Với phương châm thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển, từ đóng sang mở, từ khóa trong giai đoạn tới của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là “mở”.

Mở và liên kết

Trong lễ khai mạc Techfest 2021, diễn ra vào ngày 14/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự hào hứng trước không khí đậm chất đổi mới sáng tạo khi tham quan các gian hàng. Lắng nghe các trao đổi tại diễn đàn chính sách và các kết quả của hệ sinh thái khởi nghiệp đạt được trong năm 2021, ông hào hứng nói: “Nếu tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì kết quả sang năm phải cao hơn năm nay. Như vậy, cần có thêm một vài kỳ lân nữa, tất cả có đồng ý quyết tâm không”. Cả hội trường vỗ tay rào rào đồng ý.

Đại diện các làng công nghệ giới thiệu sản phẩm, mô hình hoạt động với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: BTC

Miêu tả như vậy để thấy, dù trong không khí dịch bệnh với lượng khách mời tham dự rất hạn chế, Techfest 2021 vẫn truyền được cảm hứng đến tất cả người tham dự cả trực tiếp và trực tuyến. Đây cũng là cách làm “rất mở” của Techfest trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, khái niệm mở đã khác với trước đây. Các năm trước, việc kết nối mới chỉ dừng lại ở các cấu phần trong hệ sinh thái gồm những người khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà cố vấn, cơ quan chính phủ/địa phương thì giờ đây, với cách tiếp mở, hệ sinh thái kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty. Những đơn vị này trở thành người đặt đầu bài, tìm kiếm các phương thức mới giải quyết bài toán của mình từ startup bên ngoài. Nếu năng lực của người làm khởi nghiệp không đủ để giải quyết, họ sẽ nhận được hỗ trợ từ các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước.

Theo PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trên thế giới, rất nhiều công ty đặt hàng trực tiếp trường đại học, viện nghiên cứu hay thông qua các cuộc thi hackathon, khởi nghiệp để cộng đồng khởi nghiệp, nhà khoa học cùng giải quyết. Ví dụ điển hình nhất là Singapore với cuộc thi National Innovation Challenges, chính phủ đưa ra bài toán cho các nhà khoa học, startup khắp nơi trên thế giới cùng giải quyết. Một mô hình khác cũng đang là xu hướng là doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng, giải pháp, nguồn lực cho cộng đồng và doanh nghiệp khác cùng sử dụng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vườn ươm trong các trường đại học để tạo ra startup phục vụ doanh nghiệp và cộng đồng. Điển hình cho cách làm này là Google, Tesla.

Ngày 1/10, Ngày hội đổi mới sáng tạo xã hội đã được phát động. Đây là chuỗi hoạt động phong phú trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST) 2021. Trong ảnh: Các đại biểu tham gia ấn nút khởi động Ngày hội. Ảnh: Lê Vân

“Nhiều bằng chứng cho thấy lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo thậm chí còn lớn hơn lợi nhuận từ các đầu tư truyền thống. Chúng tôi hy vọng hệ sinh thái mở của Việt Nam sẽ đi cùng thế giới” – ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết.

Tư duy nhanh nhạy của những người hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học đã bắt đầu tạo dựng một cách làm mở như vậy. Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc ươm tạo của BK Holdings, chia sẻ: với sự ủng hộ của các cựu sinh viên, BK Holding có trong tay cả nguồn vốn lẫn mối quan hệ để có thể trở thành “bà đỡ” kéo gần khoảng cách của nhà khoa học với doanh nghiệp. “Điển hình như trường ĐH Bách khoa có giải pháp công nghệ lõi về truyền điện không dây. Nhưng làm sao để đưa công nghệ đó cho doanh nghiệp sản xuất thành sản phẩm thương mại như bình nước nóng truyền điện không dây, sạc không dây cho ô tô, xe máy….” – ông nói. Đó chỉ là một trong những bài toán mà BK Holding với chương trình Lab2Market đã giải quyết trong hai năm qua. Công thức chung của BK Holding là thành lập công ty khởi nguồn (spin-off), rót một phần vốn nhỏ và kết nối với doanh nghiệp.

Câu chuyện mà ông Phạm Tuấn Hiệp chia sẻ tại một hội nghị trong khuôn khổ lễ khai mạc TECHFEST 2021 cho thấy một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở đang dần hình hành. Thực tế thì trong năm 2021, khái niệm này đã được Bộ KH&CN hướng dẫn, tổ chức thực hiện trong hệ sinh thái của Việt Nam.

Các chính sách cho một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở

Gợi ý của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt về việc mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái cho thấy cần phải có sự thay đổi về tư duy từ 'đóng' sang 'mở'. Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cần có chính sách mới, hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. “Có những vấn đề mà nếu không có chính sách mới, hoặc không có thử nghiệm chính sách sẽ không giải quyết được bài toán của kinh tế xã hội. Việc này phải thử nghiệm ở hệ sinh thái khởi nghiệp trước, sau đó nếu thấy tốt, có lợi ích với đất nước chỉ sẽ điều chỉnh mở rộng phạm vi” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Cụ thể nhất là việc hình thành mô hình doanh nghiệp khởi nguồn cho trường đại học. Đây là nhu cầu có thật của các trường đại học như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… Những mô hình như vậy sẽ thúc đẩy sự liên kết của nhà khoa học với doanh nghiệp. Khi nhà khoa học có công nghệ, có thể dùng các nghiên cứu để thành lập công ty, thương mại hóa thành sản phẩm, từ đó kêu gọi đầu tư hợp tác từ doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, việc triển khai những mô hình như thế này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do các quy định của luật viên chức, luật chuyển giao công nghệ, luật công sản... Đây sẽ là điểm nút cần được chính sách tháo gỡ.

Bộ KH&CN cũng đang trên con đường như vậy. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: “Khoảng tháng 6/2022, chúng tôi sẽ trình lên Thủ tướng Đề án thử nghiệm mô hình sandbox cho phép trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… hình thành một số doanh nghiệp từ các nghiên cứu của nhà khoa học”. Sau khi tiến hành đánh giá hiệu quả của mô hình sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách để báo cáo các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… để xem xét và điều chỉnh các vấn đề còn vướng mắc theo quy định của luật.

Nếu đề án này được chấp nhận sẽ cho thấy, nỗ lực của Bộ KH&CN trong quyết tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở. Có như vậy, doanh nghiệp, tập đoàn mới thực sự tham gia sâu vào việc đặt hàng viện nghiên cứu, đầu tư thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mang lại lợi nhuận cho cả hai bên.

Không cần nói đâu xa, một ví dụ điển hình nhất về sự hỗ trợ của tập đoàn lớn cho sự hình thành các startup là cuộc thi ‘Thử thách Đổi mới Sáng tạo của Qualcomm Việt Nam’ phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia (NSSC) tổ chức. Bên cạnh giải thưởng tiền mặt, tập đoàn này cung cấp miễn phí cho startup cơ hội sử dụng các phòng lab R&D để phát triển sản phẩm, đội ngũ kỹ sư cố vấn, chương trình huấn luyện, cố vấn kinh doanh bao gồm quản lý sản phẩm, tài chính, chiến lược gọi vốn, xây dựng mô hình kinh doanh, tạo sản phẩm khác biệt giúp các startup có thể thành công hơn trong tương lai. Không chỉ vậy, startup còn được đào tạo về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ tiền để đăng ký bảo hộ sáng chế. Bởi thế, Bích Nguyễn – quản lý nhóm BusMap đến Phenikaa MaaS, nhóm đã giành giải Ba của cuộc thi không ngần ngại nói rằng: “Đây là cuộc thi mà tất cả các startup đều nên tham gia”. Sau một năm, startup này đã gần như lột xác. Từ việc chỉ lên ý tưởng xây dựng hệ thống camera hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, sau một năm tham gia cuộc thi, Busmap đã có được sản phẩm nhờ sự hỗ trợ phần cứng của Qualcomm, rút ngắn thời gian tìm kiếm, nghiên cứu và có được khách hàng sau khi rời khỏi cuộc thi.

Chặng đường mà Busmap đạt được là hình dung rõ ràng nhất về một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang nỗ lực xây dựng. Khi ấy, cơ quan chính phủ sẽ thực sự chỉ đóng vai là “bà mối”, tạo ra cơ hội và những cuộc gặp gỡ để doanh nghiệp, startup, kết nối. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ, thúc đẩy.

Mong muốn của Bộ KH&CN là để phát triển hệ sinh thái, nếu ngân sách nhà nước chi một phần thì doanh nghiệp và xã hội sẽ đóng góp hai phần. Có như vậy, chúng ta mới có nguồn lực để đầu tư và phát triển khoa học và công nghệ trong tương lai” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Bốn đề bài của bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt

1. Hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái.
2. Tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

3. Mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các startup, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo.

4. Cùng chung tay phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở quốc gia; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái theo mô hình mở; kết nối các dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái trên cùng một nền tảng, chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Các con số ấn tượng của TECHFEST 2021

Sự kiện TECHFEST 2021 có hơn 120 hoạt động được triển khai từ tháng chín tới nay, với sự tham gia của 16 làng công nghệ và hơn 100 đối tác tại Việt Nam và thế giới. Với mô hình tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, các sự kiện thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem và tham dự trực tiếp và trực tuyến và hơn 100 cơ quan thông tấn trong nước và quốc tế. Nền tảng TECHFEST 247 đã thu hút 997 gian hàng, 711 sản phẩm đăng ký giao thương, hơn 19 nghìn lượt tham quan và nhiều phiên hội thảo và livestream từ các làng ở đa lĩnh vực.

Hoạt động Kết nối đầu tư đã phối hợp với các Làng công nghệ, cũng như các đối tác trong hệ sinh thái triển khai thành công. Trong chuỗi hoạt động Matching, Ban Kết nối đầu tư đã hỗ trợ cho gần 350 startup tiếp cận với trên 100 nhà đầu tư/quỹ đầu tư trong nước/quốc tế và tổng hợp con số quan tâm đầu tư là hơn 15 triệu USD.