Mặc dù một trong những nơi ươm mầm kỳ lân trong lĩnh vực phát triển game nhưng các startup game ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều rào cản phải vượt qua.

Flappy Bird là một game di động cuộn màn hình, trong đó người chơi phải điều khiển một con chim bay giữa các đường ống màu xanh lá cây và tránh va chạm. Trò chơi này do Nguyễn Hà Đông phát triển vào tháng 4/2013 và nhanh chóng trở thành một cơn sốt trên toàn cầu. Theo thống kê của Rolling Stone, đến tháng 2/2014, Flappy Bird trở thành game di động phổ biến nhất trên Google Play và Apple App Store ở 100 quốc gia, với hơn 50 triệu lượt tải xuống. Nhờ đó, Đông kiếm được 50.000 USD mỗi ngày.

Với tựa game NFT Axie Infinity gây sốt trên toàn thế giới, Sky Mavis đã trở thành một trong bốn kỳ lân của Việt Nam. Nguồn: CoinQuora

Tuy nhiên, sự nổi tiếng đặc biệt đã gây áp lực cho nhà phát triển, anh đã quyết định gỡ bỏ Flappy Bird vào cùng tháng đó. Dù xuất hiện trên các kho ứng dụng chưa đầy một năm, sự thành công của Flappy Bird đã trở thành nguồn cảm hứng - cũng như câu chuyện cảnh giác - cho nhiều startup game Việt Nam.

Là trung tâm phát triển game của Đông Nam Á, Việt Nam không chỉ có startup kỳ lân VNG trong lĩnh vực game và giải trí mà còn là quê hương của một loạt studio game nổi tiếng, bao gồm các nhà phát hành game của Pháp như Gameloft và Ubisoft. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường App Annie, khoảng 20% ​​nhà phát hành trò chơi có trụ sở chính tại Úc, New Zealand và Đông Nam Á bắt nguồn từ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà thiết kế và lập trình viên mới được đào tạo bởi những người đã định hình sự phát triển ngành game Việt Nam gần một thế kỷ trước, các nhà phát triển game ở Việt Nam ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu hụt nhân lực đã dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư đổ vào cũng gây áp lực buộc các nhà phát hành game phải nhanh chóng xuất xưởng các tựa game, khiến một số nhà phát hành lo ngại rằng chất lượng game sẽ bị suy giảm.

Những kỳ lân của Việt Nam

Mặc dù chưa được công nhận là một ngành công nghiệp chính thức song game “là ngành duy nhất xuất khẩu được sản phẩm nội dung số của Việt Nam ra thế giới”, theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) trong sự kiện Think Games Việt Nam do Google tổ chức vào tháng sáu năm ngoái. Theo thống kê của App Annie trong năm 2020, các công ty game của Việt Nam đứng thứ bảy về số lượt tải game trên toàn thế giới, trung bình cứ 25 game được tải trên thế giới lại có một game do Việt Nam sản xuất.

“So với các quốc gia phát triển trên thế giới, hầu hết các game thông thường ở Việt Nam đơn giản hơn về chất lượng, đồ họa và giao diện người dùng, nhưng có một số trò chơi Việt Nam đã thành công ở nước ngoài, chẳng hạn như Caravan War và Tiles Hope: EDM Rush!”, theo báo cáo của công ty nghiên cứu Dezan Shira & Associates.

Văn hóa ưu tiên thiết bị di động của Việt Nam đã góp phần vào sự thành công của hàng loạt game di động. Tiêu biểu là các game của Amanotes - một trong những startup game hàng đầu tại Việt Nam do Nguyễn Tuấn Cường và Võ Tuấn Bình sáng lập vào năm 2014. Khi đó, Cường mới tốt nghiệp trường ĐH Ngoại thương, còn Bình từng thành lập một startup game âm nhạc có tên MusicKing, nhưng đã thất bại vào năm 2009.

Amanotes đã nhanh chóng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đến tháng 8/2021, các game âm nhạc của Amanotes, bao gồm Magic Tiles 3, Tiles Hop và Dancing Road đã đạt 2 tỷ lượt tải xuống kể từ khi ra mắt. Theo dữ liệu của App Annie, công ty này cũng là nhà phát hành ứng dụng hàng đầu ở Đông Nam Á về số lượt tải xuống trên toàn thế giới.

Amanotes không phải là nhà phát triển game Việt Nam duy nhất hiện nay được công nhận trên toàn cầu. Sky Mavis, studio đứng sau trò chơi kiếm tiền Axie Infinity, cũng đã gây chú ý dựa trên cơ hội kiếm tiền bằng cách chơi game và giao dịch tài sản kỹ thuật số - một phần của nền kinh tế trong game.

Đến nay, hai trong số bốn kỳ lân của Việt Nam, bao gồm VNG và Sky Mavis đều thuộc lĩnh vực phát triển game. Vào tháng 11/2021, Sky Mavis đã huy động được 152 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do gã khổng lồ về đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz dẫn đầu, với định giá Sky Mavis khoảng 3 tỷ USD. Vầng hào quang của Axie Infinity đã kéo theo một loạt tài trợ cho các nhà phát triển game NFT khác ở Việt Nam, bao gồm Faraland, đã thu được 2,4 triệu USD từ một loạt các nhà đầu tư blockchain vào tháng năm năm ngoái. Dự án game Sipher cũng kiếm được 6,8 triệu USD trong một vòng hạt giống do các quỹ đầu tư Arrington Capital, Hashed và Konvoy Ventures dẫn đầu vào tháng 10/2021. Appota Group - một trong những nhà phát hành game hàng đầu Việt Nam cũng đã công bố khoản đầu tư vào trò chơi NFT Slime Royale vào tháng Giêng, nhưng không tiết lộ số tiền.

Tất cả những yếu tố này đã tạo điều kiện cho thị trường game bùng nổ, dù vậy, các startup game ở Việt Nam vẫn còn những rào cản phải vượt qua.

Nhiều vốn đầu tư nhưng thiếu nhân lực

Ell Tee, người sáng lập studio game Topebox có trụ sở tại TP.HCM và là chủ nhân của những tựa game đình đám như My DeFi Pet, Pocket Army và Sky Dancer: Free Falling, vẫn nhớ lại sự bùng nổ nhân tài trong lĩnh vực game ở Việt Nam cách đây mười năm.

“Năm 2012, không có trường lớp nào đào tạo các nhà phát triển game. Các hãng game như chúng tôi phải tự đào tạo nhân lực”, Tee trả lời phỏng vấn KrASIA1. Ông cho biết một số nhà thiết kế trò chơi giàu kinh nghiệm của Việt Nam là những người đã được Topebox đào tạo trước đây.

Các công ty quốc tế như Gameloft đã thu hút nhân tài tại địa phương, dẫn đến nguồn nhân lực dành cho các nhà phát hành game Việt Nam lại càng ít ỏi. Các kỹ sư tài năng trong lĩnh vực này cũng có mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp ở các nước phát triển hơn, theo Dezan Shira & Associates. Trong khi đó, những người trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam có thể chọn những vị trí thoải mái hơn ở những studio game đa quốc gia. Anh Nguyễn Tuấn Cường nhận xét thực trạng này này khiến các công ty Việt Nam ít được biết đến và khó tuyển dụng nhân tài hơn.

Mặc dù việc ươm mầm tài năng cho lĩnh vực phát triển game đã được cải thiện trong những năm qua song ngành công nghiệp game, cũng như công nghệ nói chung vẫn liên tục phải tìm kiếm những tân binh, anh Cường cho biết. Ngoài ra, các studio game phải cạnh tranh với các loại công ty công nghệ khác để khẳng định vị trí của mình. Thực trạng này không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn diễn ra trên toàn khu vực vì các công ty công nghệ ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, như Sea Group (Singapore) hay Gojek (Indonesia), cũng đang khai thác nhân tài từ Việt Nam.

Một thách thức nữa đến từ việc các quỹ đầu tư mạo hiểm không ngừng đổ vốn vào các studio game của Việt Nam. Mặc dù cung cấp nguồn tài chính quan trọng song Tee cho biết, điều này gây áp lực cho các studio game phải sản xuất với cường độ dày đặc, ảnh hưởng đến chất lượng và trải nghiệm chơi game. Ông cho biết hơn 50 game được phát hành trên các kho ứng dụng ở Việt Nam mỗi ngày, do đó rất khó duy trì chất lượng ở mức cao.

Áp lực về số lượng có thể khiến những loại dịch vụ khác bị gác lại một bên. “Dòng vốn chảy vào là một dấu hiệu tốt cho ngành, nhưng đôi khi, các hãng game chỉ tập trung vào việc mở rộng quy mô mà quên phục vụ nhu cầu của khách hàng”, Nguyễn Tuấn Cường nói với KrASIA.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng ở giai đoạn đầu, các studio game phải trao đổi với các quỹ đầu tư mạo hiểm về phương thức sản xuất cũng như sự hỗ trợ phù hợp, chứ không chỉ đơn giản là cung cấp vốn. “Trước khi làm bất kỳ thứ gì khác, điều quan trọng là phải đảm bảo khách hàng hài lòng với trò chơi”, anh Cường nói.

Bất chấp những thách thức ngày càng gia tăng, các nhà sáng lập Amanotes và Topebox rất lạc quan về triển vọng của Việt Nam với tư cách là một trung tâm phát triển game ở Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu.

Tháng tám năm ngoái, VNG đã xem xét việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ bằng cách hợp nhất với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC - một công ty vỏ bọc được thành lập bởi các nhà đầu tư, với mục đích huy động tiền thông qua IPO để mua lại một công ty khác), theo Bloomberg. Thương vụ này có thể định giá VNG từ 2 tỷ USD đến 3 tỷ USD.

Tee tin rằng một cột mốc quan trọng đang ở phía trước với Topebox. “Chúng tôi muốn trở thành kỳ lân [về game] trong ba năm tới”, ông trả lời KrASIA.

(1) https://kr-asia.com/from-flappy-bird-to-axie-infinity-and-beyond-vietnams-game-developers-see-bright-future-ahead