Đến năm 2035, khi hoạt động khai thác cát và xây dựng đập thuỷ điện đẩy vùng đồng bằng sông Cửu Long vào cảnh cạn kiệt cát, danh xưng “vựa lúa” sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Ảnh: Công Mạo / TTXVN
Hằng năm lượng trầm tích bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng. Ảnh minh họa: TTXVN

Báo cáo “Ngân hàng cát cho đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam” của WWF Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam) cảnh báo với tốc độ khai thác 35-55 triệu m3/năm như hiện nay, trữ lượng có thể khai thác dưới lòng sông chỉ đủ dùng trong khoảng một thập kỷ nữa.

WWF Việt Nam đã công bố báo cáo tại hội thảo về xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL do Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và WWF Việt Nam đồng tổ chức vào ngày 29/9.

Ngân hàng cát là khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển.

Đồng tác giả báo cáo Sepehr Eslami (Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares, Hà Lan) nói với AFP rằng nếu cát cạn kiệt, số khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn sẽ tăng 10%.

TS. Eslami cho biết tình trạng cạn kiệt cát cũng sẽ gây ra xói mòn bờ sông nghiêm trọng hơn và thủy triều dâng cao hơn, dẫn đến lũ lụt và sạt lở nhiều hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gần 800 điểm xói mòn đã được ghi nhận, trải dài trên tổng cộng 1.134km bờ biển và bờ sông ở ĐBSCL kể từ năm 2016.

WWF Việt Nam cảnh báo trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro mực nước biển dâng cao, tình trạng thiếu cát sẽ là mối đe dọa hiện hữu đối với khu vực đồng bằng. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi ĐBSCL là một trong những đồng bằng có vùng trũng thấp và biến đổi nhanh nhất thế giới với 550 triệu m3 trữ lượng cát có thể khai thác.

Báo cáo chỉ ra, năm 2022 chỉ có 4 triệu m3 cát chảy xuống đồng bằng – giảm trung bình 7 triệu m3 so với các năm. Lượng cát được khai thác mỗi năm có thể còn cao hơn so với ghi nhận của các nhà khoa học, vì báo cáo không tính đến khối lượng cát được khai thác vào ban đêm, đó là thời điểm các tàu nạo vét trái phép hoạt động.

Tại hội thảo do WWF Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ NN&PTNT chủ trì vào tháng 3/2022, WWF Việt Namcho biết, từ năm 1994 đến 2014, lượng trầm tích đến ĐBSCL đã giảm 50%.

Trước đó, một báo cáo khác có tên "Tác động của khai thác cát đến cấu trúc, quá trình hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở các dòng sông", do WWF Việt Nam công bố vào năm 2018, chỉ ra lượng trầm tích ở ĐBSCL bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn mỗi năm do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng.

Việc ĐBSCL sẽ hết cát dưới lòng sông trong thập kỷ tới là điều một số nhà nghiên cứu đã dự liệu. Một đề tài được Bộ Xây dựng nghiệm thu vào năm 2021 nêu rõ tài nguyên cát sỏi tự nhiên của Việt Nam có thể cạn kiệt trong 15-20 năm tới.

Còn theo dự đoán của TS. Nguyễn Văn Mạnh (Viện Quy hoạch Thủy lợi) vào năm 2015, với kịch bản toàn bộ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được xây dựng và vận hành thì lượng trầm tích về đồng bằng trong tương lai sẽ có thể sẽ giảm tới 95%.

Nguồn cung cấp trầm tích lâu đời từ thượng nguồn đến ĐBSCL hiện đang bị đe dọa ở nhiều khía cạnh do áp lực sử dụng tăng, bao gồm khai thác thương mại vật liệu trầm tích dưới lòng sông (khai thác cát sỏi); giảm tải lượng trầm tích liên quan đến việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn và khai thác nước ngầm quy mô lớn. Những hoạt động này ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định địa mạo của đồng bằng.

Nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả, tình trạng sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải sẽ ngày càng trầm trọng, khiến hơn hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven sông Tiền và sông Hậu đứng trước nguy cơ mất nhà. Khai thác cát không bền vững cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông. Những áp lực môi trường này có thể phá huỷ khả năng chống chịu, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học của vùng.

Nguồn: