biệt nhấn mạnh việc tạo độ “mở” cho hệ sinh thái với ba yếu tố: mở thân (đừng ngồi ở vùng an toàn, hãy đi tham quan những địa phương, thành phố đã làm được), mở tâm (đừng quá cầu toàn, hãy bao dung, làm thí điểm và chấp nhận sự thất bại), và mở tuệ (cần hiểu đúng về lộ trình xây dựng hệ sinh thái, về sự liên kết và nhận diện các champion)

Cùng chia sẻ những bài học tâm đắc này, TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hải Phòng, tiết lộ rằng trước áp lực trở thành một thành phố công nghiệp tầm cỡ quốc gia và quốc tế, Hải Phòng đã “coi việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là một cái nôi cho việc phát triển doanh nghiệp”, bên cạnh những con đường hỗ trợ doanh nghiệp thông thường của Trung ương và Thành phố trước kia.

Từ năm 2017, Hải Phòng đã nhanh chóng thiết lập một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp có khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp, tạo ra một mạng lưới các nhà cố vấn giàu kinh nghiệm, liên kết với các nhà đầu tư thiên thần và nhà đầu tư mạo hiểm, đồng thời lôi kéo các trường đại học liên quan đến định hướng phát triển của địa phương như Đại học Hàng hải, Đại học Ngoại thương tham gia vào việc phát triển các công nghệ và mô hình kinh doanh mới.

Nhờ đó, Hải Phòng đã hình thành được 108 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 28 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tăng tốc. Trong số ít này, 8 doanh nghiệp đã trở thành doanh nghiệp KH&CN, với những sản phẩm ‘rất mới’ và ‘đã có hiệu quả bước đầu’.

“Mặc dù con số đó rất nhỏ so với 37.000 doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng, […] nhưng điều quan trọng là chúng đã chứng minh được tinh thần đổi mới sáng tạo sâu sắc”, ông Tuấn nói.

Đến từ miền Trung xa xôi, giới lãnh đạo Huế cũng đem đến những bài học hết sức cụ thể về đổi mới sáng tạo. TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết họ đã mở ra một loạt chương trình để tạo cơ hội cho các startup tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ - ví dụ như những chương trình về phát triển thành phố thông minh, khai thác nguồn dược liệu quý, phát triển thủy sản của vùng đầm phá Tam Giang, xây dựng hệ sinh thái du lịch cộng đồng.

Mặc dù mỗi chương trình cuối cùng có thể chỉ tạo ra 2-3 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng thông qua đó, những người hỗ trợ khởi nghiệp ở Huế dần dần tích lũy được kinh nghiệm và thúc đẩy việc hình thành nên những cơ chế, chính sách mới, phù hợp với bối cảnh địa phương.

Ông cũng nhắc đến việc xây dựng Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Thừa Thiên Huế có khả năng cấp ‘vốn mồi’ (từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng) cho các doanh nghiệp có sản phẩm nổi bật. Mặc dù việc sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho doanh nghiệp là một điều cực kì phức tạp, những "champion" trong hệ sinh thái Huế đã tìm cách thiết kế được những cơ chế phù hợp để thuyết phục được Sở Tài chính và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.

Cuối cùng, ông Thắng nhấn mạnh, trong hệ sinh thái, không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp mới cần được hỗ trợ mà bản thân các doanh nghiệp truyền thống đang có nhu cầu tái cấu trúc mô hình sản xuất, kinh doanh cũng cần có những cơ chế hỗ trợ thích hợp.