Sau đợt rét lịch sử cuối tháng 1/2016, nước ta có thể hứng chịu một đợt mưa bão nhiều hơn bình thường, theo TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường & Phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

El Nino bắt đầu từ cuối năm 2014 và được cho là mạnh nhất trong 20 năm qua có liên quan gì đến đợt lạnh kỷ lục ở hầu khắp bắc bán cầu vừa rồi không, thưa ông? Vì sao?

Hầu như chắc chắn như vậy. Đó là biểu hiện cụ thể của mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và El Nino mà hai thập kỷ trước vẫn còn tranh luận trong giới khoa học.

TS Nguyễn Hữu Ninh.
TS Nguyễn Hữu Ninh.

Trong khi đợt El Nino tồi tệ nhất gần một phần tư thế kỷ vẫn gây tác động toàn cầu, một số nơi đã bắt đầu ứng phó với La Nina. Phải chăng La Nina có thể xuất hiện ngay năm nay?

Các thông tin khoa học đang theo dõi cho thấy, sau El Nino 2015-2016, sẽ là hiện tượng La Nina tiếp nối mặc dù có trải qua trạng thái trung bình rất ngắn.

Có khả năng La Nina xuất hiện khoảng tháng mấy trong năm? Nó sẽ gây tác động gì đến Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng?

La Nina thường kéo dài 8 - 12 tháng hoặc lâu hơn. Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng chịu tác động rất lớn của La Nina. Cụ thể, lượng mưa sẽ nhiều hơn, gây ra lụt lội lớn trên diện rộng. Thống kê 60 năm qua cho thấy, số lượng bão đổ bộ vào Việt Nam trong những năm La Nina sẽ nhiều hơn. Đặc biệt lưu ý, có thể nhiều cơn bão đổ bộ liên tục dồn dập trong thời gian ngắn.

Được biết, trung tâm của ông đang tham gia một dự án đánh giá El Nino 2015-2016 trên phạm vi toàn cầu? Mục tiêu của dự án là gì, thưa ông?

Dự án gồm 14 nước do Trường Đại học Colorado (Hoa Kỳ) điều phối nhằm xem xét đến khả năng sẵn sàng ứng phó của các quốc gia với El Nino đang diễn ra hiện nay như thế nào. Hội thảo sắp tới tại Việt Nam là một cuộc thảo luận bàn tròn giữa các nhóm quốc gia trong dự án. Hội thảo sẽ cập nhật các đánh giá về El Nino đang diễn ra, đưa ra phương pháp luận mới trong tiếp cận và nghiên cứu El Nino.

Cảm ơn ông.