Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi công văn đến các Sở Giáo dục và Đào tạo; các đại học, học viện,… yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet, trước tình trạng kẻ xấu xâm nhập để đăng tải nội dung phản cảm, tục tĩu…

Các hành vi “đột nhập” vào cuộc họp trực tuyến để phá hoại, quấy rối tình dục… còn được gọi là “Zoombombing”. Ảnh: nytimes.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian gần đây, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục..., có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh - sinh viên trên mạng.

Công văn của Bộ được ban hành trong bối cảnh những phần mềm họp trực tuyến ảo, mà tiêu biểu là Zoom, đang vướng vào hàng loạt chỉ trích về việc xâm phạm quyền riêng tư, gửi dữ liệu người dùng trái phép cho Facebook, các lỗ hổng bảo mật trong phần mềm có thể cho phép tin tặc nghe lén các cuộc họp hoặc thậm chí truy cập các tập tin,…

Không chỉ riêng Việt Nam, mà những sự kiện tin tặc chiếm quyền phát sóng để chiếu các video phản cảm trong nền tảng dạy học trực tuyến đã xảy ra trên khắp thế giới. Các hành vi “đột nhập” đó còn được gọi là “Zoombombing”, và nó đã trở nên nghiêm trọng đến mức văn phòng FBI tại Boston phải đưa ra cảnh báo rằng người dùng không nên tổ chức các cuộc họp mà không để mật khẩu hoặc chia sẻ link về cuộc họp rộng rãi.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ quan quản lý phải giới thiệu và phổ biến cho giáo viên “những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín”; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.

Thế nhưng, trên thực tế, theo chia sẻ của các giáo viên, việc người xấu vào phá hoại lớp học không chỉ do lỗ hổng bảo mật của phần mềm, mà còn ở chính ý thức của các em học sinh.

Kể từ khi triển khai dạy học trực tuyến, rất nhiều nhóm kín trên Facebook đã được các em lập ra nhằm mục đích phá các buổi học. Trước mỗi buổi học, các em đăng tải lên nhóm này ID, mật khẩu phòng học, kèm với đó là tên của các bạn trong lớp để những người trong nhóm này đặt theo – tránh không bị giáo viên nghi ngờ khi tham gia vào. Khi buổi học đang diễn ra, các tài khoản giả mạo sẽ chiếu những video khiêu dâm hay video chửi bậy của Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh,… nhằm phá lớp học.

“Mình quy định hay làm gì thì học sinh cũng tuồn ra bên ngoài. Sau mỗi buổi học thì chúng lại vào và còn phá nhiều hơn” – một cô giáo chia sẻ trên các nhóm trao đổi hỗ trợ dạy học trực tuyến của cộng đồng giáo viên.

Những thành viên trong nhóm chia sẻ ID và pass phòng học trực tuyến phần nhiều là các học sinh - sinh viên. Ảnh: Zing

Chính vì vậy, trong công văn gửi đến các sở ban ngành, Bộ cũng yêu cầu cơ quan quản lý phải "xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet", trong đó không chỉ hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hànhlớp học trực tuyến đối với giáo viên; mà còn phải nêu rõ trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến

Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, học sinh sinh viên và phụ huynh trong dạy học qua Internet.

Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự hỗ trợ của gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến, vì vậy Bộ “đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.”

Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, nếu những tình huống tiêu cực vẫn còn tiếp diễn, giáo viên, học sinh và phụ huynh “có thể cung cấp thông tin cho lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cũng như cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.”