Nghiên cứu đầu tiên về sức khỏe dài hạn của các nhà du hành vũ trụ đã chỉ ra rằng, càng bay xa vào vũ trụ, nguy cơ tử vong vì bệnh tim càng tăng cao bất thường.

Cụ thể, 43% số ca tử vong của các phi hành gia thuộc sứ mệnh Apollo và Gemini của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) có nguyên nhân từ tim.

Nghiên cứu gây sốc

Trước nay, các nhà khoa học luôn băn khoăn về việc con người khi xa rời môi trường Trái đất để tiến vào vũ trụ với những tia bức xạ vũ trụ năng lượng cao sẽ bị ảnh hưởng sức khoẻ như thế nào. Tuy nhiên, do chưa có một nghiên cứu dài hạn nên họ chưa thể đưa ra những kết luận chính thức. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học bang Florida (Mỹ) công bố một nghiên cứu về vấn đề này. Đối tượng khảo sát là các phi hành gia thuộc sứ mệnh Apollo và Gemini của NASA.

Phi hành đoàn Appolo 11 gồm Neil Armstrong (trái), Michael Collins (giữa) và Buzz Aldrin. Ảnh: AP/NASA
Phi hành đoàn Appolo 11 gồm Neil Armstrong (trái), Michael Collins (giữa) và Buzz Aldrin. Ảnh: AP/NASA

Trong những năm 1960, 1970, các chương trình vũ trụ của Apollo đã thực hiện 9 nhiệm vụ và đưa 24 phi hành gia vượt ra ngoài quỹ đạo thấp của Trái đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch của các phi hành gia Apollo cao gấp 4-5 lần so với các phi hành gia chỉ đi vào quỹ đạo thấp của Trái đất hoặc so với những người không bao giờ đi vào quỹ đạo.

“Điều này cho thấy việc mạo hiểm vượt ra khỏi từ trường bảo vệ của Trái đất để đi vào vũ trụ có thể khiến hệ thống tim mạch bị tổn hại lâu dài. Đó có thể là hậu quả của việc tiếp xúc với bức xạ vũ trụ” - các tác giả nói. Theo họ, việc tiếp xúc với bức xạ cùng với sự thay đổi trọng lượng và cấu trúc các mạch máu là nguyên nhân gây ra bệnh tim.

Nghiên cứu cũng cho thấy, 10% số ca tử vong của các phi hành gia ở lại quỹ đạo thấp của Trái đất khoảng 15 ngày được xác định là do bệnh tim mạch. Ở những phi hành gia thực hiện các sứ mệnh Mặt trăng, tỷ lệ này là 43%.

Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm ảnh hưởng lâu dài của môi trường vũ trụ tới sức khỏe bằng việc cho vài con chuột vào môi trường không trọng lượng và có bức xạ vũ trụ. Họ chờ 6-7 tháng (tương đương với 20 năm của con người) để đánh giá. Kết quả, bức xạ vũ trụ gây nhiều nguy hiểm nhất cho tim mạch so với bất kỳ yếu tố nào khác. Ngược lại, trạng thái không trọng lượng dường như lại không gây ra bất kỳ tác hại lâu dài nào đến sức khỏe tim mạch.

Tầm quan trọng của nghiên cứu

Các công ty tư nhân như SpaceX và Blue Origin đang cố gắng hết sức để thực hiện mục tiêu khai thác du lịch không gian. NASA cũng đang lên kế hoạch gửi tàu vũ trụ có người lái lên sao Hỏa trong những năm 2030.

Michael Delp - người đừng đầu nghiên cứu - tin rằng trong những kế hoạch tiến vào không gian, chỉ một nhóm nhỏ có thể thực hiện được, đó là các nhà du hành vũ trụ thuộc sứ mệnh Apollo của NASA. “Chưa ai từng xem xét hậu quả lâu dài về sức khỏe của họ” - Delp nói.

Cựu phi hành gia của NASA - ông Jeff Hoffman - cho rằng khi nói đến một sứ mệnh không gian lên Mặt trăng hoặc tiến sâu vào vũ trụ, tốc độ phải là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu. Nếu các nhà du hành không có cách gì để tự bảo vệ trước ảnh hưởng nguy hiểm của các loại bức xạ năng lượng cao trong không gian thì việc giảm bớt thời gian ở trong vũ trụ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tia bức xạ càng quan trọng.

“Kiểm tra sức khỏe là việc tối quan trọng đối với các phi hành gia. Mỗi năm tôi đều đến NASA để kiểm tra với các bài tập vật lý. Nếu việc tập thể dục để tăng cường tim mạch là chưa đủ, NASA cần theo dõi chặt chẽ vấn đề này ở các phi hành gia hằng năm và hy vọng điều đó có thể giúp giảm nguy cơ tử vong do các vấn đề tim mạch” - ông Hoffman nói.

Vậy vì sao các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch chưa từng được coi trọng trước đây? Theo Michael Delp, vấn đề là trước nay tỷ lệ mắc bệnh tim ở các nhà du hành vũ trụ được so sánh với chỉ số chung của người dân. Trong khi đó, do các phi hành gia đều có sức khỏe vượt trội và sức chịu đựng tốt, khả năng mắc bệnh tim mạch ở họ thấp hơn người bình thường rất nhiều.