Sổ tay cung cấp những thông tin các nhà quản lý và doanh nghiệp cần biết khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh nước này thay đổi chính sách xuất nhập khẩu, hạn chế tiểu ngạch và chuyển sang chính ngạch.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc diễn ra ngày 13/9 do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhằm tìm ra hướng đi cho các cá nhân, doanh nghiệp,… xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc – thị trường xuất khẩu nông thủy sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và đại diện các Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn ở các địa phương trên cả nước với khoảng 300 đại biểu tham dự.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh công bố và phát sổ tay cho các đại biểu trong hội nghị. Nguồn: KH&PT

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc nắm bắt những thông tin về xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc là điều hết sức cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong những năm gần đây có nhiều thay đổi.

"Việc Trung Quốc ban hành các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của nước ta sang thị trường này", ông khẳng định. Tiêu biểu là trong 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt mức 159,4 triệu USD, giảm 67,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thực trạng này, Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành khác tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phố biến các thông tin về quy định mới của Trung Quốc với các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu tới nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan.

"Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm hoặc cập nhật kịp thời để thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, xuất khẩu phù hợp, dẫn đến việc chưa tận dụng được tối đa các lợi thế từ Hiệp định ACFTA mang lại, thậm chí còn gây nên tình trạng hàng hóa không thể thông quan và ùn ứ tại cảng, cửa khẩu", Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Để giải quyết vấn đề trên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã tổng hợp các thông tin liên quan và biên soạn, xuất bản cuốn sổ tay "Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc", với 3 nội dung chính: đặc điểm thị trường nông thủy sản Trung Quốc; quy định của Việt Nam về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc; quy định về nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Đây là những thông tin cơ bản và rất hữu ích đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà quản lý ở địa phương muốn xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, trong phần phụ lục sổ tay còn cung cấp thông tin liên hệ của những tổ chức cấp C/O mẫu E - giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp cho hàng hóa Việt Nam để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (Hiệp định khung ACFTA), một trong những chứng từ quan trọng trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc. Đồng thời, sổ tay còn cung cấp thông tin một số doanh nghiệp nhập khẩu nông thủy sản của Trung Quốc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ trực tiếp nếu có nhu cầu kết nối.

500 cuốn sổ tay đã được in và phát miễn phí cho đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp đến tham dự hội nghị. Với lượng thông tin khá đầy đủ, cập nhật nhiều tài liệu mới, cuốn sổ tay đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các đại biểu. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng số lượng như vậy chưa đáp ứng nhu cầu, sổ tay nên được đăng tải lên mạng để tiện lợi hơn cho người đọc. Đại diện ban tổ chức cho biết đang chuẩn bị in thêm 1.000 cuốn sổ tay nữa để cung cấp cho những cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu.