Apicoo Robotics – một công ty khởi nghiệp về công nghệ robot ở Hà Nội, đã dự kiến lựa chọn các thị trường quốc tế cho sản phẩm tay kẹp robot có độ linh hoạt cao và chi phí cạnh tranh trước khi quay trở lại Việt Nam.

Tay kẹp SusGrip cử động song song, dùng cho các ứng dụng thông thường. Ảnh: Apicoo
Tay kẹp SusGrip cử động song song, dùng cho các ứng dụng thông thường. Ảnh: Apicoo

Buổi triển lãm Robot World 2023 ở Seoul diễn ra trong bốn ngày vừa qua là một trong những lễ hội robot lớn nhất Hàn Quốc. Có hàng trăm gian hàng đến từ 30 quốc gia trên thế giới, tất cả đều nhằm mục đích triển lãm những công nghệ robot tiên tiến nhất và tìm kiếm đơn hàng. Trong số đó có một gian hàng hết sức thú vị ở khu C. Tại đó, những cánh tay robot trình diễn khả năng kẹp bình thủy tinh mỏng manh để rót nước ra cốc với sự hiệu quả không kém gì khi chúng cầm những bánh răng sắt nặng nề đặt vào khớp nối.

Cánh tay robot này là một sản phẩm của Hàn Quốc, nhưng tay kẹp của chúng lại là sáng tạo độc đáo của Apicoo Robotics, một công ty khởi nghiệp robot có trụ sở ở Hà Nội, Việt Nam.

Với dải kẹp lớn có kích thước tốt nhất trên thị trường hiện tại,những chiếc tay kẹp SusGrip của Apicoo có thể cầm nắm được nhiều đối tượng có hình dạng khác nhau trong cùng một nhiệm vụ. Michael Wendling, Giám đốc dự án tại Công viên đổi mới sáng tạo SIPBB (Thụy Sĩ) ca ngợi kích thước kẹp 132mm của Apicoo là một yếu tố hỗ trợ tuyệt vời cho tự động hóa linh hoạt. Vài tháng trước, Wendling đã test thử tay kẹp SusGrip trong phòng thí nghiệm nhà máy thông minh và cho kết quả khả quan.

Cũng như nhiều loại tay kẹp thông minh khác, SusGrip sử dụng camera 3D để chụp ảnh không gian xung quanh, giúp nó có được hình dung về vị trí của tất cả các bộ phận chính xác trong vòng vài milimet. Nó dựa vào các cảm biến lực để thực hiện phần công việc còn lại.

Tuy nhiên, cử động tay kẹp song song mới chính là thiết kế độc quyền của SusGrip. Thiết kế này cho phép robot có thể xoay ngón tay một góc nhỏ, khiến cho chuyển động kẹp trở nên linh hoạt gấp đôi.

“Khi đó, ngón tay có khả năng di chuyển trên cả hai bên mặt phẳng, thay vì trên một mặt phẳng như cử động kéo thông thường. Nhờ vậy, động tác của robot sẽ nhanh hơn, chính xác hơn và bỏ qua được thời gian di chuyển để thử điểm kẹp”, TS. Võ Gia Lộc - Nhà sáng lập Apicoo Robotics, người có bằng tiến sĩ về robotics tại Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) và từng làm việc ở công ty Neuromeka để phát triển các robot cộng tác như Indy7 và CORE trước khi trở về Việt Nam thành lập công ty chế tạo robot của riêng mình vào năm 2020, chia sẻ.

TS. Võ Gia Lộc - Founder của Apicoo Robotics.
TS. Võ Gia Lộc -Nhà sáng lậpcủa Apicoo Robotics.

Tay kẹp SusGrip có thể cắm và chạy trực tiếp trên bất kỳ cánh tay robot nào mà không cần phải hiệu chỉnh. Với SusGrip, người dùng thông thường cũng có thể dễ dàng thiết lập được một tác vụ mới mà không cần sự trợ giúp từ chuyên gia.

Tiềm năng thương mại hóa cao

Apicoo có chiến lược ra thế giới trước khi quay lại thị trường nội địa. Lý giải điều này, một nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam, người không tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp, nhận xét: “SusGrip được chế tạo với các tiêu chuẩn quốc tế trong đầu và nó có khả năng chinh phục các phân khúc cao cấp. Nó là một công nghệ mới, vô cùng tiên tiến, do vậy sẽ cần thời gian và uy tín để có thể được chấp nhận tại thị trường Việt Nam, vốn không mặn mà với các sản phẩm robot nói chung và các sản phẩm robot nội nói riêng.”

Vì sản xuất ở Việt Nam và nắm trong tay những thiết kế công nghệ cho phép chủ động ở mức cao nhất, Apicoo tin rằng startup của mình có thể cạnh tranh về giá thành trên thị trường thế giới.

Apicoo đã lựa chọn Hàn Quốc là thị trường quốc tế đầu tiên. Mục tiêu của họ là xây dựng được thương hiệu chung với các đối tác Hàn Quốc và tiếp cận những người chấp nhận sản phẩm.

Apicoo đã đạt được những cột mốc quan trọng. Vào tháng sáu, công ty được chọn vào Top 60 Startup của chương trình K-Startup Grand Challenge, một trong những chương trình do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ nhằm thu hút và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp nước ngoài đầy triển vọng tại Hàn Quốc.

Không lâu sau, giám đốc Apicoo tuyên bố họ đã bắt tay với một nhà phân phối Hàn Quốc là AIDIN Robotics để có được khách hàng cho tay kẹp thông minh thông qua quan hệ đối tác của AIDIN với những nhà sản xuất khác.

Hàn Quốc là giấc mơ của robot, với mật độ robot cao nhất thế giới trong các ngành sản xuất và thị trường robot đang ngày càng lan sang những ngành dịch vụ như nấu ăn, phục vụ, giao hàng, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc phẫu thuật, an ninh, kiến trúc, giao thông, nông nghiệp và thậm chí cả quốc phòng.

Tay kẹp FitGrip được phát triển cho các ứng dụng tùy chỉnh như nhà máy thông minh. Ảnh: Apicoo
Tay kẹp FitGrip được phát triển cho các ứng dụng tùy chỉnh như nhà máy thông minh. Ảnh: Apicoo

“Chúng tôi muốn làm việc với các công ty Hàn Quốc để giúp họ tích hợp robot trong dòng sản phẩm của mình. Apicoo sẽ tập trung vào các dòng robot thông minh đang ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và trong cuộc sống hằng ngày”, TS. Võ Gia Lộc nói.

Bên cạnh việc bán các tay kẹp SusGip nguyênbản, Apicoo cũng ký được hợp đồng với ba công ty Hàn Quốc để xây dựng các giải pháp tự động hóa đa năng, chẳng hạn như tay kẹp FitGrip dạng module dùng cho các ứng dụng tùy chỉnh. Điều này cho phép khách hàng cuối cùng của họ có được những giải pháp thích hợp trong nhà máy lắp ráp hoặc trong các chuỗi nhà hàng cần chế biến thực phẩm tại chỗ.

Hai hướng kể trên sẽ giúp Apicoo tạo được những dòng doanh thu đầu tiên để tồn tại. Song song với đó, Apicoo đang tiếp cận hướng thứ ba là kết hợp R&D với các trường đại học, viện nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo uy tín trên thế giới để tạo ra các sản phẩm mới. Kế hoạch năm sau là hoàn thiện một dòng thiết bị truyền động (actuator) thông minh có chi phí thấp, sử dụng ít pin. Còn về lâu dài, công ty này tham vọng chế tạo được những thương hiệu robot hoàn chỉnh của riêng mình.

Khi nói về tầm nhìn thị trường, TS. Võ Gia Lộc cho biết Hàn Quốc là điểm mở đầu nhưng miếng bánh mà họ nhắm tới chủ yếu sẽ là thị trường Mỹ và sau đó là thị trường toàn cầu.

Với Mỹ, Apicoo vẫn đang trên con đường tìm kiếm những đối tác đầu tư đủ khả năng đưa họ thâm nhập thị trường. Công ty đã tiếp xúc với một số nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon, tuy nhiên hành trình vẫn còn ở phía trước. Cố vấn khởi nghiệp Srinivasan Arjun Tekalur đã chia sẻ kinh nghiệm ngành và tham gia vào các cuộc thảo luận sâu sắc với Apicoo để tinh chỉnh chiến lược và tầm nhìn của công ty khi họ bước chân vào thị trường.

Còn tại châu Âu, Apicoo đã có sự hiện diện công nghệ đầu tiên với các đối tác R&D tiềm năng. Tay kẹp SusGrip đang được trình diễn kết hợp với cánh tay robot của FANUC, một trong những công ty hàng đầu thế giới về tự động hóa nhà máy, trên các dây chuyền sản xuất của DIMOFAC tại Trung tâm nhà máy thông minh 4.0 của SIPBB.

“Thị trường rất tiềm năng, trong khi chúng tôi có đội ngũ công nghệ rất mạnh và sẵn sàng giải quyết những vấn đề khó. Tôi tin điều này sẽ tạo đà cho Apicoo phát triển”, nhà sáng lập công ty bày tỏ.

Theo ghi nhận, Apicoo đã nhận được vốn đầu tư mạo hiểm cho vòng hạt giống với số tiền không tiết lộ từ quỹ BK Fund.