100% số đề tài đã nghiệm thu trong Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” (KC.01/16-20) đều có kết quả được ứng dụng trong thực tế. Các mục tiêu về số sản phẩm và công bố quốc tế đều vượt ít nhất gấp đôi dự kiến ban đầu.

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ KH&CN và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” (KC.01/16-20).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu trong hội thảo. Ảnh: TA
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu trong hội thảo. Ảnh: TA

Chương trình KC.01 được triển khai từ năm 2016 với mục tiêu phát triển các giải pháp công nghệ về phần cứng, phần mềm, tạo nền tảng cho các ứng dụng phục vụ hoạt động của Chính phủ điện tử. Đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định sản phẩm, phát triển đội ngũ nhân lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành hệ sinh thái để phát triển Chính phủ điện tử.

Dựa trên các mục tiêu và nội dung của khung chương trình, Ban chủ nhiệm đã tuyển chọn được 26 nhiệm vụ. Hiện nay 24/26 đề tài đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt, còn 2 đề tài đã nghiệm thu cấp cơ sở và dự kiến sẽ nghiệm thu cấp quốc gia trong tháng 10 này. “Về cơ bản, 80% mục tiêu của khung chương trình đã hoàn thành”, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình, cho biết.

Đáng chú ý, nhiều kết quả đã vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, những kết quả đạt được bao gồm: 18 loại sản phẩm thiết bị máy móc (281 sản phẩm); 44 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu. Trong đó có 19/44 sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (đạt 61%, vượt mức dự kiến là 50%. Ngoài ra, có 30 bài báo công bố quốc tế, 28 công bố trong nước, 34 bài báo hội thảo quốc tế, 8 bài báo hội thảo trong nước, đào tạo 78 thạc sĩ, tham gia đào tạo 35 tiến sĩ. Các kết quả này đều vượt ít nhất gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Theo báo cáo tổng kết, 100% các đề tài đã nghiệm thu đều có kết quả được ứng dụng trong thực tế, phục vụ cho các hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Tiêu biểu như phần mềm cung cấp dịch vụ hành chính công trên cơ sở nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đã ứng dụng tại Quảng Nam; hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý đất đai ứng dụng công nghệ blockchain được Bộ TN&MT tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,...

Có lẽ, tỷ lệ ứng dụng cao như vậy là nhờ “các giải pháp đã thực sự gắn liền với những vấn đề thực tế”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá. “Để tiếp tục phát huy các kết quả này, rất mong Ban chủ nhiệm chương trình tạo điều kiện chuyển giao, giúp các địa phương khác tiếp nhận và ứng dụng các giải pháp này nếu có nhu cầu”.