Sáng 26/6, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu lần thứ 6 (GEF6), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ phát động chương trình "Chung tay bảo vệ đại dương".

Ô nhiễm đại dương, mối quan tâm hàng đầu

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, rác thải nhựa đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển trên toàn cầu, trong đó có môi trường biển Việt Nam.

Để ngăn ngừa hiểm họa này, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen vứt bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển của người dân. Đồng thời, cần thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Các đại biểu tham gia nhặt rác tại bão biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng.
Ảnh: Trung tâm Truyền thông Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cũng tại buổi lễ, Giám đốc điều hành UN Habitat - bà Maimunah Mohd Sharif - cho biết, ô nhiễm đại dương hay ô nhiễm biển là một trong những vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay. Những năm gần đây, thực trạng ô nhiễm đại dương gia tăng với tốc độ chưa từng thấy, nguyên nhân chính do rác thải công nghiệp, nông nghiệp, hoặc chất thải sinh hoạt. Vì vậy, ngoài việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ, theo bà, phải chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về rác thải đại dương và trách nhiệm cộng đồng trong quản lý và bảo vệ môi trường biển.

Giám đốc điều hành UN Habitat cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ các đối tác Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong các hoạt động chống ô nhiễm biển.

Ba hành động tạo ra sự khác biệt

Với đường bờ biển dài hơn 3,000km, Việt Nam góp phần không nhỏ vào ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Với 20% GDP của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên biển, Giám đốc tài chính môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - bà Adriana Dinu - cho rằng, Việt Nam cần tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ và phục hồi đại dương và vùng bờ.

Nhân dịp này, bà Adriana Dinu đề xuất ba hành động có thể áp dụng để tạo ra sự khác biệt.

Một là, cùng thu nhặt rác và thải rác đúng chỗ và ngừng vứt rác bừa bãi ra khu công cộng; cùng nhau sử dụng các sản phẩm địa phương thân thiện môi trường, và giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Hai là, thực hiện tốt các quy hoạch trên đất liền và quản lý chất thải. Hơn 80% chất thải thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền, vì vậy cần tích hợp quản lý lưu vực sông, vùng bờ và đất liền.

Ba là, có các hành động chung cấp khu vực và toàn cầu với sự tham gia chặt chẽ của khối tư nhân vì một quốc gia không thể một mình giải quyết vấn về ô nhiễm đại dương mang tính chất khu vực và toàn cầu. Ô nhiễm chất thải được tạo ra tại địa phương nhưng tác động thì mang tính khu vực và toàn cầu. Kinh nghiệm và bài học cần được chia sẻ giữa các quốc gia.

Buổi lễ đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu. Ngay sau lễ phát động, các đại biểu đã tiến hành nhặt rác tại bãi biễn Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng.