Nhưng ông Anthony Fauci, kiến trúc sư trưởng của nước Mỹ trong việc thiết kế các phản ứng chống dịch và chăm sóc sức khỏe qua bảy đời tổng thống Mỹ cho rằng, không phải lúc nào người ta cũng hiểu được vai trò của những nghiên cứu rất cơ bản trước những thành tựu đó.
Đối với những người không được đào tạo về khoa học, họ cảm thấy mơ hồ về những nghiên cứu mang tính nền tảng như chu trình tế bào từ ruồi giấm hoặc nấm men và không biết là liệu chúng có liên quan đến đại dịch hay không?
Đúng vậy, trong thời đại của chủ nghĩa thực dụng, nghiên cứu cơ bản không được nhìn với ánh mắt thiện cảm. Nhưng nghiên cứu cơ bản thật sự là chìa khóa cho sự phát triển vaccine COVID, ví dụ như người ta phát hiện rằng dạng tiền dung hợp (prefusion) của protein gai của SARS-CoV-2 sẽ sinh miễn dịch cao hơn so với dạng dung hợp (postfusion) của nó.
Khi đại dịch COVID bùng phát, Barney Graham, nhà miễn dịch chuyên về hợp bào hô hấp RSV nói: “Chúng ta hãy lấy protein gai của SARS-CoV-2 và làm điều tương tự như chúng ta làm với HIV và virus hợp bào hô hấp RSV. Kết quả là chúng ta có một vaccine đạt hiệu quả 94-95%. Chính nhờ những nghiên cứu cơ bản, xuất phát từ nỗ lực của chúng tôi về HIV từ 20 năm trước, đã tạo nên kỳ tích vaccine COVID một cách nhanh chóng như vậy.
Chúng ta cần biết thêm những điều gì về sinh bệnh học và miễn dịch học để ứng phó tốt hơn với đại dịch này và các đại dịch tiếp theo?
Nghiên cứu cơ bản mà chúng tôi rất mong muốn phải được hỗ trợ để phát triển hơn nữa, ví dụ như là phương pháp tiếp cận mầm bệnh nguyên mẫu, [nôm na là] “điểm chung giữa các biến thể khác nhau là gì?” Ví dụ như khi biến thể Anh và biến thể Nam Phi lây lan nhanh và dần trở nên thống trị, chúng tôi sắp xếp thứ tự tiến hóa để xem liệu giữa chúng có chung ở bất kỳ khía cạnh phân tử không - chúng có điểm gì không thay đổi trong miền liên kết thụ thể RBD hoặc protein gai không? Một khi xác định được một khu vực như vậy, chúng ta có thể tạo miễn dịch và trung hòa nó, cho phép tạo ra một vaccine phổ quát chống lại tất cả các biến thể của SARS-CoV-2. Cơ quan chủ quản của NIAID là Viện Sức khỏe quốc gia (NIH) đang tài trợ nhiều cho các nghiên cứu này. Nhưng chúng ta cần cách tiếp cận mạo hiểm hơn.
Một trong những chỉ trích lớn nhất đối với NIH là họ chỉ tập trung tài trợ cho các dự án khả thi cao. Vậy liệu các nhà tài trợ tư nhân có thể đóng vai trò quan trọng hơn đối với các nghiên cứu rủi ro cao hơn, đồng thời cũng hứa hẹn nhiều giá trị hơn?
Mặc dù NIH đang sử dụng ngân sách của mình rất hiệu quả, nhưng xu hướng tài trợ của chúng tôi chủ yếu cho các nghiên cứu ít rủi ro. Quy trình đánh giá ngang hàng của chúng tôi luôn bắt đầu với câu hỏi: “Dữ liệu sơ bộ của bạn tới đâu rồi?”. Một nhà khoa học với ý tưởng thú vị nhưng chưa có dữ liệu sẽ bó tay trước mô hình thẩm định này. Nhưng các quỹ tư nhân có thể nói: “Ồ, thú vị đấy, tuy rủi ro những có tiềm năng tạo ra tác động lớn, chúng tôi sẽ đầu tư.” Tôi nghĩ đó chính là vai trò tối ưu cho hoạt động các quỹ tài trợ khoa học tư nhân.
Thật tuyệt nếu các nhà tài trợ để mắt đến những nhà khoa học triển vọng trẻ tuổi nhưng chưa đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, cam kết tài trợ trong 5-10 năm để họ khỏi phải lo lắng về sự lãng phí thời gian viết các đề án xin tài trợ. Chúng ta sẽ không cắt tiền chỉ vì một báo cáo thường niên chưa tốt. Nói cách khác, hãy đầu tư mạo hiểm vào những người tài năng để họ dám dấn thân vào nghiên cứu mới, đừng khiến họ phải bước trên những lối mòn của sao chép ý tưởng để nhận được nguồn tài trợ.
Ông có thể nói chúng ta đã đi bao xa trong hiểu biết về hệ miễn dịch, so với mong muốn của ông?
Có những điều về hệ miễn dịch, đặc biệt là về bệnh cúm và dấu ấn của nó trong cơ thể mà chúng tôi thực sự muốn biết. Nói cách khác, lý do mà chúng ta đã không thành công trong việc phát triển một loại vaccine lâu dài chống lại các chủng cúm khác nhau, và phải thay đổi công thức vaccine hằng năm. Điều kỳ là lạ dường như hệ miễn dịch đã mang dấu ấn của các chủng trước đó, và phản ứng với chủng mới tương tự theo cách phản ứng với chủng cũ. Chúng tôi gọi đó là “vết sẹo kháng nguyên nguyên thủy”. Chúng ta vẫn chưa hiểu điều đó xảy ra như thế nào, và nếu cơ chế này xảy ra không chỉ đối với bệnh cúm, chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối với các virus đột biến khác.
Nhớ lại những ngày đầu của đại dịch COVID, các nhà khoa học vẫn còn xem xét đó có phải do một loại virus mới gây ra không. Lúc đó, ông có suy nghĩ gì?
Trên thực tế, đó chủ yếu là các câu hỏi dịch tễ mà chúng tôi cố gắng tìm cách trả lời: Virus mới lây lan như thế nào. Ban đầu nó được cho là đã nhảy từ động vật sang người, và không dễ lây từ người sang người. Và rồi chúng tôi nhận thấy nó lây từ người sang người rất hiệu quả. “Ôi trời ơi, 50% trường hợp lây truyền xảy ra từ người không có bất kỳ triệu chứng nào.” Điều đó đã làm đảo lộn mọi thứ.
Cơ thể tất cả sinh vật, bao gồm con người, đều mang một hệ vi sinh (microbiome) riêng biệt, trong trạng thái cân bằng mong manh. Nếu hệ vi sinh này trục trặc, chúng ta có thể sẽ đối mặt với tình huống tương tự COVID. Có cách nào để chúng ta hòa hợp với nơi luôn chầu chực mang mầm bệnh đe dọa tiếp theo?
Lĩnh vực này rất đáng để tìm hiểu. Tôi cùng đồng nghiệp đã viết một bài báo về hệ vi sinh trên Journal of Infectious Diseases vài tháng trước. Chúng tôi đã viết về sự cần thiết phải tập trung trở lại nghiên cứu về hệ vi sinh vật trên người: chúng ta đã mô tả rất nhiều về nó nhưng chưa biết tác động thực tế là gì. Điều gì xảy ra với hệ vi sinh vật của ai đó khi dùng vài tháng thuốc kháng sinh. Điều gì xảy ra khi làm điều này hoặc điều kia. Đó là một vùng đất chưa được khai phá, và cần phải được lập bản đồ chi tiết.
Có mối liên hệ nào đã biết giữa hệ vi sinh và mối đe dọa của các bệnh lây từ động vật hay không?
Có thể có mối liên quan như thế. Tôi nghĩ chúng ta cần phải tìm hiểu các loài thích nghi hoặc không đối với mầm bệnh như thế nào. Trong trường hợp một virus lây nhiễm từ động vật sang người, làm thế nào mà nó đột ngột trở nên chết chóc với con người trong khi vô hại với động vật. Cụ thể là tại sao dơi có thể nhiễm SARS-CoV-2 vô hại nhưng với người thì khác. Tôi không nghĩ có ai đó đã có manh mối về câu hỏi đó.
Đó có phải là mục tiêu cho nghiên cứu cơ bản hay không?
Chính xác là như vậy.
Nguồn: simonsfoundation.org