Cho đến nay, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã thu thập được hơn 80.000 tài liệu hiện vật của 95 nhà sử học trong nước, nhưng những tài liệu vật chất dù bảo quản tốt đi chăng nữa thì cũng sẽ mai một theo thời gian, do vậy ngay từ bây giờ Trung tâm Di sản cần tiến hành số hóa toàn bộ các tư liệu quý giá ấy.

Đó là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại buổi tọa đàm “Sưu tầm và phát huy di sản của các nhà sử học Việt Nam” do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức.

Trải qua hơn một thập kỷ hoạt động, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã thiết lập phông lưu trữ của 1800 nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó lĩnh vực khoa học Lịch sử là 95 nhà khoa học. Tư liệu đến từ nhiều cơ quan khác nhau: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Viện Sử học, Viện Đông - Nam Á học, Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Đại học Đà Lạt, Đại học Sư phạm Huế; Hội Khoa học lịch sử Huế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng… Các loại hình tài liệu, hiện vật sưu tầm được cũng hết sức đa dạng, từ giấy tờ cá nhân, luận văn tốt nghiệp đại học của cố GS Phan Hữu Dật (một trong những nhà khoa học đầu tiên nhận bằng TS ở Liên Xô về chuyên ngành dân tộc học); cuốn sách chép tay để học chữ Phạn của GS Lương Ninh (người mở ra Bộ môn Ấn Độ học và Trung Quốc học ở trường ĐH KHXH&NV Hà Nội); hàng trăm bức thư trao đổi về các vấn đề chuyên môn của GS Đặng Nghiêm Vạn (một trong những nhà dân tộc học đầu ngành ở Việt Nam) với đồng nghiệp quốc tế;….

Những sưu tập tài liệu, hiện vật mà các nhà khoa học trao tặng cho Trung tâm Di sản không chỉ phản ánh quá trình học tập, lao động của họ, mà còn góp phần làm rõ bức tranh sử học Việt Nam qua từng thời kỳ.

Những tài liệu, ảnh tư liệu mà GS Vũ Dương Ninh (nguyên Chủ nhiệm khoa Quốc tế học, Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN) trao tặng cho Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong buổi lễ tiếp nhận diễn ra cùng ngày. Ảnh: MEDDOM.

Khẩn trương phối hợp với các viện, trường thu thập tư liệu

Để đạt được những kết quả đó, tính đến nay, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã thực hiện hàng trăm buổi phỏng vấn, ghi âm, trò chuyện cùng các nhà khoa học, cũng như gia đình, học trò của họ. Tuy nhiên, PGS.TS Đào Tuấn Thành - Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng việc cần phải ưu tiên trước mắt đó là “khẩn cấp sưu tầm tư liệu của các nhà sử học đã lớn tuổi trước khi họ mất, vì sau khi nhà khoa học mất thì công việc của Trung tâm sẽ vất vả hơn nhiều. Chính nhà khoa học là người chỉ ra những nội dung liên quan đến tài liệu, hiện vật và những thông tin chưa được công bố, chưa được giải mã.” Thế hệ các nhà sử học đầu tiên của khoa Lịch sử trường ĐH Sư phạm có rất nhiều nhưng tài liệu hiện vật cũng chưa được thu thập về Trung tâm. Chính vì vậy, “Khoa Lịch sử sẽ cố gắng kết nối với gia đình các nhà khoa học để kết hợp với Trung tâm để sưu tầm tư liệu các nhà khoa học này.” – ông cho biết.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Trần Đức Cường cho rằng Trung tâm cần đặt ra một lộ trình sưu tầm rõ ràng, nhưng trước mắt vẫn ưu tiên sưu tầm tư liệu của các nhà sử học trước khi họ mất đi. “Trung tâm nên liên hệ với Viện Sử học, để phối hợp xem cái gì có thể lưu giữ được ở Trung tâm Di sản và họ có thể cung cấp gì cho chúng ta lưu giữ? Cần phải có sự kết nối khẩn trương vì nhiều gia đình, con cái không theo ngành của các nhà khoa học.”

PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định sẽ lan tỏa hoạt động của MEDDOM trong giới sử học trong cả nước. Ảnh: MEDDOM.

Cũng đề cập đến việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan, theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Trung tâm nên hợp tác chặt chẽ với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để làm rõ thông tin của các nhà sử học; rồi hợp tác với các trường đại học để làm rõ đóng góp của các nhà khoa học đầu ngành nhưng ít được nhắc đến, đưa tên. “Phải có cách làm bài bản với các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học, có như vậy mới phản ánh được đầy đủ, trung thực về đóng góp của các nhà sử học Việt Nam.”

Số hóa tài liệu, hiện vật

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm cho biết Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang xây dựng một bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bảo tàng tương lai đó, các tài liệu - hiện vật cùng với các câu chuyện và ký ức của các nhà sử học sẽ giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ, hiểu được về cuộc sống, lao động khoa học, cống hiến… của các nhà nghiên cứu lịch sử nước ta trong những giai đoạn lịch sử khác nhau cũng như hiểu được sự hình thành và phát triển lĩnh vực khoa học này.

Một gia đình ba thế hệ đang lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu về các hiện vật trong khu trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” thuộc Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: MEDDOM.

PGS.TS Đào Tuấn Thành cho rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi ông nhận thấy cơ sở vật chất của Trung tâm đang dần được chuẩn hóa, “đó là điều kiện để phát huy rất tốt giá trị của Công viên trong việc giáo dục thế hệ trẻ về nghị lực vươn lên của các nhà khoa học, về trí tuệ của con người Việt Nam. Trung tâm đã làm được việc đưa học sinh đến đây tham quan, trải nghiệm là việc rất tốt và cần phát huy.”

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Trung tâm cần phải chú ý đến việc số hóa các tài liệu, hiện vật không chỉ của các nhà sử học, mà còn của các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, nhằm bảo tồn và truyền bá rộng rãi chân dung các nhà khoa học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết đây cũng là điều mà ông vô cùng trăn trở lâu nay. “Những tài liệu vật chất dù bảo quản tốt đi chăng nữa thì cũng sẽ mai một theo thời gian, do vậy số hóa những tài liệu này là việc làm vô cùng cần thiết.”

Theo PGS, các nhà khoa học có thể trao lại cho Trung tâm những tài liệu, hiện vật gốc. Trong trường hợp nhiều gia đình, nhà sử học muốn giữ lại những tài liệu chứ chưa thể trao ngay thì có thể cho phép Trung tâm Di sản scan lại, chụp lại các tư liệu đó để sử dụng vào việc Trưng bày. Đến khi gia đình không giữ nữa thì có thể trao tặng cho Trung tâm. “Nếu không làm như vậy thì tư liệu sẽ mất hết, mà di sản thì không chỉ của cá nhân, mà còn là tài sản của xã hội” – ông kết luận.