Ban tổ chức Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SV_STARTUP lần thứ V đã trao 80 giải thưởng theo hai khối thi học sinh và sinh viên; trong đó, có 10 giải Nhất, 20 giải Nhì, 30 giải ba và 20 Giải Khuyến khích - tăng 4 lần so với năm trước.
Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ tháng 11/2022, là sân chơi dành cho sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm và học sinh THCS, THPT trên toàn quốc.
Các dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi năm nay được chia theo 5 lĩnh vực: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội.
Trong số 508 bài dự thi, 50 dự án của khối sinh viên và 20 dự án của khối học sinh phổ thông được chọn vào Vòng chung kết. Theo Ban giám khảo, tất cả các dự án tham dự của học sinh, sinh viên đều thể hiện được tính mới, nhiều dự án được thương mại hóa từ các kết quả nghiên cứu khoa học sinh, sinh viên.
Chiều 26/3, tại lễ bế mạc diễn ra ở Đại học Huế, Ban tổ chức đã trao cho mỗi khối sinh viên và học sinh 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba. Ngoài ra, có 20 giải khuyến khích. Như vậy, số lượng giải năm nay tăng hơn 4 lần so với năm trước (từ 19 lên 80).
SV_STARTUP lần thứ V nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên. Trong 4 lần tổ chức trước, SV_STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2.500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp, 70% trong số đó đã có sản phẩm và 30% là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở giai đoạn sản xuất thử.
Được biết, đã có một số ý tưởng, dự án của sinh viên được doanh nghiệp đầu tư vốn, chẳng hạn như BrickOne, dự án hệ sinh thái giáo dục khởi nguồn từ nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội từng lọt vào vòng chung kết SV_STARTUP 2020.
Cũng tại lễ bế mạc, Bộ GD&ĐT đã phát động Cuộc thi SV_STARTUP VI.
Danh sách giải Nhất SV_STARTUP lần thứ V
* Khối sinh viên:
- Lĩnh vực Công nghiệp, chế tạo sản phẩm: AutoAntenna - Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, cảnh báo sớm tình trạng cột antenna tại các trạm thu phát tiến hiệu viễn thông - Đại học Bách khoa Hà Nội
- Lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp: Eco-house - giải pháp nền nông nghiệp xanh - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
- Lĩnh vực Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính: Thực Nghệ Hương - Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương
- Lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khoẻ, công nghệ làm đẹp: Yacon - lý tưởng cho lối sống ít đường - Trường Đại học Dược Hà Nội
- Lĩnh vực: Kinh doanh tạo tác động xã hội: Pixme – tranh Mosaic (đặt theo yêu cầu) và bộ sản phẩm tự làm - Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội
* Khối học sinh:
- Lĩnh vực Công nghiệp, chế tạo sản phẩm: Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu - Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế
- Lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp: Sản xuất bột đất nặn sinh học từ vỏ trái thanh long - Sở GD&ĐT Đắk Lắk
- Lĩnh vực Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính: Thiết kế mô hình ảo Thành cổ Quảng Trị phục vụ giáo dục và du lịch - Sở GD&ĐT Quảng Trị
- Lĩnh vực: Y tế, chăm sóc sức khoẻ, công nghệ làm đẹp: Sywalk - sản phẩm hỗ trợ người cao tuổi và người yếu thế - Sở GD&ĐT Hà Nội
- Lĩnh vực: Kinh doanh tạo tác động xã hội: Túi cứu hộ khẩn cấp xe máy - Sở GD&ĐT Hưng Yên
|
Hà Trang