Nguyên do là các nhà đầu tư thắt chặt hầu bao, dẫn đến những nhà sáng lập startup phải điều chỉnh lại mức định giá công ty.

d
Ông Chad Ovel cho biết Mekong Capital sẽ vẫn là "một nhà đầu tư rất kỷ luật", tập trung vào các doanh nghiệp tiêu dùng hứa hẹn tạo ra dòng tiền ổn định và tránh đầu tư vào công nghệ có mức định giá quá cao. Trong hơn 20 năm hoạt động, họ đã đầu tư vào Thế giới Di động, Gene Solutions, Vua Nệm, Marou, Pizza 4P's, Pharmacity, F88 v.v. Ảnh: Mekong Capital

Theo DealStreetAsia, giá trị của các giao dịch khởi nghiệp ở Việt Nam trong quý I là 95 triệu USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng và bất ổn chính trị toàn cầu kìm hãm hoạt động giao thương.

Ông Chad Ovel, tổng giám đốc quỹ Mekong Capital, dự đoán, trong một số trường hợp, định giá startup Việt Nam sẽ còn giảm nữa, thậm chí có thể giảm 50% so với mức đỉnh vào năm 2021.

2021 là một năm thành công rực rỡ của thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Theo nghiên cứu từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp Quỹ đầu tư Do Ventuse, số vốn đầu tư và số thương vụ đầu tư của startup công nghệ của Việt Nam trong năm này đã đạt con số kỷ lục, 1,4 tỷ USD với 165 thương vụ. Đáng chú ý, trong năm 2021, Việt Nam chứng kiến sự ra đời của 2 kỳ lân mới: Sky Mavis với mức định giá hơn 3 tỷ USD và MoMo với mức định giá hơn 2 tỷ USD.

“Khi vốn hỗ trợ từ các nhà đầu tư giảm sút, những người sáng lập sẽ trở nên thực tế hơn trong định giá công ty của mình", ông lý giải. “Hiện tại, họ chưa định giá thấp xuống, nhưng không sớm thì muộn… có thể 6 tháng, 12 tháng nữa, [họ sẽ phải làm thế].”

Theo ông Ovel, các quỹ đầu tư mạo hiểm khác trong khu vực có nguồn vốn dồi dào, nhưng cơ hội tại Việt Nam lại quá ít, bởi vậy các nhà sáng lập startup đang đưa ra những mức định giá điên rồ. “Tôi thậm chí chẳng thể hiểu nổi những mức định giá, ví dụ như gấp 8 lần hoặc 10 lần doanh thu… Thời kỳ kiếm tiền dễ dàng diễn ra trong thời gian quá dài và nhiều startup vẫn chưa thay đổi tâm lý.”

“Nhiều công ty đang phải chuyển đổi từ mô hình cũ chuyên đốt tiền để mở rộng thị trường sang mô hình kinh doanh mới, đó là tối ưu hoá lợi nhuận và thực sự cải thiện tất cả các chỉ số như hiệu quả kinh doanh," ông nói. Thực tế cho thấy, không ít startup đã rơi vào “đường cùng” do cạn vốn.

Ông Ovel cho biết đội ngũ Mekong Capital nhận thấy biến động này là "cơ hội lớn" để kiếm lợi, và họ đang xem xét thành lập một quỹ mới tại Việt Nam, "có thể trong năm tới".

Mekong Capital đang làm việc với các công ty tiêu dùng mà họ đầu tư để tập trung vào cải thiện các cửa hàng hiện có thay vì mở thêm cửa hàng mới - ông Ovel tiết lộ.

"Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này để thực sự giúp [các startup] trở nên tinh gọn và mạnh mẽ hơn. Sau đó, khi dòng vốn dồi dào trở lại, chúng tôi sẽ quay lại tăng trưởng."