Hầu hết các loài, bao gồm loài người, đều có một điểm chung: việc trải qua những bất hạnh lớn khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sau này. Song nghiên cứu mới cho thấy khỉ đột không chịu ảnh hưởng gì từ những nghịch cảnh đầu đời.

Những rủi ro đầu đời có thể tác động đến tương lai của các loại theo nhiều cách: giảm tuổi thọ, có ít con hơn, và các vấn đề sức khỏe. Đây có thể là một cơ chế sinh học sâu sa nào đó mà chúng ta chưa hiểu được.

Hiểu những sự kiện bất hạnh đầu đời ở những loài không phải con người, nhà nghiên cứu có thể hiểu được tác động của những sự kiện tương tự ở con người, sau khi loại bỏ nhiều biến số vốn tồn tại ở người, chẳng hạn, động vật không có những hành vi gây hại cho sức khỏe như hút thuốc.

Khi nghiên cứu cơ chế này ở khỉ đột, các nhà khoa học thuộc Quỹ Nghiên cứu Khỉ đột Dian Fossey và Đại học Michigan (Mỹ) không chắc kết quả sẽ ra sao vì có nghiên cứu trước đây cho thấy khỉ đột con kiên cường một cách bất ngờ khi mất mẹ, trái với các loài khác.

Giống con người, khỉ đột có tuổi thọ dài và chú trọng chăm sóc số con cái ít ỏi, vì thế đây là loài phù hợp để nghiên cứu so sánh. Các nhà khoa học đã phân tích số liệu thu được trong suốt 55 năm về 253 con khỉ đột núi, gồm 135 con đực và 118 con cái, sống tại Vườn quốc gia Núi lửa của Rwanda.

Dữ liệu ghi lại thông tin về số nghịch cảnh đầu đời mà từng con khỉ đột trải qua, ở độ tuổi nào, cũng như mỗi con thọ bao nhiêu.

Khỉ đột khi phải trải qua tai ương đầu đời mà sống sót tới 6 tuổi thì không phải chịu hậu quả lâu dài ở tuổi trưởng thành. Ảnh: Quỹ khỉ đột Dian Fossey
Khỉ đột khi phải trải qua tai ương đầu đời mà sống sót tới 6 tuổi thì không phải chịu hậu quả lâu dài ở tuổi trưởng thành. Ảnh: Quỹ khỉ đột Dian Fossey

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét chuyện gì xảy ra khi một con khỉ đột không trải qua nghịch cảnh, hoặc trải qua một, hai, ba hoặc nhiều nghịch cảnh hơn.

Trong đó, nghịch cảnh đầu đời được chia ra làm 6 loại: mất bố hoặc mẹ, chứn kiến khỉ đột sơ sinh bị giết, sự bất ổn định của đàn, có ít bạn cùng tuổi, và có em sinh ngay sau nên có thể bị tranh giành tài nguyên.

Kết quả, trước tuổi lên 6, khỉ đột càng chịu nhiều sự kiện tiêu cực thì càng dễ chết non. Nhưng nếu sống được tới khi 6 tuổi, chúng không bị giảm tuổi thọ dù phải chịu bao nhiêu sự kiện tiêu cực trước đó.

Thậm chí, khi sống sót qua 3 hay nhiều dạng nghịch cảnh thì chúng càng sống lâu hơn, giảm 70% nguy cơ tử vong khi trưởng thành, nhất là ở khỉ đực.

Các nhà khoa học cho rằng đây là ảnh hưởng của sự chọn lọc sinh tồn. Tức là nếu một con khỉ đủ sức sống sót qua những sự kiện khó khăn đầu đời, nó hẳn phải là một cá thể có chất lượng tốt, vì vậy có khả năng sống lâu hơn.

Các nhà khoa học nêu vài giả thiết có thể giải thích vì sao khỉ đột lại có khả năng phục hồi tốt như vậy. Thứ nhất, có thể do cấu trúc bầy đàn của chúng chặt chẽ. Nghiên cứu trước cho thấy khỉ con mất mẹ không bị bỏ rơi mà những con khác sẽ lấp chỗ trống đó, nhất là nó sẽ được ở gần con đực đầu đàn dù đấy không phải bố đẻ của nó.

Câu chuyện ở loài người có thể phức tạp hơn nhưng thực tế là loài người cũng cần những mạng lưới xã hội mạnh mẽ hỗ trợ trong nhiều trường hợp; và chất lượng các mối quan hệ xã hội cũng là một nhân tố thiết yếu đối với sức khỏe, tuổi thọ chúng ta, đôi khi còn quan trọng hơn yếu tố di truyền hoặc lối sống.

Một lí do khác có thể là do khỉ đột núi sống trong môi trường giàu tài nguyên hơn các loài linh trưởng khác. Sống sót qua hoàn cảnh khó khăn sẽ dễ dàng hơn nếu không phải luôn lo lắng tới việc tìm kiếm thức ăn, nước uống.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.