Việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Bún bò Huế” với các điều kiện, tiêu chí,... đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Vậy, việc cấp NHCN cho sản phẩm hàng hóa giúp gì cho chủ sở hữu và người tiêu dùng?

Để trả lời câu hỏi này, Báo Khoa học và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng

Dư luận đang băn khoăn trước câu chuyện bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Ông có thể chia sẻ ý nghĩa của nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ?

Có thể hiểu nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu chủ sở hữu cho phép các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa hoặc dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính của một hàng hóa, sản phẩm hoặc dịch vụ. Ví dụ về xuất xứ, nguyên vật liệu, cách thức sản xuất, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng của hàng hóa, độ chính xác, độ an toàn hoặc đặc tính khác của hàng hóa đó.

Khách hàng đang ăn trưa tại một quá bún bò Huế trên đường Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Lê Hằng
Khách hàng đang ăn trưa tại một quá bún bò Huế trên đường Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Lê Hằng

Gần đây nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Thái Bình” cho sản phẩm ngao Thái Bình. Thái Bình vốn nổi tiếng có đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện môi trường lý tưởng cho con ngao sinh trưởng. Theo hồ sơ này, địa phương chỉ đề nghị vùng xuất xứ để chứng nhận chỉ ở 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy.

Như vậy, nếu người tiêu dùng mua ngao dán tem nhãn hiệu chứng nhận trên thì biết chắc chắn đó là sản phẩm của Tiền Hải và Thái Thụy - nơi có ngao ngon nhất được chứng nhận đặc tính dinh dưỡng cao hơn các loại khác, thịt chắc, có độ ngọt, béo…

Hay như với mũ bảo hiểm, chỉ cần nhìn mũ được dán tem chứng nhận chất lượng thì người tiêu dùng biết chắc chắn mũ mình chọn đã được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm tra về độ an toàn (độ cứng, mức chịu đựng va đập…).

Nói như thế để thấy, “nhãn hiệu chứng nhận”có ý nghĩa rất quan trọng, đã được một tổ chức chứng nhận đặc tính tốt của hàng hóa, có thể là xuất xứ ở một vùng lãnh thổ, địa phương, hoặc công thức tạo ra sản phẩm… Tức là thay vì người tiêu dùng phải đi tìm hiểu chất lượng sản phẩm thì có một tổ chức đã chứng nhận rồi. Vậy theo Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận khác với chỉ dẫn địa lý ra sao, thưa ông?

Cả hai đều là hình thức để bảo vệ danh tiếng, chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể mà khi nói đến, người ta có thể liên tưởng đến sản phẩm đặc thù.

Chẳng hạn khi nhắc đến Phú Quốc là nghĩ ngay tới nước mắm, nhắc tới Mộc Châu là nghĩ ngay đến chè san tuyết. Còn nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu phải chứng nhận về đặc tính nào đó của hàng hóa, có thể là xuất xứ từ một địa danh cụ thể hoặc một đặc tính rất nổi trội của hàng hóa.

Với một sản phẩm khi lưu thông mang nhãn hiệu chứng nhận, người tiêu dùng có thể yên tâm đó là sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng đồng nhất giữa các nhà sản xuất khác nhau do đã có chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận xác thực.


Tổ chức, cá nhân đủ năng lực đều được công nhận

Vậy ai có quyền đăng ký, sở hữu và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận?

Mỗi cá nhân hay tổ chức đủ năng lực đều có thể làm hồ sơ để được công nhận. Ví dụ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã bảo hộ nhãn hiệu “Yến sào Khánh Hòa” cho yến sào ở Nha Trang. Yến sào ở đây rất tốt, nhưng bị làm giả nhiều.

Để khỏi mất danh tiếng sản phẩm của địa phương, UBND tỉnh đã làm dự án xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm tổ yến Nha Trang. Họ cũng quy định chỉ sản phẩm tổ yến xuất xứ từ Nha Trang, sản xuất theo quy trình quy định mới được chủ sở hữu đóng dấu chứng nhận sản phẩm “Yến sào Khánh Hòa”.

Vậy với các đặc sản địa phương khác như phở bò Nam Định, nem chua Thanh Hóa... muốn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cần phải làm gì, thưa ông?

Đó phải là một dấu hiệu nhìn thấy được và có khả năng phân biệt. Sản phẩm phải có danh tiếng nhất định, có thị trường, có tiềm năng phát triển. Chẳng hạn với phở Hà Nội, các tỉnh trên cả nước đều có biển hiệu phở Hà Nội, nhưng khách ăn sẽ không thấy yên tâm bởi không biết đó có phải là phở Hà Nội thật không. Nếu có cơ quan chứng nhận công thức, nguyên vật liệu, cách nấu thì người ăn chắc chắn yên tâm phở đó được nấu với công thức của phở Hà Nội.

Nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký và khai thác tốt sẽ có ý nghĩa và tác động tính cực như thế nào đến đặc sản địa phương?

Trước hết là sẽ bảo vệ danh tiếng sản phẩm của địa phương đó và sau là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và là công cụ để các nhà sản xuất chống lại mọi sự làm hàng giả, hàng nhái.

Xin trân trọng cảm ơn ông!