Đó là dự án “Ngân hàng máu di động" của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai và dự án “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” của nhóm học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - theo công bố của Ban tổ chức ISEF vào ngày 13/5.

Cụ thể, dự án “Ngân hàng máu di động” thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống do nhóm học sinh Trần Phong, Trần Mỹ Chi thuộc Trường THPT Chuyên Lào Cai thực hiện, đoạt giải ba hạng mục Working in Crisis and Conflict của USAID, trị giá 2.000 USD. Dự án hướng đến tạo ra một phần mềm kết nối giữa bệnh viện và các tình nguyện viên để những giọt máu có thể đến được với người bệnh nhanh nhất. So với các ứng dụng hỗ trợ hiến máu đã có, ứng dụng này còn sử dụng dịch vụ định vị của Google để kêu gọi và cấp cứu người trong trường hợp bệnh viện cần máu; áp dụng mô hình học máy để có thể dự đoán khả năng hiến máu lần tiếp theo của người dùng. Ứng dụng còn có bản đồ chỉ đường cho người hiến máu đến các bệnh viện nhanh nhất; căn cứ trên bản đồ định vị, bệnh viện có thể sử dụng chức năng gọi điện trực tiếp cho người hiến máu gần nhất.

Hai em Trần Phong và Trần Mỹ Chi (THPT chuyên Lào Cai) tập thuyết trình dự án “Ngân hàng máu di động” để tham gia cuộc thi ISEF 2022 sắp tới. Ảnh: Báo Lào Cai
Hai em Trần Phong và Trần Mỹ Chi (THPT chuyên Lào Cai) tập thuyết trình dự án “Ngân hàng máu di động” để tham gia cuộc thi ISEF 2022 sắp tới. Ảnh: Báo Lào Cai

Dự án “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi của nhóm học sinh Phạm Nguyễn Quang Huy, Phạm Nguyễn Gia Bảo (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) được trao học bổng Arizona State University ISEF Scholarship. Với học bổng này, học sinh được miễn học phí theo học đại học 4 năm tại Arizona State University (khoảng 33.000 USD/năm). Trong dự án này, các em đã nghiên cứu hành vi của con người, dựa trên lí thuyết, phân tích số liệu và phán đoán hành vi thông qua ý định, và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến các hành vi đó.

Một trong các sản phẩm của dự án là page Gen Z Tiêu Dùng Có Trách Nhiệm, nơi các em đăng tải thông tin về tác hại của những sản phẩm nhựa dùng một lần khi bị bỏ ra môi trường sống, cách nhận biết những vật dụng có thể tái chế, cách tái chế v.v.

(Từ trái qua phải) Thầy Trần Văn Huy - Tổ trưởng tổ Tự nhiên. Học sinh Phạm Nguyễn Quang Huy, học sinh Phạm Nguyễn Gia Bảo. Cô Cao Thanh Nga - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội).
Học sinh Phạm Nguyễn Quang Huy và học sinh Phạm Nguyễn Gia Bảo cùng các thầy cô trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: giaoduc.net

So với các dự án còn lại cùng thi trong năm nay của Việt Nam, hai dự án này không quá phức tạp về mặt nghiên cứu, thậm chí vẫn còn mắc một số lỗi về dịch thuật, tuy nhiên nhiều thành viên trong các cộng đồng học thuật trong nước đánh giá hai dự án đã “thể hiện góc nhìn nhân văn, có trách nhiệm với cộng đồng, với tương lai của thế hệ trẻ”.

Tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) năm 2022, Đoàn Việt Nam tham gia 7 dự án (13 học sinh), thuộc 7 lĩnh vực dự thi trên tổng số 21 lĩnh vực của ISEF 2022.

Hội thi năm nay có gần 1.300 dự án của 1.750 thí sinh đến từ 63 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia tranh tài. Tổng trị giá các giải thưởng trao cho các thí sinh vào chung kết lên tới gần 8 triệu USD, trong đó:

Robert Sansone (Fort Pierce, Florida, Mỹ) giành giải Nhất và nhận Giải thưởng George D. Yancopoulos Innovator Award trị giá 75.000 USD. Nghiên cứu của Robert hướng đến cải thiện mô-men xoắn và hiệu suất của động cơ điện từ đồng bộ, thay thế cho động cơ cảm ứng truyền thống. Robert hy vọng nghiên cứu của mình sẽ nâng cao tính bền vững cho quy trình sản xuất các loại xe điện không cần nam châm làm từ các nguyên tố đất hiếm.

Abdullah Al-Ghamdi (Dammam, Ả Rập Xê Út) đoạt Giải thưởng Regeneron Young Scientist Award trị giá 50.000 USD vì đã cải tiến vật liệu hữu cơ kim loại, giúp chiết xuất hydro từ nước và lưu giữ chúng an toàn để sản xuất năng lượng sạch. Quy trình này có giá thành tương đối rẻ, vì vậy nghiên cứu của Abdullah Al-Ghamdi có thể giúp giảm đáng kể chi phí khai thác và lưu trữ hydro.

Cũng nhận Giải thưởng Regeneron Young Scientist Award còn có Rishab Jain (Portland, Oregon, Mỹ) vì đã phát triển một mô hình AI cho phép sản xuất thuốc nhanh chóng, hiệu quả về mặt chi phí, chẳng hạn như sử dụng kỹ thuật DNA tổng hợp để tạo ra vaccine COVID-19 tái tổ hợp. Mô hình này được huấn luyện để tối ưu hóa việc lựa chọn mã di truyền trong DNA.

Nhóm các học sinh Napassorn Litchiowong, Chris Tidtijumreonpon và Wattanapong Uttayota (Mueang Chiang Mai, Thái Lan) nhận được Giải thưởng Gordon E. Moore trị giá 50.000 USD vì đã tạo ra một phương pháp nhanh chóng và chính xác trong chẩn đoán bệnh sán lá gan có thể dẫn đến ung thư đường mật ở người. Nhóm đã xây dựng và đào tạo phần mềm xác định trứng của ký sinh trùng trong hình ảnh phân người qua kính hiển vi với độ chính xác 98% và sau đó phát triển bảng câu hỏi sàng lọc nhanh có độ chính xác 91%.

Nguồn: