Những tuyến cáp này đại diện cho một cuộc cách mạng công nghệ lớn nhưng không hẳn mới. Ngay từ 150 năm trước, dưới thời Nữ hoàng Victoria (1819 – 1901), con người đã xây dựng được tuyến cáp điện tín xuyên Đại Tây Dương đầu tiên trên thế giới, kết nối châu Âu với Bắc Mỹ.
Sau các thử nghiệm thành công của William Cooke (1806 – 1879), Charles Wheatstone (1802 – 1875) và Samuel Morse (1791 – 1872) trong lĩnh vực điện tín, giới phát minh đã tìm ra công dụng cách điện rất tốt của nhựa cây Palaquium gutta (thuộc họ hồng xiêm). Năm 1847, một kỹ sư của Công ty Đường sắt Đông Nam (Anh) đã thử nghiệm truyền tin bằng một đoạn cáp dài 3km (phủ nhựa Palaquium gutta – một cây thuộc họ hồng xiêm) chìm ở ngoài khơi Folkestone. Tháng 9/1851, người Anh và Pháp thiết lập tuyến cáp điện tín đầu tiên xuyên eo biển Manche, sau đó vươn tới Ireland, Bỉ, Hà Lan, và vượt qua eo biển The Belts đến Đan Mạch.
Tranh vẽ cảnh kéo tuyến cáp điện tín năm 1866 tại Heart’s Content, Newfoundland do Robert Charles Dudley thực hiện.
Năm 1854, doanh nhân Cyrus West Field (1819 – 1892) từ New York, người sở hữu khối tài sản 250.000 USD (gần 10 triệu USD ngày nay), đã tìm đến kỹ sư Frederic Newton Gisborne (1824 – 1892) người Anh để bàn về kế hoạch xây dựng một tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương. Tiếp đến, ông liên hệ với Trung úy hải quân Matthew Maury (1806 – 1873), một nhà hải dương học rất giàu kinh nghiệm. Để phác thảo một tuyến đường khả thi nằm giữa phía Nam Ireland và Newfoundland (Canada) – Maury đặt tên cho nó là Telegraph Plateau. Cũng trong cùng năm, Field thuyết phục bốn nhà công nghiệp Peter Cooper (1791 – 1883), Abram Stevens Hewitt (1822 – 1903), Moses Taylor (1806 – 1882) và Samuel Morse cùng đầu tư vào Atlantic Telegraph Co (ATC). Công ty đã trúng thầu dự án xây dựng tuyến cáp điện tín dài 400 dặm (640 km) nối St. John’s (Newfoundland) và Nova Scotia (Canada) với các tiểu bang của Mỹ. Trong khi đó, một nhóm đầu tư khác ở Mỹ cũng thành lập công New York, Newfoundland & London Telegraph Company ( N.Y.N.L.T.C.) sau khi nghe Field thuyết phục về kế hoạch mở rộng tuyến cáp từ Newfoundland đến Ireland.
Doanh nhân Cyrus West Field.
Dự án được thực hiện với một tốc độ phi thường. Ngay trước khi thành lập ATC, Field đã đặt hàng công ty Gutta Percha sản xuất hơn 4.600 km (tương đương 2.500 hải lý) cáp. So với tiêu chuẩn ngày nay thì nó có cấu tạo khá đơn giản: phần lõi bao gồm bảy sợi dây đồng được phủ ba lớp nhựa Palaquium gutta và quấn sợi gai dầu tẩm hắc ín, cùng một lớp vỏ bọc bằng dây sắt được đan chặt theo hình xoắn ốc. Mỗi đoạn cáp dài 1 hải lý có trọng lượng hơn 1 tấn nhưng tương đối linh hoạt và chịu được lực căng lên tới vài tấn. Theo kế hoạch, Field sẽ thuê hai chiến hạm – HMS Agamemnon và USS Niagara – của Hải quân Hoàng gia Anh, mỗi tàu chở một nửa số dây cáp và khởi hành từ hai đầu để kết nối tại giữa biển. Công việc bắt đầu từ tháng 8/1857 nhưng gặp rất nhiều khó khăn, cáp cứ nối xong thì lại đứt, khiến dự án bị đình chỉ cả năm trời trước khi được hoàn tất.
Ngày 10/8/1858, thông điệp điện tín đầu tiên được gửi đi từ Newfoundland với nội dung: “Lãnh đạo công ty ATC (Anh) xin gửi đến những người đồng nghiệp ở Mỹ: Cả châu Âu và Mỹ đã cùng đoàn kết lại với nhau nhờ điện tín. Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời; bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Sau đó là bức điện mừng của Nữ hoàng Victoria gửi đến Tổng thống Mỹ James Buchanan (1791 – 1868) bày tỏ sự tin tưởng rằng điện tín sẽ trở thành “mối liên kết bổ sung cho tình hữu hảo giữa các quốc gia được xây dựng trên cơ sở lợi ích chung và sự quý trọng lẫn nhau”. Tổng thống Buchanan cũng hồi đáp: “Đây là một chiến thắng vinh quang, hơn cả của những kẻ chinh phục trên chiến trường, bởi nó thực sự hữu ích cho nhân loại. Mong cho ATC, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, sẽ hoàn thành sứ mệnh xây dựng một sợi dây kết nối nền hòa bình và hữu nghị trường tồn giữa các quốc gia nhân văn. Đó cũng chính là công cụ đã được Đấng toàn năng định sẵn để tôn giáo, tự do, luật pháp và văn minh được truyền bá trên toàn thế giới.”
Ban đầu, do chưa có công cụ khuếch đại tín hiệu nên thông điệp truyền đi trên tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương thường rất nhiễu và khó giải mã. Như việc gửi bức điện số 98 của Nữ hoàng Victoria đã mất tới 16 giờ nhưng vẫn được xem là nhanh so với dịch vụ chuyển thư bằng đường biển. Sau lễ ăn mừng hoành tráng rợp cờ hoa tại New York, thật không may là lớp cách điện của dây cáp bị hỏng, khiến dư luận xôn xao. Không nản lòng, Field tìm cách khắc phục với sự ủng hộ của nhà thầu Thomas Brassey (1805 – 1870) và nghị sĩ Anh John Pender (1816 – 1896). Nhờ những cải tiến trong lĩnh vực chế tạo, Field đã đặt mua loại dây cáp mới – bao gồm một lõi đồng nguyên chất được phủ một lớp cách nhiệt đặc biệt (hợp chất Chatterton không thấm nước, do hai nhà sáng chế John Chatterton và Willoughby Smith tìm ra năm 1859), sau đó phủ thêm bốn lớp nhựa Palaquium gutta xen kẽ với bốn lớp Chatterton nữa để gia cố toàn bộ; phần lõi này lại được bọc trong sợi gai dầu ngâm dung dịch bảo quản bện xoắn cùng 18 sợi dây thép đơn chịu lực. Loại cáp mới nặng gần gấp đôi cáp cũ – khoảng 980 kg/km. Ngày 15/7/1865, toàn bộ số cáp dài 2.300 hải lý (4260 km) được chất lên tàu SS Great Eastern do Sir James Anderson (1824 – 1893) làm thuyền trưởng, khởi hành rời cửa sông Thames đến đảo Valentia (Ireland) để thực hiện công việc ghép nối. Năm 1866, sau rất nhiều nỗ lực để vượt qua muôn vàn trở ngại, tuyến cáp được hoàn thiện và kết nối thành công hai quốc gia cách xa nhau cả ngàn dặm biển.
So với hệ thống năm 1858 – tốc độ truyền tin rất chậm, phải mất hơn 2 phút để gửi đi một ký tự, tuyến cáp năm 1866 thực sự đã đạt được một bước tiến lớn khi chỉ cần 1 phút để truyền đi 8 từ – tức nhanh gấp 80 lần. Trong ba thập kỷ sau đó, thêm nhiều tuyến cáp nữa được xây dựng giữa Valentia (Ireland) và Newfoundland, do Anh, Pháp, Đức, Mỹ sở hữu, tạo nên một mạng lưới viễn thông phức tạp và dày đặc.
Theo Amusing Planet