Từ Bắc Kinh đến London, từ Tokyo đến Washington, từ Oslo đến Dubai, một cuộc chạy đua chuyển đổi năng lượng đang diễn ra, thậm chí cả trong những đất nước dầu mỏ.

Một trạm sạc xe điện tại Mỹ. Nguồn: cleantechnica.com
Một trạm sạc xe điện tại Mỹ. Nguồn: cleantechnica.com

Trên khắp nước Mỹ, một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra mà hầu hết mọi người không nhận thấy. Xe tải giao hàng ở Pittsburg, xe buýt ở Milwaukee, cần cẩu ở cảng Los Angeles, từng tòa nhà công sở của thành phố Houston - tất cả đều hoạt động nhờ nguồn điện từ Mặt trời, gió hoặc các nguồn năng lượng sạch khác. Một quốc gia từng đốt than, dầu và khí đốt suốt hơn một thế kỷ để trở thành nền kinh thế giàu có nhất hành tinh, đồng thời là quốc gia gây ô nhiễm nhất trong lịch sử, giờ đây đang chuyển đổi nguồn năng lượng nhanh chóng.

Một quá trình tương tự cũng đang diễn ra ở châu Âu và nhiều nơi khác. Khắp toàn cầu, thay đổi đang diễn ra với một tốc độ mà đến cả các chuyên gia, dù đã theo dõi sát sao, cũng phải ngạc nhiên.

Năng lượng gió và Mặt trời đang phá kỷ lục; các nguồn năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn cung điện lớn nhất thế giới vào năm 2025. Các nhà sản xuất ô tô đã coi các xe điện là trọng tâm chiến lược kinh doanh và đang thẳng thắn nói về ngày kết thúc của động cơ đốt trong. Hệ thống sưởi, làm mát, nấu nướng và một số hoạt động sản xuất cũng sẽ sử dụng điện năng lượng tái tạo.

Từ khi những mức nhiệt cao nhất được ghi nhận trên Trái đất - thậm chí ở một số nơi còn tăng đến mức không phù hợp với cuộc sống của con người, chính phủ khắp các nước bắt đầu dốc hàng nghìn tỉ đô la vào năng lượng sạch nhằm giảm ô nhiễm carbon đang thiêu đốt hành tinh.

Chi phí sản xuất điện từ Mặt trời và gió đang giảm nhanh, hiện nay ở một số nơi còn rẻ hơn khí đốt, dầu mỏ hay than đá. Nguồn đầu tư tư nhân đang chảy về những công ty đang giành lợi thế trong các ngành công nghiệp xanh mới nổi.

“Chúng tôi xem dữ liệu năng lượng hằng ngày, và những gì đang diễn ra thì thật đáng kinh ngạc” - Fatih Birol, Giám đốc Điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA) chia sẻ, “Năng lượng sạch đang phát triển nhanh hơn nhiều người nghĩ, và gần đây nó còn trở nên tăng tốc hơn”.

Theo IEA, chỉ riêng trong năm nay, dự kiến hơn 1,7 nghìn tỉ USD từ khắp nơi trên thế giới sẽ được đầu tư vào những công nghệ như năng lượng gió, Mặt trời, xe điện và pin trên toàn cầu, trong khi số tiền dành cho nhiên liệu hóa thạch chỉ hơn 1 tỉ USD. Đây là khoản tiền lớn nhất từng được dành cho năng lượng sạch trong một năm.

Những khoản đầu tư đó đang thúc đẩy năng lượng sạch tăng trưởng bùng nổ. Trung Quốc - quốc gia vốn đã dẫn đầu thế giới về lượng điện sản xuất gió và Mặt trời, dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất vào năm 2025, sớm trước kế hoạch năm năm. Tại Anh, khoảng ⅓ lượng điện được tạo ra từ năng lượng gió, Mặt trời và nước. Tại Mỹ, dự kiến trong năm nay sẽ có 23% lượng điện đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, tăng 10% so với một thập niên trước.

Và trong khi các hệ thống năng lượng đang thay đổi nhanh chóng, khí hậu cũng vậy. Vẫn chưa thể chắc chắn liệu Mỹ và các quốc gia gây ô nhiễm khác có thể làm được điều mà các nhà khoa học cho là bắt buộc để ngăn chặn thảm họa hay không: ngừng đưa thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển kể từ năm 2050. Cho đến nay, tất cả các nguồn đầu tư đã làm chậm tốc độ gia tăng khí thải trên toàn thế giới, nhưng lượng carbon dioxide bơm vào bầu khí quyển vẫn đang ở mức kỷ lục.

Cuộc đua năng lượng sạch


15 năm trước, các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và các loại xe chạy bằng pin thường được coi là các công nghệ “ngách”, quá đắt và chưa đủ độ tin cậy để sử dụng rộng rãi. Nhưng, năng lượng sạch đã nhanh chóng trở nên rẻ hơn rất nhiều so với dự đoán của bất cứ ai. Kể từ năm 2009, chi phí sản xuất năng lượng mặt trời đã giảm 83%, chi phí sản xuất năng lượng gió đã giảm hơn một nửa. Giá của các tế bào pin lithium-ion giảm hơn 97% trong ba thập kỷ qua.

Ngày nay, ở nhiều thị trường, năng lượng mặt trời và năng lượng gió là những nguồn điện mới ít tốn kém nhất, tạo ra 12% lượng điện trên toàn cầu và vẫn đang tăng. Trong năm nay, lần đầu tiên, những nhà đầu tư toàn cầu dự kiến sẽ rót nhiều tiền vào năng lượng Mặt trời - khoảng 380 tỉ USD - hơn là vào việc khoan dầu.

Một hệ thống pin mặt trời được lắp đặt tại Trung Quốc. Nguồn: Sam Mcneil/Associated Press
Một hệ thống pin mặt trời được lắp đặt tại Trung Quốc. Nguồn: Sam Mcneil/Associated Press

Chi phí sản xuất năng lượng Mặt trời, gió và pin sụt giảm nhanh chóng có thể bắt nguồn từ sự đầu tư từ sớm của Chính phủ (Mỹ), cùng với những tiến bộ nghiên cứu của hàng trăm nhà nghiên cứu, kỹ sư và doanh nhân trên khắp thế giới.

Tại Mỹ, trong hai năm đầu tại nhiệm, Tổng thống Biden đã ký một bộ ba luật nhằm phân bổ quỹ cho năng lượng sạch: Một luật về cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỉ USD để tăng cường lưới điện, mua xe buýt điện cho các trường học và xây dựng một mạng lưới trạm sạc xe điện; đạo luật CHIPS và Khoa học dành hàng tỉ đô cho chất bán dẫn - quan trọng đối với sản xuất ô tô; và đạo luật Giảm lạm phát, cho đến nay vẫn là nỗ lực tham vọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Đạo luật mang tính bước ngoặt giúp giảm các khoản thuế liên quan đến xe điện, máy bơm nhiệt và các nâng cấp về hiệu suất của năng lượng, tấm quang năng, tua-bin gió và việc sản xuất hydro sạch. Chính phủ Mỹ cũng đang đầu tư vào những nỗ lực nhằm thu giữ và lưu trữ lượng khí thải carbon.

Kết hợp lại, ba luật này cho đến nay đã thúc đẩy các công ty công bố ít nhất 230 tỉ USD dành cho việc đầu tư sản xuất. Tại Georgia, Qcells - một nhà sản xuất năng lượng Mặt trời của Hàn Quốc, đang xây dựng nhà máy trị giá 2,5 tỉ USD. Ở Nevada, Tesla đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe tải điện mới, trị giá 3,6 tỉ USD. Và ở Oklahoma, Tập đoàn của Nhật Bản, Panasonic, đang cân nhắc mở một nhà máy sản xuất pin trị giá 4,4 tỉ USD.

Những thay đổi trên cũng làm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Tổng thống Biden đã đề xuất ra các giới hạn mới về ô nhiễm, nhưng một số bang cũng đang tự hành động. California - với sức mạnh thị trường ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp ô tô, có kế hoạch ngừng bán những ô tô mới chạy bằng khí đốt và các xe tải mới chạy bằng dầu diesel lần lượt vào năm 2035 và 2036; một số tiểu bang khác cũng đang lên kế hoạch như vậy. Vào tháng năm vừa qua, New York là tiểu bang đầu tiên cấm kết nối khí đốt trong hầu hết các tòa nhà mới, đồng thời yêu cầu sử dụng hệ thống sưởi và nấu ăn hoàn toàn bằng điện kể từ năm 2026.

Đầu tư của Mỹ đã thúc đẩy phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia giàu có khác. Canada, Hàn Quốc và một số nước khác cùng thúc đẩy các công ty nội địa tiếp cận với các gói trợ cấp của Mỹ, cùng lúc cung cấp các khoản trợ cấp tương tự cho các nhà sản xuất trong nước họ. Liên minh châu Âu đang tiến tới việc giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Trong tháng năm, lần đầu tiên trong lịch sử, năng lượng gió và Mặt trời tại châu Âu tạo ra nhiều điện năng hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

Tại Trung Quốc - quốc gia vừa gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, vừa dẫn đầu về năng lượng tái tạo, chính phủ tiếp tục đầu tư vào từng giai đoạn sản xuất năng lượng sạch, từ pin mặt trời đến pin, tua-bin gió, v.v. Giống như Mỹ, Trung Quốc có các trợ cấp cho người mua xe điện. Năm ngoái, quốc gia này đã chi 546 tỉ USD cho năng lượng sạch, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Với chi phí sản xuất giảm mạnh, việc sản xuất và lắp đặt các dự án năng lượng gió và Mặt trời vẫn đang gia tăng. Ngành công nghiệp năng lượng Mặt trời của Mỹ đã lắp đặt công suất kỷ lục là 6,1 gigawatt trong quý đầu năm 2023, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Và những chi phí thấp đó cũng khiến nhiều tập đoàn lớn nhất của Mỹ - ví dụ như Amazon, Alphabet, General Motors - mua một lượng lớn năng lượng gió và Mặt trời nhằm “đánh bóng” danh tiếng họ, và cũng vì nó có lợi cho kinh tế.

Xe điện trở thành “hiện tượng quốc gia”


Cho đến nay, xe điện là phân khúc phát triển nhanh nhất của ngành công nghiệp ô tô ở Mỹ, doanh số kỷ lục là 300.000 trong quý 2 năm 2023 - tăng 48% so với một năm trước đó. Tesla hiện là một trong những dòng xe bán chạy nhất tại Mỹ, còn Ford đã mở rộng sản xuất dòng xe điện F-150 Lightning sau khi lượng cầu tăng cao.

Bảy nhà sản xuất ô tô - Tập đoàn BMW, General Motors, Honda, Hyundai, Kia, Tập đoàn Mercedes-Benz và Stellantis - đang chi 1 tỉ USD trong một dự án chung nhằm xây dựng 30.000 cổng sạc trên các đường cao tốc chính và các địa điểm khác ở Mỹ và Canada.

Sự chuyển đổi diễn ra nhanh đến mức, một số nhà sản xuất ô tô mang tính biểu tượng của Mỹ cũng đang chuẩn bị cho một thế giới không còn ô tô và xe tải chạy bằng xăng. General Motors, công ty có thị phần lớn hơn bất cứ nhà sản xuất ô tô nào ở Mỹ, đã cam kết chỉ bán các loại xe không khí thải kể từ năm 2035. Theo bà Mary Barra, Giám đốc Điều hành của General Motors, đối với nhà sản xuất ô tô 114 tuổi này, đây là “bước ngoặt chỉ đến một lần trong suốt một thế hệ”.

“Đó không còn là câu chuyện của bang xanh hay bang đỏ” - Cathy Zoi, Giám đốc Điều hành của EVGo, công ty có một trong những mạng lưới trạm sạc điện lớn nhất ở Mỹ, nhận định. “Đó là một hiện tượng quốc gia”.