Mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan và tổ chức Trung ương đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn kém xa so với mức độ công khai ngân sách của địa phương - theo kết quả khảo sát MOBI 2021 được công bố mới đây.

MOBI 2021 khảo sát mức độ công khai ngân sách của 44 bộ, cơ quan Trung ương dựa trên 5 chỉ tiêu về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện tính liên tục của sáu loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Thông tư 61/2017/TT-BTC, Thông tư 90/2018/TT-BTC và Luật Tiếp cận thông tin, gồm: Dự toán ngân sách; Quyết toán ngân sách; Báo cáo tình hình thực hiện theo quý I, II, III và cả năm.

Theo kết quả vừa được công bố, mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương đã có sự cải thiện với điểm số MOBI 2021 trung bình là 30,9 điểm - tăng 9,26 điểm so với năm 2020.

Năm bộ ngành có điểm số cao nhất lần lượt là Bộ Tài chính (76,16 điểm), Đài Truyền hình Việt Nam (72,09 điểm), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (59,09 điểm), Bộ Khoa học và Công nghệ (54,6 điểm), và Bộ Giao thông vận tải (51,14 điểm).

Xếp hạng thấp nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (6,19 điểm).

Có 14 bộ, cơ quan Trung ương không có tên trong khảo sát MOBI 2021, đồng nghĩa với việc không có thư mục công khai ngân sách và không công khai các tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử (website) của đơn vị tại thời điểm khảo sát.
Kết quả chỉ số MOBI 2021 | Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Nguồn: MOBI 2021

"Việc sau gần một thập niên thực hiện Luật Ngân sách mới, các bộ, cơ quan Trung ương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai ngân sách theo tinh thần của Luật và các thông tư hướng dẫn là một thực tế đáng lo ngại trong quản trị nhà nước," PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, đại diện nhóm nghiên cứu, nhận định tại buổi livestream công bố báo cáo hôm 18/10 vừa qua.

"Như kết quả MOBI 2021 đã chỉ ra, vào thời điểm khảo sát gần nhất (31/3/2022), có tới 14/44 cơ quan trung ương không công khai bất cứ một tài liệu nào theo quy định của pháp luật. Các đơn vị có công khai thì đại đa số mức độ còn sơ sài, không đầy đủ. Mức điểm trung bình của MOBI 2021 chỉ đạt 30,9 tiếp tục gây thất vọng. Thử so sánh với việc công khai ngân sách của địa phương, thì các cơ quan trung ương đã đi sau rất nhiều…”, ông Thành nói thêm.

Cụ thể, chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021 là 69,53 điểm - cao hơn hai lần so với MOBI 2021. Hai chỉ số này được xây dựng với cùng một phương pháp và do cùng nhóm nghiên cứu độc lập thực hiện.

Các khảo sát công khai ngân sách do hai thành viên của Liên minh Minh bạch ngân sách là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thực hiện thường niên kể từ năm 2018.

Tải báo cáo đầy đủ tại MOBI 2021POBI 2021.

Phân tích chỉ số MOBI 2021

Về tính sẵn có, 30/44 cơ quan - chiếm gần 70% - đã công khai ít nhất một loại tài liệu ngân sách. Loại tài liệu được công bố nhiều nhất là dự toán ngân sách năm 2022, tiếp theo là quyết toán ngân sách năm 2020, cuối cùng là các báo cáo tình hình thực hiện theo từng quý và cả năm 2021.

Về tính kịp thời, chỉ có 7 đơn vị công bố đúng thời hạn về dự toán ngân sách và không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm.

Về tính đầy đủ, các đơn vị thường thiếu báo cáo thuyết minh hoặc không đầy đủ nội dung của các bảng biểu, nhất là các khoản mục chi từ cả ba nguồn: ngân sách trong nước, nguồn viện trợ, và nguồn vốn vay bên ngoài của đơn vị.

Về tính thuận tiện, phần lớn tài liệu được đăng ở dạng pdf và scan ảnh, chỉ có 3 đơn vị là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Dân tộc đã công khai các tài liệu có định dạng excel, tạo thuận tiện hơn cho người đọc..

Về tính liên tục, có 18 cơ quan (41%) công bố tài liệu dự toán ngân sách trong 3 năm liên tiếp và 15 cơ quan (34%) công bố tài liệu quyết toán ngân sách trong 3 năm liên tiếp.