Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50.000 người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được chẩn đoán. Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam mở rộng chiến lược chẩn đoán lao 2X từ 7 ra 25 tỉnh/thành phố.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (trái) bắt tay với Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein tại hội thảo chuyên đề “Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Áp dụng Chiến lược 2X” ngày 15/12 ở Hà Nội | Nguồn: BTC
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (trái) bắt tay Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein tại hội thảo chuyên đề “Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Áp dụng Chiến lược 2X” ngày 15/12 ở Hà Nội | Nguồn: BTC

Ngày 15/12, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Chống lao Quốc gia của Việt Nam công bố tiếp tục mở rộng Chiến lược 2X với mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

2X là chiến lược mới trong chẩn đoán lao sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm Genexpert - một phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện vi khuẩn lao.

Việt Nam đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia chiếm gần 90% gánh nặng bệnh lao trên thế giới. Đây cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất tại Việt Nam. Theo nhận xét của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cam kết chính trị nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 với việc thành lập Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh Lao vào tháng 12/2019.

Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam ước tính có 170.000 người mắc lao, và chỉ có khoảng 100.000 người (tương đương 58,8%) được điều trị và ghi nhận trong Chương trình Chống lao Quốc gia. Điều này có nghĩa là khoảng 50.000 người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được chẩn đoán và 20.000 người được chẩn đoán nhưng không được báo cáo trong hệ thống lao quốc gia.

Dự án USAID SHIFT hợp tác với Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai thí điểm Chiến lược 2X một cách toàn diện tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng ở 18 huyện thuộc 7 tỉnh (Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang).

Chiến lược 2X sẽ được nhân rộng ra 25 tỉnh/thành phố trong tháng 12/2020. Địa bàn triển khai bao gồm các bệnh viện tuyến tỉnh (bệnh viện phổi và bệnh viện đa khoa) cũng như các trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện đa khoa huyện.