Ngày 28/4, Tổng cục Thống kê lần đầu công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam, cung cấp bức tranh toàn cảnh và chính thống về tình hình phát triển của thành phần kinh tế có quy mô nhỏ bé và chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện này.

Tại sự kiện này, “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020” cũng được ra mắt năm thứ hai.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, hai cuốn sách này sẽ giúp cho các hợp tác xã và doanh nghiệp có được một bức tranh tổng thể với những đánh giá chi tiết về số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã cùng những phân tích về kết quả sản xuất kinh doanh, hiệu suất sinh lời trung bình, số lượng lao động theo các ngành kinh tế, vùng miền, mức lương của lao động tại các khu vực… Qua đó, Sách trắng có thể định hướng cho các hợp tác xã và doanh nghiệp nắm được các lợi thế ở từng vùng, so sánh và đánh giá được hoạt động sản xuất kinh doanh theo từng ngành nghề.

Sách trắng đặc biệt hữu ích cho các tổ chức tập thể như liên minh hợp tác xã, mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp hay các đơn vị có nhiệm vụ xây dựng thể chế tham khảo khi đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển trong thời gian tới.

Hợp tác xã: Vốn đầu tư tăng nhưng lợi nhuận giảm

Nhận định về tình hình hoạt động của hợp tác xã, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp, nói, thành phần kinh tế này ở nước ta hiện có quy mô nhỏ bé, chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện, các quy định không gắt gao nên không có sự phát triển lớn mạnh như loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cho biết, ngay cả các nước phát triển hiện nay vẫn còn hình thức hợp tác xã, và đây vẫn là hình thức phù hợp với một bộ phận người dân Việt Nam và đem lại hiệu quả nhất định cho nền kinh tế.

Hợp tác xã nông nghiệp
Hợp tác xã nông nghiệp tương đối phổ biến ở trong nước

Theo Sách trắng, tính đến hết năm 2018, cả nước có trên 22.800 hợp tác xã (tăng 8,8% so với năm 2017), trong đó khoảng gần 14.000 hợp tác xã (tương đương 61%) đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh.

Các hợp tác xã hiện có gần 6 triệu thành viên, tính đến hết năm 2018, trong đó trên 185.000 thành viên làm việc trong các hợp tác xã hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm cuối năm 2018. Thu nhập bình quân của người lao động là 3,84 triệu đồng/tháng, tăng 3,2% so với năm 2017.

Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt gần 230.000 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng thời điểm năm 2017. Tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt trên 88.500 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017. Tuy nhiên tổng lợi nhuận trước thuế của các hợp tác xã năm 2018 chỉ đạt trên 2.500 tỷ đồng, giảm 27,8% so với năm 2017 và đạt chưa đến 3% doanh thu.

Các hợp tác xã trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có kết quả sản xuất kinh doanh thấp hơn nhiều so với hai khu vực dịch vụ và công nghiệp, xây dựng. Dù chiếm hơn 50% số lượng hợp tác xã đang hoạt động cũng như có nhiều lao động nhất, lợi nhuận trước thuế của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 2,4%.

Theo ông Phạm Đình Thúy, nguyên nhân của tình trạng này trước hết là bởi sự rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp do điều kiện thời tiết khí hậu, thiên tại ở Việt Nam và thứ hai là bởi chính sách đất đai. Việt Nam thuộc một trong những nước có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu thuộc hàng thấp nhất trên thế giới,

“Nhiều tỉnh phía Bắc nước ta hiện vẫn quản lý đất đai theo tình trạng manh mún, mỗi gia đình phụ trách, quản lý một mảnh vườn, thửa ruộng, dẫn đến không có đất đai cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, không có điều kiện đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật, kéo theo đó là hiệu quả thấp”, ông Phạm Đình Thúy cho biết.

Bởi vậy, theo ông một trong những chính sách quan trọng sắp tới là tiếp tục đẩy mạnh hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô lớn để nông nghiệp Việt Nam phát triển với chất lượng cao hơn.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố Sách trắng về hợp tác xã, do đó chưa có những thông tin được quan tâm như số thuế của các hợp tác xã có doanh thu. Tổng cục Thống kê cho biết đã có kế hoạch đưa các chỉ tiêu bổ sung đó vào tổng điều tra kinh tế năm 2021 để Sách trắng hàng năm có những đổi mới theo hướng đầy đủ và toàn diện hơn.

Doanh nghiệp: Khối tư nhân mới phát triển theo bề rộng

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tính đến hết năm 2018 cả nước có khoảng gần 611.000 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó 96,9% số đó thuộc khu vực ngoài nhà nước. Mặc dù chiếm số đông nhưng nhiều chỉ số hiệu quả, năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp này đều thấp hơn so với doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ doanh nghiệp trong nước năm 2018 đạt 7,6%, trong đó khu vực FDI dẫn đầu với mức ROE là 15,4%; theo sau là khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 8,9% (khu vực toàn bộ vốn nhà nước đạt 7,3%); và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 4,5%.

Tương tự, hiệu suất sinh lời trên doanh thu (ROS) của toàn bộ doanh nghiệp trong nước năm 2018 đạt 3,8%; trong đó khu vực FDI, khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt lần lượt 5,6%, 5,6% và 2,4%

Ông Phạm Đình Thúy cho rằng các doanh nghiệp ngoài nhà nước (gồm các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%) đang phát triển nhanh nhưng “chủ yếu về chiều rộng”. Các doanh nghiệp này thường có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ cả về vốn và lao động, đồng thời sử dụng trang thiết bị lạc hậu, do vậy bị hạn chế trong việc áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và cả năng lực quản lý.

Cửa hàng
Nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực dịch vụ như ăn uống, bán lẻ,... là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động vĩ mô.

Điểm sáng của khu vực này là đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một lực lượng lớn người lao động, tuy nhiên ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo về tính dễ tổn thương của khu vực này khi nghiên cứu cơ cấu cho thấy phần lớn họ nằm trong khu vực dịch vụ, chủ yếu thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, nhà hàng, ăn uống… Đây đều là những ngành dễ bị tổn thương mà một biến cố như dịch bệnh COVID-19 đã cung cấp những bằng chứng rõ rệt.

Đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cùng với tình hình dịch bệnh, nhiều khả năng chỉ tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020 của Chính phủ sẽ không đạt được. Phương pháp thống kê hiện nay của Tổng cục Thống kê không phân riêng chỉ mục cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng ước chừng số doanh nghiệp loại này đang dưới 592.000, tức mới đạt hơn một nửa mục tiêu của Chính phủ.

Để phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, một trong những giải pháp tiếp tục được đề cập đến trong Sách trắng là cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cùng các điều kiện kinh doanh. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trước kia, nhiều bộ ngành “cứ đưa ra thủ tục để quản lý hơn là quan tâm đến chuyện làm thế nào để nâng đỡ cho các doanh nghiệp phát triển”, bởi vậy có rất nhiều thủ tục gây phiền hà, thậm chí cản trở doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, nhiều bộ ngành đã tiên phong cắt giảm đến 50% các thủ tục, cho thấy có những phương thức quản lý trước đây đã không còn phù hợp với bối cảnh mới và đang thay đổi theo hướng “quản lý để thúc đẩy phát triển”.

Link tải sách: