Với mô hình này, cộng đồng, chính quyền và các nhà khoa học sẽ cùng nhau xây dựng một kế hoạch tổng thể cho hoạt động quản lý nghề cá gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, đảm bảo ổn định sinh kế của người dân

h
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – sông Sài Gòn. Ảnh: Dangcongsan.vn

Những năm gần đây, nguồn lợi thuỷ sản ven bờ nói riêng và tài nguyên đa dạng sinh học, hệ sinh thái vùng bờ nói chung tại khu vực Cần Giờ đang chịu áp lực lớn bởi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động không nhỏ từ các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trong bối cảnh đó, các mô hình quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng biển ven bờ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với mong muốn đề xuất phương án quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản, thuỷ sinh vật, TS. Thái Ngọc Trí và các cộng sự thuộc Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp quản lý nguồn lợi thuỷ sản và xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh”.

Theo Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Sở KH&CN TP.HCM), đề tài đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nguồn lợi và sự đa dạng của thực vật nổi (Phytoplankton), động vật nổi (Zooplankton), động vật đáy không xương sống cỡ lớn (Macrozoobenthos), thảm thực vật, cá ở vùng cửa sông ven biển Cần Giờ; nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nghề khai thác (kinh tế - xã hội nghề cá) ở vùng cửa sông ven biển Cần Giờ; nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn một số loài đại diện có giá trị kinh tế, ý nghĩa khoa học hoặc đặc trưng ở vùng Cần Giờ; nghiên cứu, phân tích, đánh giá các yếu tổ ảnh hưởng đến nguồn lợi cá ở Cần Giờ; xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá ở Cần Giờ và bộ tiêu chí đánh giá, đề xuất giải pháp, lộ trình kế hoạch thực hiện.

Kết quả cho thấy, khu hệ thực vật phù du và tảo bám ở các khu vực nghiên cứu phong phú và đa dạng. Trong đó, nhóm tảo silic chiếm ưu thế về thành phần loài, mật độ cũng như sinh khối. Khu hệ thực vật phù du ở khu vực cửa sông và rừng ngập mặn có tính đa dạng hơn ở vùng biển ven bờ, ngược lại mật độ và sinh khối ở khu vực cửa sông và rừng ngập mặn thường thấp hơn ở vùng ven bờ. Ở tất cả các khu vực nghiên cứu, các loài tảo silic chiếm ưu thế bao gồm các loài Skeletonema, Thalassionema, Coscinodiscus, Thalassiosira, Cyclotella, trong đó sự hiện diện của một số loài như Skeletonema, Cyclotella, Thalassiosira với mật độ và sinh khối cao, là nguồn thức ăn dồi dào cho nuôi trồng thủy hải sản và nghề cá. Đặc biệt, với sự hiện diện và chiếm ưu thế của hai nhóm tảo silic ThalassiosiraSkeletonema, đây chính là nguồn thức ăn tự nhiên có giá trị cho các loài thủy hải sản phân bố và phát triển.

Kết quả khảo sát sinh vật phù du tại các điểm thu mẫu ghi nhận được 52 loài thuộc 29 giống, 21 họ, 6 lớp, 4 ngành và 7 loại ấu trùng. Số loài thuộc nhóm giáp xác chân chèo Copepoda là cao nhất, chiếm 49,15% tổng số loài sinh vật phù du trong các mẫu thu được. Tiếp theo là các loài thuộc nhóm động vật nguyên sinh Protozoa (chiếm 35,59%), nhóm khác bao gồm ấu trùng các loại và loài thuộc ngành khác chiếm 11,86%, nhóm giáp xác có vỏ Ostracoda chiếm tỷ lệ thấp nhất với 3,39%.

j
Kết quả nghiên cứu đã thu thập và xác định được 147 loài cá thuộc 44 họ, 13 bộ. Ảnh: CESTI

Quần xã động vật đáy không xương sống cỡ lớn ở vùng cửa sông ven biển và rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 161 loài, 99 giống thuộc 76 họ, 34 bộ, 8 lớp, 5 ngành (Annelida, Arthropoda, Cnidaria, Echinodermata, Mollusca). Tính đa dạng của quần xã này ở vùng cửa sông ven biển và rừng ngập mặn Cần Giờ khá cao. Trong số các loài động vật đáy không xương sống cỡ lớn có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao, ví dụ như tôm tít, hàu và nghêu phục vụ phát triển sinh kế cộng đồng trong quản lý nghề cá, phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản vùng biển ven bờ huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Kết quả nghiên cứu đã thu thập và xác định được 147 loài cá thuộc 44 họ, 13 bộ. Trong 13 bộ cá đã được xác định, bộ cá Vược (Perciformes) chiếm ưu thế với số lượng loài nhiều nhất (83 loài chiếm tỷ lệ 57%). Đứng thứ hai là bộ cá Bơn (Pleuronectiformes) với 15 loài; kế đến là bộ cá Trích (Clupeiformes) với 12 loài; đứng thứ tư là bộ cá Nheo (Siluriformes) với 9 loài. Bộ cá Chình (Anguilliformes) có 7 loài. Bộ cá Đối (Mugiliformes) có 6 loài. Các bộ còn lại có số lượng loài ít. Kết quả nghiên cứu cũng xác định 13 loài thuộc 10 họ, 5 bộ có mặt trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và trong Danh lục Đỏ thế giới - IUCN (2021), với các mức độ đe doạ khác nhau. Ngoài ra, có 3 loài nằm trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm (Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ). Có 2 loài là loài đặc trưng cho địa phương, vùng gồm loài cá Chìa vôi (Proteracanthus sarissophorus) và cá Dứa (Pangasius elongatus).

Ở các vị trí nghiên cứu, nhóm đề tài đã xác định được 15 loài cây ngập mặn thuộc 8 họ, trong đó họ Đước (Rhizophoraceae) chiếm ưu thế với 5 loài thuộc 3 chi (Rhizophora, Ceriops, Kandelia), họ Ô rô (Acanthceae) có 3 loài thuộc chi Mấm (Avicennia).

g
Rừng ngập mặn khu vực nghiên cứu có mật độ cá thể trung bình dao động từ 1.170 – 2.030 cây/ha. Ảnh: CESTI

Khu hệ thuỷ sinh vật thuỷ sản, thực vật rừng ngập mặn (vùng bờ) phong phú và đa dạng có vai trò và giá trị không chỉ trong tiềm năng phát triển kinh tế thuỷ sản mà còn có vai trò và giá trị về khoa học bảo tồn đa dạng sinh học. Điều kiện môi trường và hệ sinh thái vùng bờ tốt có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái vùng biển ven bờ.

Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ ở Cần Giờ. Đồng quản lý nghề cá có thể được định nghĩa như một sự sắp xếp phối hợp trong đó cộng đồng người sử dụng nguồn lợi (ngư dân), chính quyền (xã, huyện, tỉnh, trung ương) các bên tham gia khác (chủ thuyền, thương cá, đóng tàu, người làm kinh doanh), các tổ chức khác (các tổ chức phi chính phủ, trường đại học và các cơ quan nghiên cứu) chia sẻ trách nhiệm và quyền hạn trong việc quản lý nghề cá. Cụ thể, các nhà khoa học đã thành lập được ba tổ đồng quản lý nghề cá: Tổ đồng quản lý nghề cá Long Hoà, Tổ đồng quản lý nghề cá Cần Thạnh, Tổ đồng quản lý nghề cá Thạnh An. Thành viên của ba cộng đồng này đã cam kết triển khai hoạt động đồng quản lý nghề cá ở vùng biển ven bờ theo đúng quy định của Nhà nước và có các quy ước cộng đồng, đồng thời xây dựng một kế hoạch tổng thể cho đồng quản lý nghề cá (có sự tham gia và thống nhất từ cộng đồng nghề cá).

Kết quả nghiên cứu của đề tài được kỳ vọng sẽ là cơ sở khoa học cho việc quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, đảm bảo ổn định sinh kế cộng đồng không chỉ tại Cần Giờ mà cả các vùng biển ven bờ khác ở Việt Nam.