Các nhà khoa học nghiên cứu về những xã hội săn bắt hái lượm trên khắp thế giới đã phát hiện ra rằng phụ nữ không chỉ tham gia săn bắt các loài thú cỡ nhỏ như chim, thỏ, mà cả những loài cỡ lớn như hươu, nai

f
Nhiều bức tranh minh hoạ thường mô tả người phụ nữ và trẻ em sẽ phụ trách các công việc nhẹ nhàng như hái lượm, trong khi người đàn ông sẽ đi xa để săn bắn động vật lấy thịt. Ảnh: Getty Images

Từ lâu, người ta thường mặc nhiên cho rằng đàn ông là thợ săn và phụ nữ là người hái lượm, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy trong các nền văn hóa săn bắt hái lượm, cả hai giới đều có khả năng lão luyện như nhau.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế mới đây đã phát hiện ra điều này sau khi kiểm tra dữ liệu được chọn lọc từ hàng chục bài báo học thuật đã xuất bản trong hơn 100 năm qua, tập trung vào 63 xã hội săn bắt hái lượm và mộ của các nữ thợ săn từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các nhóm ở Bắc Mỹ, châu Phi, Úc và châu Á. Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện này trên tạp chí PLOS One.

"Chúng tôi đã đọc các bài báo được viết bởi những người từng sống với các cộng đồng này để nghiên cứu hành vi của họ", GS Cara Wall-Scheffler thuộc khoa sinh học tại Đại học Seattle Pacific (Hoa Kỳ) và là đồng tác giả công bố, chia sẻ với tờ Live Science. "Các nhà khoa học quan sát cuộc sống của người dân và ghi chép lại mọi thứ”.

Trong số các cộng đồng được xem xét, 79% có phụ nữ là thợ săn và họ vẫn duy trì công việc săn bắt của mình ngay cả khi đã làm mẹ.

"Những người phụ nữ sẽ ra ngoài với nhiều công cụ khác nhau – họ có một bộ công cụ rất đa dạng – và nếu họ nhìn thấy một con vật, họ sẽ giết nó”, Wall-Scheffler mô tả. "Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi phần lớn phụ nữ trong các cộng đồng vẫn đi săn và không phải đối diện với bất kỳ cấm kỵ nào."

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng hơn 70% các chuyến đi săn của phụ nữ được phân loại là "có chủ ý", nghĩa là phụ nữ ra ngoài để tìm con mồi, chứ không phải họ giết động vật vì tình cờ chạm trán với chúng trong quá trình hái lượm. Wall-Scheffler cho biết cộng đồng của họ đều biết họ sẽ ra ngoài săn thú và đó là công việc thường nhật của họ.

h
Các nhà khoa học phác họa lại cảnh săn bắt ở dãy núi Andes của Nam Mỹ vào khoảng 9.000 năm trước. Dựa trên bộ công cụ được tìm thấy trong ngôi mộ của một phụ nữ, các nhà khảo cổ học tin rằng người thợ săn có thể đã mặc quần áo da được thiết kế riêng với màu đất son. Ảnh: Matthew Verdolivo, UC Davis iet Academic Technology Services.

Hơn nữa, các nữ thợ săn không chỉ săn và bẫy những con vật nhỏ, như chim và thỏ. Thay vào đó, họ có vị thế bình đẳng với thợ săn nam khi tham gia săn bắt các động vật lớn. Ở châu Mỹ, số thợ săn nhắm vào các động vật lớn như hươu và nai ở cả hai giới là tương đương nhau.

“Chúng tôi đã phân tích lại các ngôi mộ lớn từ Bắc và Nam Mỹ [trong đó người xưa được chôn cất bên cạnh những công cụ hoặc xương động vật], và bằng chứng từ thời tiền sử chỉ ra rằng tỷ lệ săn bắt thú cỡ lớn ở đàn ông và phụ nữ là 50/50”, Wall-Scheffler nhận định.

Vậy ai là người chịu trách nhiệm cho ý tưởng sai lầm rằng đàn ông là thợ săn và phụ nữ là người hái lượm?

Wall-Scheffler đề cập hai cuốn sách góp phần khơi gợi ý tưởng này là "Man the Hunter" (Đàn ông Săn bắt) (Aldine, 1968), dựa trên một hội nghị chuyên đề của các nhà dân tộc học, và cuốn sách thứ hai được phát hành 15 năm sau đó, có tựa đề "Woman the Gatherer" (Phụ nữ Hái lượm) (Nhà xuất bản Đại học Yale , 1983).

Theo ​​Wall-Scheffle, mục đích của cuốn sách thứ hai là để nói rằng mặc dù đàn ông vẫn săn bắt hằng ngày, nhưng thực ra săn bắt không phải là cách tối ưu để cung cấp đầy đủ lượng calo vì nó không ổn định. Do đó, thực chất phụ nữ không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thức ăn do đàn ông cung cấp, mà họ có thể tự nuôi sống bản thân nhờ việc hái lượm.

Những cuốn sách này đã tạo ra một khuôn mẫu, định kiến, trong đó đàn ông săn bắt và phụ nữ hái lượm - hai vai trò này không bao giờ đảo ngược cho nhau.

"Thật vô lý khi cho rằng phụ nữ không tham gia vào những việc giúp nuôi sống cộng đồng như săn bắt động vật. Những kiểu phân công lao động cứng nhắc như vậy rất vô nghĩa", cô kết luận.

Nguồn: