Các chatbot AI đã thu hút sự chú ý của người dân trên toàn thế giới, thúc đẩy hàng tỷ USD đầu tư vào công nghệ. Tuy nhiên, bước tiến của AI gợi cho các chuyên gia nhớ đến sự bùng nổ và xì hơi của các sự kiện như “bong bóng” dotcom và “bong bóng” tiền số.

.
.

Đầu năm nay, ngân hàng đầu tư UBS đã công bố một báo cáo về chatbot ChatGPT của startup trí tuệ nhân tạo OpenAI, cho biết công cụ này đang trên đà đạt 100 triệu người dùng hằng tháng - chỉ ba tháng sau khi ra mắt trước công chúng.

Nếu điều đó thành hiện thực, ChatGPT sẽ đánh bại ứng dụng truyền thông xã hội TikTok, vốn phải mất chín tháng, và Instagram - phải mất hai năm rưỡi - để đạt được cột mốc tương tự.

Báo cáo như một mồi lửa khơi dậy sự phấn khích của giới công nghệ trên toàn thế giới – phải chăng đây là cơ hội vực dậy ngành công nghệ đang phải vật lộn với suy thoái. Cuối cùng, hóa ra 100 triệu là con số dựa trên số lượt truy cập trang web, chứ không phải số “người dùng hoạt động hằng tháng”.

Tuy nhiên, báo cáo của UBS đã giúp khơi mào cơn sốt AI bao trùm Thung lũng Silicon gần một năm nay, khi các công ty như Google và Microsoft chạy đua cạnh tranh và ra mắt chatbot của riêng họ. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp AI. Trong các báo cáo về tình hình kinh doanh, các CEO công nghệ đã coi AI là lĩnh vực tăng trưởng quan trọng.

Nhưng hiện vẫn chưa rõ khi nào và bằng cách nào công nghệ này thực sự mang lại lợi nhuận - hoặc liệu nó có khả năng sinh lời hay không. Đã có một số báo cáo cho thấy tần suất sử dụng ChatGPT đang giảm dần. Và nhiều người cũng nhận ra rằng “AI tạo sinh” vốn cực kỳ tốn kém để xây dựng và vận hành - đòi hỏi từ chip chuyên dụng, sức mạnh tính toán của máy chủ dữ liệu cho đến các kỹ sư tay nghề cao. AI tạo sinh dạng hệ thống AI có năng lực tạo ra văn bản, hình ảnh hay các sản phẩm truyền thống khác thông qua học hỏi các mẫu hình và cấu trúc từ dữ liệu huấn luyện đầu vào và tạo ra dữ liệu mới với những đặc điểm tương tự.

Alice Deng, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp thanh toán Slope, cho biết nhiều người đang nỗ lực tích hợp thêm một số công nghệ AI vào startup của mình để thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Một số chuyên gia công nghệ nhận định rằng việc phát triển AI không bền vững có thể hình thành “bong bóng”, và chúng có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. “Tôi chỉ lo lắng rằng việc mọi người ám ảnh AI đến thái quá sẽ làm vỡ “bong bóng” AI, và rồi đột nhiên không còn ai quan tâm đến công nghệ nữa,” Deng nói.

“Bong bóng” AI

Trong nhiều thập kỷ qua, Thung lũng Silicon đã chứng kiến ​​hết làn sóng này đến làn sóng khác. Nhờ những làn sóng này, nhiều người đã vươn đến đỉnh cao danh vọng nhưng cũng không ít người đã thất bại ê chề. “Bong bóng” dot-com khét tiếng đã ghi nhận hàng loạt ​​các công ty IPO, chào bán cổ phiếu ra công chúng, và thu về hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư đơn lẻ chỉ vì có “.com” trong tên của họ. Đó là thời điểm các công ty công nghệ được định giá quá cao so với giá trị thực. Các nhà đầu tư liên tục bơm tiền vào đây, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Tuy nhiên, giá trị thực tế của các công ty này không tương xứng với mức kỳ vọng đặt ra. Kết quả là những giá trị ảo này bị đẩy xuống tương xứng với thực tế, khiến thị trường lâm vào khủng hoảng.

Các tập đoàn lớn như Amazon, Apple, Microsoft đang nỗ lực tích hợp AI vào các công cụ của mình. Ảnh: Kate Walker
Các tập đoàn lớn như Amazon, Apple, Microsoft đang nỗ lực tích hợp AI vào các công cụ của mình. Ảnh: Kate Walker

Ngoài ra, còn có “bong bóng” truyền thông xã hội với sự bành trướng của những “gã khổng lồ” như Facebook và Twitter. Song ở chiều ngược lại, chẳng còn mấy ai nhớ đến các startup như FriendFeed và Yik Yak. Một cơn sốt khác, đó là sự kiện hàng tỷ USD đã được rót vào việc chế tạo ô tô tự hành, nhưng sau nhiều năm phát triển, công nghệ này vẫn chưa sẵn sàng để triển khai đại trà, bất chấp những dự đoán từ các chuyên gia công nghệ nổi tiếng rằng đến giữa những năm 2020 chúng sẽ trở nên phổ biến khắp đường phố. Gần đây nhất, lĩnh vực tiền điện tử đã chứng kiến ​​những đợt lập đỉnh cao mới, nhưng rồi “bong bóng” đã vỡ vào cuối năm 2021 khiến hàng triệu người phải bán tháo và khốn đốn vì mất tiền.

Đây không phải là lần đầu AI trở thành cơn sốt. Vào giữa những năm 2010, đã có một làn sóng huy động vốn mạo hiểm AI khi những đột phá khoa học về nhận dạng hình ảnh, dịch thuật đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều công ty về sau đã được các công ty lớn thu mua lại.

Lần này, công nghệ đằng sau các chatbot như ChatGPT và Bard của Google đòi hỏi nguồn năng lượng và tính toán cực kỳ lớn, bởi chúng được đào tạo bằng một lượng dữ liệu khổng lồ. Nvidia, công ty sản xuất chip máy tính và phần mềm phù hợp cho AI, đã có ​​mức định giá tăng vọt trong năm qua, đưa họ trở thành công ty có giá trị thứ sáu thế giới với 1,1 nghìn tỷ USD .

Các chatbot đã bộc lộ ra nhiều điểm yếu như việc chúng tạo ra thông tin sai lệch và biến nó thành thông tin thật - một vấn đề mà các công ty đang cố gắng giải quyết nhưng một số nhà nghiên cứu AI cho rằng đây là lỗ hổng lớn mà có thể sẽ không bao giờ khắc phục được. Các công ty AI cũng bị các nghệ sĩ, nhà làm phim và nhạc sĩ chỉ trích vì đã sử dụng tác phẩm có bản quyền của họ để đào tạo các mô hình AI mà không trả tiền hoặc xin phép. Ngày càng có nhiều vụ kiện xảy ra nhằm ngăn chặn các công ty sử dụng dữ liệu từ website mở - đây là nguồn dữ liệu quan trọng giải thích tại sao các chatbot hoạt động tốt như vậy.

Các làn sóng công nghệ tập trung vào người dùng trước đây như mạng xã hội hoặc thương mại điện tử tồn tại nhờ vào quảng cáo trực tuyến và lưu trữ đám mây - đều là những thứ có mức giá phải chăng. Trong khi đó, AI tốn kém hơn, khiến các công ty khó thành công hơn, đặc biệt nếu họ chưa tìm ra mô hình kinh doanh của mình.

“Suy cho cùng AI chỉ là phần mềm, một loại phần mềm đắt đỏ”, Andrew Harrison, Giám đốc điều hành của Công ty Đầu tư mạo hiểm Section 32, cho biết. “Đó là phần mềm mang lại lợi nhuận thấp, trừ khi nó có lợi thế cạnh tranh cực kỳ tốt.”

Thông tin mập mờ

Báo cáo của UBS, trong đó trích dẫn chính xác con số 100 triệu người dùng, đã tạo ra tiếng vang lớn. Các biểu đồ so sánh ChatGPT với các ứng dụng trị giá hàng tỷ USD như Instagram, Spotify, Uber và TikTok xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Các phóng viên bắt đầu đưa con số 100 triệu vào các câu chuyện như một sự thật hiển nhiên mà không giải thích con số này đến từ đâu. Các diễn giả đã trình bày nó tại các hội nghị như một bằng chứng cho thấy AI sẽ khiến xã hội thay đổi như cách Internet hoặc điện đã làm được.

OpenAI không tiết lộ có bao nhiêu người thực sự sử dụng ChatGPT. Người phát ngôn của OpenAI từ chối bình luận về số lượng người dùng.

Google cũng không tiết lộ con số về số người dùng Bard. Khoảng 750.000 người đã được cấp quyền truy cập vào các công cụ AI, nhưng công ty chưa cho biết có bao nhiêu người thường xuyên sử dụng chúng.

Vào tháng bảy, Microsoft đã công bố giá của một số sản phẩm AI thế hệ mới của mình, bao gồm một công cụ giúp các chuyên gia an ninh mạng hiểu được những hình thức xâm nhập mà công ty của họ có thể phải đối mặt. Nhưng họ cũng chưa tiết lộ có bao nhiêu người đang sử dụng các công cụ này.

Trong sáu tháng qua, AI đã giúp nâng cao định giá của các tập đoàn khổng lồ sau một năm gặp nhiều bất ổn khi phải sa thải hàng loạt nhân viên và doanh thu quảng cáo sụt giảm. Nhưng trong khi các CEO công nghệ liên tục đề cập đến vai trò của AI tạo sinh đối với hoạt động kinh doanh của họ, họ hầu như không chia sẻ cụ thể cách mình sẽ biến AI thành công cụ tài chính trị giá hàng tỷ USD của riêng mình.

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai cho biết số lượng khách hàng đăng ký sử dụng các mô hình AI tạo sinh có sẵn trên nền tảng của họ đã tăng 15 lần từ tháng tư đến tháng sáu, nhưng ông không cung cấp con số cụ thể.

Trước đó, vào năm 2018, ông Pichai cho rằng AI sẽ có tác động “sâu sắc” đến xã hội loài người chẳng kém gì việc phát hiện ra lửa. Trong các cuộc phỏng vấn, tọa đàm và điện đàm trong hội nghị năm nay, ông liên tục nói rằng AI tạo sinh là một cơ hội kinh doanh lớn cho gã khổng lồ công nghệ và ông đang nỗ lực tích hợp nó vào tất cả các dòng sản phẩm của công ty.

Không thua kém, Microsoft cũng đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với OpenAI để sử dụng công nghệ của công ty khởi nghiệp này trong các sản phẩm của mình. Hơn 11.000 công ty đã sử dụng các công cụ OpenAI do Microsoft cung cấp. “Chúng tôi có gần 100 khách hàng mới mỗi ngày”, Giám đốc điều hành Satya Nadella cho biết. Ông chia sẻ, số lượng doanh nghiệp đăng ký sử dụng công cụ mã hóa GitHub Copilot AI của công ty đã tăng gấp đôi so với quý trước.

Cách đây vài tháng, trong cuộc họp báo cáo tình hình kinh doanh của công ty, Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy đã đưa ra một số lưu ý quan trọng. Cho đến nay, công ty chủ yếu đầu tư vào nhà cung cấp dịch vụ đám mây của mình, Amazon Web Services, để thâm nhập vào lĩnh vực AI tạo sinh. “Theo quan điểm của tôi, chúng ta sắp sửa tham gia một cuộc chạy marathon”, Jassy nói. “Tôi nghĩ AI sẽ là bước ngoặt và nó sẽ thay đổi hầu hết trải nghiệm của khách hàng. Nhưng tôi nghĩ bây giờ thực sự còn sớm. Hầu hết các công ty vẫn đang trong quá trình tìm hướng phát triển phù hợp.”

Khi đề cập đến công nghệ, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết trong một cuộc gọi hội nghị vào tháng năm rằng “có một số vấn đề vẫn cần được giải quyết”. Tuy nhiên, trong một cuộc họp thảo luận về tình hình kinh doanh của công ty, ông nói rõ hơn rằng công ty thực sự đã nghiên cứu về AI tạo sinh “trong nhiều năm”, và AI là công cụ “không thể thiếu trong hầu hết mọi sản phẩm mà chúng tôi xây dựng”.

Theo Washington Post