Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực năng động, có tính kết nối cao. Tại đây, nhân văn số nói riêng và công nghệ số nói chung có nhiều tiềm năng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết.

Ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF)
Ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF). Ảnh: IFI VNU

Đó là chủ đề của Diễn đàn Quốc tế Franconomics-2023 do Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - ĐHQGHN phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) - ĐH Jean Moulin Lyon 3 đồng tổ chức vào ngày 17 và 18/10/2023.

Tại hội thảo, ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết Nhân văn số đã được OIF tiên phong đề cập tới từ những năm 1990 và gần đây nhất là Chiến lược mới về Cộng đồng Pháp ngữ số giai đoạn 2022-2026 nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ các giải pháp đổi mới bền vững, toàn diện và vì lợi ích của người dân. Với cương vị là Trưởng Đại diện OIF tại châu Á - Thái Bình Dương, ông Edgar Doerig nhận định đây là một khu vực năng động, có tính kết nối cao. Tại đây, nhân văn số nói riêng và công nghệ số nói chung có nhiều tiềm năng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết.

Nhân văn số có nhiều ưu điểm và lợi ích khi áp dụng, như hỗ trợ quảng bá văn hóa; khả năng lưu trữ, kết nối nhiều nguồn tài nguyên cũng như các nhà khoa học trên không gian số. Dưới tác động của nhân văn số, ảnh hưởng cộng đồng của các ngành nhân văn trở nên mạnh mẽ hơn thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá.

Tuy nhiên, cũng tồn tại một số hạn chế trong lĩnh vực này như sự mất mát dữ liệu trong quá trình chuyển đổi, vấn đề đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu, việc duy trì bảo tồn các nguồn lực và dự án, vấn đề thay đổi tư duy nhận thức…

Trước những khó khăn đó, ông Xavier Leroux, Giám đốc Đại học Toulon, kỳ vọng diễn đàn lần này sẽ giúp phân tích những mô hình thành công trong lĩnh vực nhân văn số, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và các quốc gia khác. Đó là điều buộc phải làm, bởi “việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và khoa học máy tính vào nghiên cứu các ngành nhân văn đang trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết trong một xã hội văn minh và tiến bộ”.

Phiên thảo luận "
Phiên thảo luận "Thanh niên trong xã hội số" trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc tế Franconomics-2023. Ảnh: IFI VNU

Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên do IFI khởi xướng, được ĐHQGHN bảo trợ và tổ chức với sự tham gia của các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ (gồm 88 nước thành viên và quan sát viên) và nhiều đối tác trong và ngoài nước khác. Đây là không gian đối thoại quốc tế đa ngành về lý luận và thực tiễn với các chủ đề mang tính thời sự kinh tế – xã hội; là nơi giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị trong nước và quốc tế, và là cơ hội kết nối giữa các Trường Đại học, Doanh nghiệp, Địa phương; giữa các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ.