Chiều 17/12, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã chính thức khai trương FabLab với mục đích tạo ra một “công xưởng sáng tạo" dành cho mọi học sinh, sinh viên trong và ngoài trường có chung niềm đam mê khoa học kỹ thuật.

Fablab USTH, được xây dựng với sự hỗ trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), là tổng hòa của 4 không gian: Không gian đào tạo, Không gian làm việc chung, Không gian thiết kế, và Không gian tiền sản xuất. Tại đây, sinh viên có thể tìm thấy các máy móc và công cụ hiện đại để hỗ trợ thử nghiệm, mô phỏng các ý tưởng sáng tạo và tìm tòi những kỹ thuật mới. Hệ thống trang thiết bị của FabLab USTH chủ yếu tập trung vào công nghệ in – cắt 3D, máy CNC, máy phay, máy tiện, bo mạch, các thiết bị tự động hóa (PLC), bo mạch Arduino, bảng vẽ điện tử Wacom, các phần mềm bổ trợ tư duy thiết kế mô hình 2D, 3D trước khi thực hiện tạo ra sản phẩm.

Không chỉ là không gian sáng tạo về mặt vật lý, FabLab USTH đang xây dựng một cộng đồng gồm những người cùng chung đam mê nghiên cứu, sáng tạo chia sẻ với nhau kỹ năng và kiến thức kỹ thuật, qua đó cùng thụ hưởng những lợi ích từ việc hợp tác.

GS
GS. Jean Marc Lavest (thứ 2 từ phải sang), PGS. TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng nhà trường (thứ 4 từ phải sang), GS. Etienne Saur - Hiệu trưởng chính nhà trường (thứ 2 từ trái sang) cắt băng khai trương Fablab USTH. Nguồn: USTH.

Là đơn vị tài trợ kinh phí chính cho việc xây dựng Fablab tại USTH, GS. Jean Marc Lavest - Giám đốc AUF khu vực Châu Á Thái Bình Dương - cho biết đây là dự án thứ 3 mà tổ chức này hỗ trợ trong khu vực. Theo ông, Fablab là nơi các sinh viên được đưa kiến thức từ giảng đường vào thực tế. "Quan trọng hơn, việc tăng cường chương trình đào tạo theo hướng thực hành cũng tăng khả năng tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên và tạo điều kiện cho giảng viên có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo mới tiên tiến và gần với thực tế hơn" - ông nói.

Đặc biệt, Fablab USTH không chỉ dành riêng cho sinh viên trong trường mà mở cửa cho tất cả các học sinh phổ thông và cả doanh nghiệp kỹ thuật. "Với các bạn học sinh PTTH, Fablab USTH sẽ là không gian thực hành thí nghiệm, bổ trợ cho chương trình STEM mà các bạn được giảng dạy tại nhà trường, ươm mầm tinh thần 'can-do'," TS Nguyễn Xuân Trường - chủ nhiệm dự án - cho biết. "Bên cạnh đó, nếu đang tìm kiếm một nơi sản xuất prototype với chi phí rẻ và chất lượng cao, các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm, dự án mà các nhóm sinh viên triển khai trong Fablab. Chúng tôi tự hào là Fablab đầu tiên tại Việt Nam có sự kết nối với khối doanh nghiệp cũng như cộng đồng khoa học quốc tế nhờ sự trợ giúp của AUF".

Sinh viên USTH giới thiệu về sản phẩm prototype được tạo ra tại Fablab USTH.
Sinh viên USTH giới thiệu về sản phẩm prototype được tạo ra tại Fablab USTH. Nguồn: USTH

Kể từ được được xây dựng vào năm 2018, dù chưa chính thức ra mắt công chúng, Fablab USTH đã liên tục có các hoạt động kết nối, thúc đẩy tinh thần sáng tạo ở mọi lứa tuổi như: Cuộc thi sáng tạo 24h Hackathon, Ngày hội STEM, các khóa học sử dụng máy in 3D, workshop về khởi nghiệp, tập huấn về áp dụng STEM trong giáo dục phổ thông…

GS. Etienne Saur - Hiệu trưởng chính của USTH - bày tỏ: "Với sự hợp tác của AUF, USTH tự hào khai trương không gian FabLab thứ 16 tại Việt Nam, cũng như quyết tâm phát triển không gian này thành cầu nối giữa các trường đại học, doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp và cá nhân để đánh thức niềm đam mê với sáng tạo và công nghệ trong cộng đồng".