Quá trình học tậpEverett Irwin Mendelsohn ra đời vào ngày 28/10/1931 tại New York và lớn lên ở Bronx. Cha ông, Morris, và nhân viên kinh doanh cho một công ty nhập khẩu kẹo từ châu Âu; mẹ ông, May (Albert) Mendelsohn, là thư ký trong hệ thống trường công của Thành phố New York.
Sau khi tốt nghiệp Trường trung học kỹ thuật Brooklyn vào năm 1949, Mendelsohn học cả hai chuyên ngành sinh học và lịch sử tại Đại học Antioch ở Ohio, lấy bằng Cử nhân Khoa học vào năm 1953.
Vào năm 1955, trong lúc làm nghiên cứu sinh tại Harvard, ông đã có thời gian nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm sinh vật biển tại Woods Hole, Mass. Tại đây, ông làm việc dưới sự chỉ đạo của nhà sinh vật học Clifford Grobsteintrong một dự án liên quan tới chiết xuất hormone từ cuống mắt của tôm hùm. Quy trình này vẫn cho phép con tôm hùm sống khỏe và có thể ăn được. Đám tôm hùm này đã mang lại cho ông rất nhiều người bạn. Bởi vì khi phòng thí nghiệm muốn loại bỏ tôm hùm, ông lại gọi bạn bè tới cùng nấu nướng chúng trên bãi biển.
Một người thầy tận tụySau khi lấy được bằng thạc sĩ, ông tiếp tục học lên Tiến sĩ về Lịch sử khoa học tại Harvard và tốt nghiệp vào năm 1960. Sau một năm làm nghiên cứu sinh sơ cấp, ông bắt đầu công tác giảng dạy tại ngôi trường này cho tới khi về hưu vào năm 2007.
Trong quá trình đứng trên bục giảng, ông đã giảng dạy về nhiều chủ đề đa dạng – kỹ thuật di truyền, môi trường, việc chế tạo quả bom nguyên tử – và khuyến khích các sinh viên tìm hiểu xem khoa học đã có ảnh hưởng thế nào tới các sự kiện diễn ra trên thế giới và trong cuộc sống thường ngày.
Bà Anne Harrington, giáo sư lịch sử khoa học tại Harvard, đã nhận xét về người đồng nghiệp của mình như sau: “Everett là một trong những sử gia khoa học hoạt động xã hội thuộc thế hệ mới, những người kiên trì tin rằng chỉ chú ý tới những câu chuyện nội tại của khoa học thôi là chưa đủ. Khi nghiên cứu lĩnh vực này, người học cũng cần chú ý tới các điều kiện trong đời sống xã hội đã định hình khoa học như thế nào, đồng thời khoa học cũng có tác động ngược lại với xã hội ra sao. Ít nhất với Everett, nghiên cứu về chủ đề đó đòi hỏi một phương diện đạo đức mạnh mẽ. Nhiều năm liền, ông đã dạy một khóa cho các sinh viên với cái tên đơn giản là ‘Khoa học và các Vấn đề xã hội của nó’. Ông sử dụng các phương pháp lịch sử để khiến sinh viên chú ý tới một số thách thức về đạo đức và sự nhập nhằng trong khoa học. Ngày nay các vấn đề như vậy là những động thái rõ ràng cần thực hiện, song vào thời điểm đó mọi sự không diễn ra như thế”.
Trong một bài giảng vào năm 2013 tại Đại học Dartmouth, ông đã bàn về sự tiến bộ khoa học trong thế kỷ 16 và 17, cuộc Cách mạng Công nghiệp và các cuộc cách mạng gần đây hơn về kỹ thuật số và sinh học, rồi ông kết thúc với một băn khoăn là liệu những tiến bộ này có nguy cơ trở nên quá mức phức tạp tới nỗi công chúng sẽ không thể hiểu được chúng, dẫn tới họ không thể đưa ra những quyết định sáng suốt về các ứng dụng của chúng – một viễn cảnh mà ông không hề mong muốn.
“Các cuộc cách mạng khoa học đòi hỏi công dân tham gia có được hiểu biết đầy đủ hơn, mà điều này rất khó khăn bởi vì mức độ kiến thức cần thiết sẽ rất cao, và một trong những thách thức là làm sao để thu hẹp khoảng cách này. Ở nhiều phương diện, khoa học chắc chắn là một phần hết sức quan trọng trong đời sống chúng ta để mà cho rằng nó chỉ dành cho các chuyên gia mà thôi”, giáo sư Mendelsohn bày tỏ suy nghĩ của mình.
Giáo sư Harrington cho biết: “Trong lớp học, Everett có tài tóm gọn các chủ đề trong một cuộc bàn luận, loại bỏ những điều không mạch lạc và chắt lọc ra những hiểu biết sâu sắc. ‘Để xem tôi có thể tóm gọn những điều mình đang nghe ở đây không nhé’, anh ấy sẽ nói như vậy đấy. Sau đó, Everett sẽ thể hiện cho sinh viên thấy một phiên bản tổng hợp nâng cao và tài tình về những điều mà họ đã đóng góp, để rồi các em sinh viên đều thật ngạc nhiên và ấn tượng trước suy tư sâu sắc mà tập thể đã tạo ra”.
Bất kể cầm bút viết hay giảng dạy về ngành khoa học nào, giáo sư Mendelsohn đều rất cẩn trọng trong việc diễn đạt, nhằm đảm bảo rằng chủ đề mà mình muốn bàn luận không hề phức tạp với đối tượng hướng tới. Ông cũng hay động viên các nghiên cứu sinh tiến sĩ hãy mạnh dạn ra Quảng trường Harvard và giải thích luận án của họ với những người đang đi trên đường.
Một “chiến binh” hòa bìnhMột khía cạnh mà giáo sư Mendelsohn hết sức quan tâm là mối quan hệ giữa khoa học và chiến tranh. Là một người yêu chuộng hòa bình, ông hoạt động rất tích cực trong các nhóm như Ủy ban phụng sự bằng hữu Hoa Kỳ, Ủy ban khoa học, kiểm soát vũ khí và an ninh quốc gia của Hiệp hội Hoa Kỳ vì sự tiến bộ khoa học, mà ông là một trong những người sáng lập. Vào tháng 2/1968, không lâu sau khi về nước từ chuyến đi kéo dài cả tháng tới Campuchia, Thái Lan và Miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam, ông đã mô tả một góc nhìn trần trụi về tình hình chiến sự lúc bấy giờ, trái ngược hoàn toàn với những điều mà chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên truyền.
“Tôi nghĩ chúng ta đang phải nhận một thất bại vô cùng nặng nề về mặt quân sự, tới mức mà mọi tuyến phòng thủ trên khắp đất nước ấy đều bị chọc thủng”, ông trả lời phỏng vấn của tờ The Boston Globe.
Trong một cuộc phỏng vấn kỹ lưỡng với tờ The Harvard Crimson diễn ra cùng tháng, ông cũng mô tả về những thiệt hại mà dân thường phải hứng chịu trong chiến tranh, những điều mà ông đã tận mục sở thị trong chuyến tới thăm một bệnh viện ở Quảng Ngãi. “Khi đi qua phòng y tế để vào khu bệnh nhân chịu thương tích nghiêm trọng, chúng tôi đã thấy toàn bộ sự kinh hoàng của cuộc chiến này”, ông chia sẻ.
Một nhóm các y bác sĩ mà Tổng thống Lyndon B. Johnson đã cử tới Miền Nam Việt Nam nhiều năm trước chỉ báo cáo lẻ tẻ một vài trường hợp thường dân bị bỏng vì bom napalm: “Một số lượng lớn những bệnh nhân bị bỏng dường như là do bất cẩn sử dụng ga trong bếp nấu ăn”. Song giáo sư Mendelsohn cho biết ông đã thấy hàng chục nạn nhân của bom napalm nằm trong bệnh viện.
Gần đây hơn, giáo sư Mendelsohn đã dồn sự quan tâm vào việc khuyến khích đối thoại nhằm hướng tới hòa bình lâu dài cho người dân ở vùng Trung Đông. Trong 20 năm qua, ông đã tới Trung Đông ít nhất mỗi năm một lần để tham gia các cuộc thảo luận giữa người Arab và người Israel, hỗ trợ đưa ra các báo cáo về những vấn đề như làm sao để thương lượng về vị trí của Jerusalem trong một cuộc thỏa thuận giữa Israel và Palestine. Tình trạng “dậm chân tại chỗ” ở khu vực này đã khiến ông đau đáu cho tới cuối đời. Ông chia sẻ: “Từ năm 18 tuổi, khi nhận ra mình là một người theo chủ nghĩa hòa bình, tôi đã tự hứa với mình là sẽ dành một phần trong đời để biến thế giới này trở thành một nơi đáng sống tốt đẹp hơn”.
Giáo sư Everett I. Mendelsohn qua đời sau một cơn đột quỵ vào ngày 6/6/2023 tại nhà riêng ở Cambridge, Mass, trong sự thương tiếc của gia đình và đồng nghiệp.