Bước ra từ thống khổ, Viktor Frankl dùng chính những chiêm nghiệm từ máu và nước mắt của mình để tìm ra một giải pháp khả thi cho những căn bệnh tinh thần của cả những thế hệ sau.

Viktor Frankl (1905-1997) là nhà tâm lí học xuất sắc người Áo, cùng thời với Sigmund Freud. Sống sót và bước ra khỏi trại tập trung Đức Quốc Xã, ông đã dành gần như cả phần đời còn lại để thiết lập và phát triển một phương pháp trị liệu được ông định danh là “liệu pháp ý nghĩa” hay “sự chữa lành nhờ ý nghĩa” (healing through meaning).

Cuốn sách được xuất bản lần đầu ở Đức năm 1946. Nguồn: INT

Frankl được xem là người đã “bắt” cực kì chính xác căn bệnh tinh thần mà gần như bất cứ ai trong và sau thời đại ông sống đều có nguy cơ phải đối mặt, đặc biệt là từ sau biến cố tàn bạo và khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại: Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sức mạnh dữ dội của sự hủy diệt, lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, sự tàn nhẫn giữa người với người… - tất cả đều là những di sản lâu dài và đau đớn từ cuộc chiến. Chưa bao giờ người ta thấy bất tín đến như thế trước mọi diễn ngôn tụng ca về tinh thần nhân văn, về vẻ đẹp và sự cao thượng ở con người. Chưa bao giờ cảm giác vô nghĩa về sự tồn tại của chính mình lại ám ảnh con người hiện đại đến vậy. Nhưng Frankl lúc nào cũng không nguôi nhắc nhở rằng, đừng bao giờ đánh mất đi năng lực sống và ý thức về giá trị nội tại trong sự sinh tồn của chính chúng ta. Những nhắn nhủ tâm huyết ấy được ông đúc kết và gửi gắm qua một trong những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình ...trotzdem Ja zum Leben sagen: Ein Psychologe erlebt das Konzentrationslager (…Hãy nói Có với cuộc sống: Những trải nghiệm trong trại tập trung của một nhà tâm lí học), xuất bản lần đầu năm 1946 tại Áo, và được dịch sang tiếng Anh dưới tiêu đề Man’s Search for Meaning.

Frankl không phủ nhận tác động của môi trường xung quanh, đặc biệt trong những tình thế ngặt nghèo như cuộc sống ở trại tập trung: “Khi cố gắng lí giải về những đặc điểm tâm lí tiêu biểu của người tù trong trại, tôi nhấn mạnh việc con người bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh”. Nhưng, trên hết, đây mới là câu hỏi rốt ráo khiến Frankl trăn trở hơn cả: “Thế còn sự tự do của con người thì sao? Chẳng lẽ không có sự tự do về tinh thần trong hành vi và phản ứng của con người trước môi trường xung quanh sao? Có phải lí thuyết cho rằng con người chẳng qua chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh và môi trường là đúng?...” Và điều đáng nói là, những trải nghiệm trong trại đã giúp ông làm sáng tỏ điều ngược lại: “Những trải nghiệm từ cuộc sống trong trại cho thấy con người có sự lựa chọn cho hành động của mình (…) Con người có thể giữ vững sự tự do về tinh thần, sự độc lập về tâm trí, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ do căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất”.

Đương nhiên, nếu được lựa chọn, không một ai chọn đau khổ. Nhưng khi cuộc đời đột ngột đổ xuống những bi kịch không thể lường trước, những nỗi bất hạnh không thể tránh khỏi, thì Frankl nhắc nhở chúng ta rằng: sau tất cả, mỗi người vẫn còn có thể giữ cho riêng mình sự tự do lựa chọn cuối cùng, đó là thái độ trước khổ đau.

Viktor Frankl (1905-1997) là người đã gọi tên “trạng thái tồn tại chân không” với biểu hiện chủ yếu nhất là cảm giác chán nản và vô mục đích. Nguồn: INT

Sự khốc liệt của trại tập trung một lần nữa lại minh chứng cho điều ông nói. Cùng bị dồn đẩy vào một tình thế ngặt nghèo nơi cái chết, sự sỉ nhục và miếng ăn trở thành ám ảnh, phản ứng của mỗi người sẽ quyết định bản lĩnh và phẩm tính của họ. Lúc này, nghịch cảnh trở thành phép thử. Họ có thể lao vào cuộc đấu tranh sinh tồn và rũ bỏ những giá trị nhân bản nhất. Nhưng họ cũng hoàn toàn có thể lựa chọn một lối phản ứng khác, một lựa chọn sống “xứng đáng” hơn với “những đau khổ của mình” theo cách nói của Dostoievski. Chính vì thế, trại tập trung không chỉ là nơi Frankl buộc phải chứng kiến sự lên ngôi của tính ác, sự bạo lực và thói vô cảm của con người, mà còn là chốn giúp ông hiểu sâu sắc sức mạnh của lòng dũng cảm, sự tự trọng và bao dung.

Có thể họ chỉ gồm vài người, nhưng với Frankl, điều đó đã đủ để chứng minh rằng, một người có thể bị tước đoạt mọi thứ, chỉ trừ một điều – quyền tự quyết: “quyết định về việc bạn sẽ khuất phục hay ngẩng cao đầu trước những thế lực đang đe dọa cướp đi con người thật của bạn, cướp đi sự tự do bên trong của bạn; quyết định về việc bạn có thể trở thành trò đùa của hoàn cảnh, chối bỏ sự tự do và phẩm giá của mình để nhào nặn thành hình nhân tiêu biểu cho phận tù hay không”.

Hơn ai hết, Frankl hiểu rằng, mọi sự phân tách rạch ròi kẻ tốt người xấu đều phiến diện. Con người khó lường và bất toàn ở chỗ về bản chất, nó là sự pha trộn phức tạp giữa thiên thần và ác quỷ. Nhưng ông còn lưu ý thêm rằng cái phần thánh thiện hay phần tồi tệ kia sẽ được hiện thực hóa phụ thuộc vào mỗi cá nhân chứ không phải do hoàn cảnh. Nói cách khác, bằng lựa chọn hành động, chúng ta trao cho sự tồn tại của mình một giá trị và ý nghĩa. Có lẽ không một nhận định khái quát nào về bản chất con người dữ dội và chính xác dường ấy: “Rốt cuộc, con người chính là kẻ đã tạo ra phòng hơi ngạt ở Auschwitz, đồng thời cũng chính là những sinh thể đã hiên ngang vào phòng hơi ngạt với kinh Lạy Cha hoặc câu kinh Shema Yisrael trên môi”.

Frankl ví cuộc đời con người như những cuốn phim. Nếu một bộ phim “bao gồm hàng nghìn bức ảnh riêng lẻ nối tiếp nhau, mỗi hình đều có nghĩa và chuyển tải một thông điệp nào đó” và “ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của bộ phim trước khi xem đến cảnh cuối cùng” thì cuộc đời mỗi người cũng vậy: “Chẳng phải ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống, nó chỉ xuất hiện vào thời khắc kết thúc, lúc cận kề cái chết hay sao?”

Đã nếm trải đủ những nỗi thống khổ, Frankl hiểu rằng, cảm giác hư vô, sự mất kết nối, và mặc cảm về tính vô nghĩa trong sự tồn tại của chính mình dễ dàng đẩy chúng ta vào tuyệt vọng đến dường nào. Ông gọi đây là “trạng thái tồn tại chân không”, xuất hiện khi một người “không nhận thấy được ý nghĩa trong cuộc sống” và chế ngự tâm hồn họ là một cảm giác trống rỗng, một “vết khuyết bên trong”.

Frankl đã chứng kiến cảm giác này ở những lớp tù nhân đầu tiên được đưa vào trại (mà ông cũng là một trong số đó). Ngay lập tức, họ bị lột trần và bị tước đoạt ngay cả đến cái tên. Chẳng còn lại gì ngoài cái thân thể xơ xác bị lạm dụng và bóc lột đến kiệt quệ, không ít người nghĩ về cái chết. Không ai khác, đích thân Frankl đã lãnh về mình trách nhiệm thuyết phục những người bạn tù không tự sát. Và những gì ông làm là cố gắng giúp họ nhận ra ý nghĩa cho sự tồn tại của chính mình. Đó không phải là những ý nghĩa phi thực, xa vời, trừu tượng mà cực kì thiết thân gần gũi. Với người này, đó là khả năng sẽ được gặp lại đứa con đang may mắn được tị nạn ở nước ngoài. Với người kia, là một công trình nghiên cứu còn đang dang dở mà nếu người ấy mất đi, sẽ không ai có thể thay thế hoàn thành… Cũng như cuốn phim kia, Frankl kéo người ta ra xa hơn khỏi khoảnh khắc hiện tại, đặt họ vào một điểm mốc ở thì tương lai để vừa có một cái nhìn gián cách, vừa nhận thức rõ hơn giá trị của những gì mình đang nếm trải. Không dưới một lần, ông dẫn lại câu nói mạnh mẽ của Friedrich Nietzsche: “Người nào có lí do để sống thì sẽ có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”.

Cùng với các cộng sự của mình, ông đã nỗ lực buộc tâm lí học phải công nhận “trạng thái tồn tại chân không” hay hội chứng “ngày chủ nhật uể oải” là một chứng bệnh cần được quan tâm săn sóc, chữa lành. Ông đã dành không biết bao nhiêu thời gian để trò chuyện với những người tìm đến mình, đa phần đều là những kẻ đang rơi vào cùng đường, phải hứng chịu những bất hạnh đắng cay, hay đang hoang mang, chán chường, mất phương hướng.

Ông “tin vào tính thiện ở mỗi con người. Ông là ngọn hải đăng thắp sáng lòng độ lượng và chủ nghĩa nhân văn (…) Ông đã cứu mạng rất nhiều người và không cho phép mình đầu hàng trong tuyệt vọng” – Adam Gibgot, tác giả kịch bản của bộ phim chuyển thể từ Man’s Search for Meaning, nhận xét. Quả thực, nghĩ tới Viktor Frankl, những vần thơ của Aragon lại văng vẳng trong tâm trí: “Một tiếng từ ngục tối/ Nói đến những ngày mai…” (Tế Hanh dịch)

Frankl ví cuộc đời con người như những cuốn phim. Nếu một bộ phim “bao gồm hàng nghìn bức ảnh riêng lẻ nối tiếp nhau, mỗi hình đều có nghĩa và chuyển tải một thông điệp nào đó” và “ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của bộ phim trước khi xem đến cảnh cuối cùng” thì cuộc đời mỗi người cũng vậy: “Chẳng phải ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống, nó chỉ xuất hiện vào thời khắc kết thúc, lúc cận kề cái chết hay sao?”

*Các trích dẫn trong bài được dẫn lại từ bản dịch của Nhà xuất bản Trẻ: Viktor E. Frankl, Đi tìm lẽ sống, Nhiều dịch giả, 2011.