Các phát hiện mới có liên quan đến không gian trận địa Bạch Đằng nhận được sự quan tâm chú ý đặc biệt tại sự kiện lớn nhất trong năm của giới khảo cổ trong nước - Hội nghị thông báo những phát hiện mới khảo cổ học toàn quốc do Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH VN tổ chức tại Hải Phòng trong hai ngày 29-30/9.

Các nhà khoa học đã trình bày các báo cáo mới nhất về bãi cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng, (Thủy Nguyên, Hải Phòng), hai khu khai quật có hi vọng được chứng minh là một phần của trận địa Bạch Đằng chống quân Nguyên năm 1288.

Hai cuộc khai quật do nhóm TS. Bùi Văn Hiếu, TS. Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) thực hiện tại địa điểm Cao Quỳ đã phát hiện được 37 cọc gỗ, với 2 cụm gỗ và 22 hố cọc, 4 hố đất đen. Còn tại Đầm Thượng, cách Cao Quỳ khoảng 5km về phía Tây cũng phát hiện thêm 37 cọc gỗ khác. Hiện giờ, các xét nghiệm đồng vị phóng xạ C14 thực hiện tại Hà Nội đang cho thấy kết quả niên đại là khoảng từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV.

Hố cọc số 1 tại Bãi cọc Cao Quỳ được phủ một lớp cát và bạt chống thấm để bảo vệ. Tổng diện tích khu vực bảo tồn sẽ là 3ha. Ảnh: Tuấn Quang.

Xem xét hình thức cọc và địa hình địa thể của khu vực Cao Quỳ, “chúng tôi bước đầu cho rằng, di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một phần trận địa của trận Bạch Đằng năm 1288”, TS. Hiếu phát biểu. Tuy nhiên các kết luận hiện tại mới chỉ cho thấy, một số cọc đã được đóng sử dụng một lực rất lớn, trong khi một số cọc khác cho thấy dấu vết của việc đào hố chôn cọc – không có dấu vết của kỹ thuật “dộng lắc” như đã thấy tại các bãi cọc khu vực Quảng Yên. “Câu hỏi về cách thức đóng cọc là một câu hỏi cần phải được nghiên cứu, đặc biệt là với một di tích như Cao Quỳ”.

Cũng tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm nay, TP. Hải Phòng cũng giới thiệu kế hoạch bảo tồn di tích Bãi cọc Cao Quỳ nói riêng và tổng thể di tích Bạch Đằng tại Hải Phòng nói chung. Thành phố dự kiến thành lập một khu vực bảo tồn dài 21 km, rộng 2-3km, kéo dài từ Phà Rừng, dọc ngã ba sông Kinh Thầy – sông Đá Bạc. Tại địa điểm Cao Quỳ sẽ thành lập một khu trưng bày trên tổng diện tích 2000 m2, bao gồm một nhà bảo tàng và bãi cọc lộ thiên phủ mái che.

Hội nghị năm nay tập hợp một số lượng báo cáo lớn, với 336 báo cáo chia thành các tiểu ban khảo cổ học Chămpa – Óc Eo, khảo cổ học dưới nước, khảo cổ học lịch sử và khảo cổ học tiền sử. Một số báo cáo được chú ý nhiều là các phát hiện mới về di chỉ Vườn Chuối, do các nhà khảo cổ tại ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN thực hiện và là phát hiện lại về phế tích tháp Chăm Hòn Chuông của Bảo tàng Bình Định. Nằm ở độ cao 800m trên mực nước biển, tháp mới chỉ được biết đến từ năm 1993 và cho đến nay vẫn chưa thể tiếp cận để nghiên cứu chi tiết.