Diễn biến gần đây cho thấy rất nhiều nhà sản xuất xe điện trên thế giới đang khá lúng túng, không biết làm thế nào để tiến xa trong một cuộc đua mà họ phải miễn cưỡng tham gia.

Volkswagen, hãng ôtô lớn nhất thế giới của Đức, vừa phải cho tạm ngừng sản xuất xe điện tại một trong những nhà máy lớn nhất của tập đoàn. Ảnh: David Hecker/AFP
Volkswagen, hãng ôtô lớn nhất thế giới của Đức, vừa phải cho tạm ngừng sản xuất xe điện tại một trong những nhà máy lớn nhất của tập đoàn. Ảnh: David Hecker/AFP

Ngay từ đầu, ý tưởng điện hóa (electrification) ngành công nghiệp ôtô đã gặp phải sự chống đối kịch liệt. Tuy nhiên, các hãng xe đã không thể lựa chọn khác trước thời hạn loại bỏ hoàn toàn động cơ đốt trong được áp đặt bởi giới chính trị gia. Những mô hình kinh doanh trăm tuổi đứng trước nguy cơ bị khai tử; các kế hoạch tham vọng được phác thảo vội vàng và tốn kém cho một loạt danh mục sản phẩm từ sedan, SUV, bus cho đến xe tải chạy điện,… Ngay cả Ferrari cũng phải chạy theo trào lưu, khiến những fan tốc độ không khỏi hụt hẫng.

Tuy nhiên, khi chỉ vừa mới bắt đầu, từng nhà sản xuất xe điện (EV) một đã phải tính đến chuyện rút lui do nhu cầu quá thấp. Volkswagen (VW) đang lo lắng vì doanh số EV thấp hơn 30% so với dự báo nên đã phải tạm ngừng hoạt động tại một trong những nhà máy lớn nhất của hãng – Emden ở Tây Bắc nước Đức – trong sáu tuần; 300 trên tổng số 1.500 nhân viên sẽ bị sa thải; việc sản xuất mẫu sedan VW ID.7 (chạy điện), dự kiến bắt đầu từ tháng bảy, sẽ bị hoãn lại cho tới cuối năm 2023; và mẫu ID.4 (sedan) cũng cùng chung số phận. “Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trước sự dè dặt của thị trường đối với xe điện,” ông Manfred Wulff – Giám đốc Nhà máy Emden – cho biết. Đó là những lời thẳng thắn từ hãng xe lớn nhất thế giới, trong khi họ vừa công bố kế hoạch đầu tư 120 tỷ Euro trong vòng năm năm cho sứ mệnh “điện hóa và số hóa ngành ôtô”.

Trước đó vài tháng, Ford cũng dội một gáo nước lạnh vào sự hứa hẹn về tương lai của ô-tô điện khi quyết định cắt giảm hàng nghìn lao động ở châu Âu. Việc sản xuất xe điện thực sự không thể tạo ra và duy trì số lượng công ăn việc làm nhiều như xe xăng và dầu diesel. CEO Jim Farley của Ford ước tính hãng chỉ cần sử dụng khoảng 60% số nhân viên cho các phiên bản xe dùng pin.

Tình hình của hầu hết những nhà sản xuất xe điện thuần túy cũng chẳng mấy khả quan hơn. Hãng Lordstown Motors – từng được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi vì đã giúp vực dậy một thị trấn đang suy tàn tại tiểu bang Ohio – mới đây đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Ngay cả Tesla của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cũng buộc phải liên tục giảm giá các mẫu Tesla để duy trì nhu cầu và bảo vệ thị phần.

Nhưng sự thất bại của VW mới chính là điểm đáng lưu ý nhất khi nó đặt ra những dấu hỏi về việc các chính trị gia liệu có đang sai lầm khi áp đặt xe điện cho công chúng – vốn không hoặc chưa sẵn sàng đón nhận chúng. Thời hạn để loại bỏ xe xăng có lẽ sẽ trở thành một chính sách gây tàn phá lớn nhất trong lịch sử. Hãy nghĩ mà xem: ngành công nghiệp ô-tô vốn đã phát triển hoàn chỉnh không chỉ bị ép phải từ bỏ việc sản xuất một sản phẩm vẫn đang được đa số đón nhận mà còn phải đổ những nguồn lực khổng lồ vào phát triển một thứ có thị trường đơn giản là chưa đủ lớn – hay chí ít là trong khoảng thời gian cực ngắn. Đó thực sự là quyết định mang tính tự sát, sẽ gây nên nhiều thảm họa khôn lường về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Như tại nước Anh, nỗi ám ảnh với mục tiêu zero carbon đã khiến các nhà lập pháp quyết định nước này cần phải cắt giảm được lượng khí thải từ phương tiện giao thông vào năm 2030 – nhanh hơn năm năm so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Đó hoàn toàn là một mục tiêu không mang nhiều ý nghĩa nhưng tác động tiềm ẩn lại vô cùng to lớn. Việc các nguồn lực bị buộc phải dồn cho một sản phẩm mà không nhiều người thực sự muốn sẽ khiến cả ngành công nghiệp ôtô – vốn đã mong manh – sẽ gặp nguy hiểm. Làm thế nào để nước Anh, vốn đang thiếu nhà máy sản xuất pin, bộ sạc và phải nhập khẩu tới 1/3 (theo báo cáo của hãng tư vấn Alix Partners) với chi phí tăng cao đáng kể, sẽ chuyển hẳn sang sử dụng xe điện trong vòng bảy năm tới? Chúng ta đang biến thành những con chuột bạch của một cuộc thử nghiệm đắt đỏ và đầy rủi ro.

Có lẽ đến cuối thập kỷ này, thay vì đua nhau sắm xe điện, hàng triệu người sẽ phải cất chìa khóa xe xăng và lựa chọn phương án đi bộ. Viễn cảnh đó hoàn toàn phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon và tuyệt vời cho môi trường, nhưng khủng khiếp đối với nền kinh tế.
------
(*) Tóm lược từ quan điểm của cây viết kỳ cựu Ben Marlow trên nhật báo The Telegraph (Anh quốc).