Những năm 60 của thế kỷ trước. Mặc dù đất nước nhiều khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã sáng suốt gửi một số lớn học sinh sang các nước Xã hội Chủ nghĩa học tập. Sau 5 - 10 năm nước ta có đội ngũ cán bộ đại học, trên đại học đông đảo phong phú.
Nhiều nhà khoa học đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc: Các công trình phá thuỷ lôi, phá bom từ trường, vươn tầm tên lửa bắn B52, làm cầu bằng dây cho ôtô vượt sông ...
Nhân dịp toàn Đảng toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi xin giới thiệu một số công trình khoa học kỹ thuật của ngành điện ảnh thực hiện trong bối cảnh này.
Năm 1960, học sinh phổ thông Trần Quang Ngọc thi vào trường Điện ảnh, được cử đi học Liên Xô; năm 1965 tốt nghiệp Đại học Kỹ sư Điện ảnh Leningrát (nay là Saint Petersburg), được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, tốt nghiệp P. Tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) khoa học kỹ thuật ngành điện ảnh, năm 1969.
Lúc này cuộc chiến tranh ở miền Nam đang thời kỳ gay go ác liệt. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành điện ảnh nước ta rất nghèo. Tiến sỹ vừa tốt nghiệp, mới ra trường đã phải giải quyết ngay những vấn đề khoa học kỹ thuật chưa từng có tiền lệ trên thế giới, chỉ chiến tranh Việt Nam đặt ra. Một số công trình cụ thể:
Máy in phim ở chiến trường
Thời chiến tranh, các nghệ sỹ vào Nam ra trận như những chiến sỹ; nhiều người đã hy sinh. Điều đau xót là phim quay được bằng xương máu nghệ sỹ, khi chuyển ra Bắc lại bị bom đạn đánh phá làm mất trên đường Trường sơn. Để khắc phục được tình trạng này, giải pháp hữu hiệu là in phim ngay tại chiến trường, gửi ra Bắc.
Thiết bị in phim thường nặng hàng trăm kilogram, cần buồng tối, điện, đèn và nhiều thiết bị phục vụ. Đưa máy vượt Trường sơn là chuyện khó, sử dụng thiết bị nặng, trên chiến trường cài răng lược luôn biến động còn khó hơn. Tiến sỹ Ngọc đã chế tạo một máy in đặc biệt chỉ nặng khoảng 4 kilôgram, đủ tính năng cơ bản để in phim, không cần điện, đèn, buồng tối và thiết bị phục vụ phức tạp máy đã được đưa vào Nam, in được nhiều phim và hoạt động tốt đến ngày chiến thắng.
Sản xuất phim 8mm
Trong bối cảnh Chính quyền miền Nam không kiểm duyệt phim nghiệp dư 8 mm. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trương sản xuất loại phim này đưa vào Nam phục vụ đấu tranh chính trị; và giao cho Bộ Văn hoá, Cục Điện ảnh thực hiện. Nhưng do không nhập được thiết bị, nên không thực hiện được chủ trương đó.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Phan Trọng Quang đã thông báo chủ trương sản xuất phim 8mm với Tiến sỹ Trần Quang Ngọc và ông đã nhận trách nhiệm sản xuất loại phim này không cần chờ thiết bị ngoại.
Hai ngày sau, Cục trưởng mời Tiến sỹ Ngọc lên Cục, làm việc với Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ về việc sản xuất phim 8 mm. Phó Thủ tướng nói rõ ý nghĩa việc đưa phim vào Nam phục vụ đấu tranh chính trị, và khẳng định làm tốt việc này sẽ đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam.
Sau một thời gian, Tiến sỹ Ngọc báo cáo Cục trưởng kết quả nghiên cứu, mời Phó Thủ tướng xuống xem phim: Chất lượng phim ta làm không kém phim ngoại, số lượng có khả năng đáp ứng yêu cầu đấu tranh chính trị ở miền Nam.
Dây chuyền công nghệ của ông chế tạo dựa trên trang thiết bị sẵn có và tự chế tạo, Nhà nước không phải đầu tư, không giống bất cứ của nước nào. Nếu chờ thiết bị ngoại sẽ tốn hàng triệu USD, không biết bao giờ mới có.
Chế tạo hệ thống thiết bị sản xuất phim có tiếng
Ban đầu xưởng phim của Mặt trận Dân tộc Giải phóng mới làm được phim “câm”. Miền Bắc chủ trương chi viện cho Xưởng phim Giải phóng hệ thống thiết bị sản xuất phim có tiếng. Tiến sỹ Ngọc được giao trực tiếp thiết kế chế tạo máy in hình in tiếng phim hàng loạt.
Năm 1972 Cục Điện ảnh đã nhận được bộ phim có tiếng đầu tiên của Xưởng phim Giải phóng đã được sản xuất trên hệ thống máy này.
Sáng chế máy chiếu phim liên tục
Để chiếu dược bộ phim dài, cho đến những năm 1970 cả thế giới vẫn chiếu phim liên tục bằng hai máy.
Miền Bắc nước ta khi đó có hàng ngàn đơn vị chiếu bóng lưu động chỉ có một máy chiếu. Buổi chiếu phải dừng lại thay phim nhiều lần.
Năm 1972, TS. Trần Quang Ngọc chế tạo thành công cơ cấu tự động thay phim, dùng chiếu phim liên tục bằng một máy; cơ cấu đơn giản, hoạt động chính xác, được xã hội chấp nhận.
Năm 1982, Cục Sở hữu Trí tuệ gửi công trình sang tổ chức Phát minh Sáng chế Quốc tế (OMPI) và Uỷ ban Phát minh Sáng chế Liên xô xét nghiệm, được công nhận là sáng chế Quốc tế.
Như vậy, vấn đề kỹ thuật được thế giới đề ra từ hơn nửa thế kỷ trước, lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, được thế giới công nhận.
Phương pháp kẹp chi tiết đặc biệt
Thời chiến tranh, chiến trường yêu cầu cót máy quay 16 mm, nhưng miền Bắc chỉ có cót 35 mm. Vật tư kỹ thuật Cục điện ảnh liên hệ nhiều nơi không đâu xử lý được. TS. Ngọc dùng bột sắt kẹp chi tiết trên băng từ. Cót được xử lý đúng yêu cầu, kịp gửi vào Nam.
Chế tạo bộ phát tiếng phim máy chiếu.
Máy chiếu phim Việt Nam sản xuất theo mẫu Liên xô; một số bộ phận phải nhập ngoại. Có năm không nhập được bộ phát tiếng phim, máy không xuất xưởng được. TS. Ngọc đề xuất giải pháp thay thế không giống Liên xô, Trung quốc; chất lượng được hội đồng công nhận là không kém mà giá thành bằng 1/10.
Cải tạo máy nổ - phát điện
Máy nổ-phát điện AB-1 của Việt Nam sản xuất theo mẫu Liên Xô hoạt động không tốt. Năm 1979 yêu cầu phục vụ chiến tranh biên giới và mạng lưới cấp thiết, máy bị hỏng hàng loạt.
Bộ Văn hoá-Thông tin yêu cầu Cục Điện ảnh, Xí nghiệp Thiết bị Văn hoá, Công ty vật tư phối hợp giải quyết gấp việc này. Chuyên gia nhiều lần sang làm việc với nhà máy Cơ khí Chính xác, Bộ Cơ khí và Luyện kim, nơi sản xuất máy, nhưng không có kết quả.
Tiến sỹ Trần Quang Ngọc được mời về giải quyết, đã thay thế phần máy nổ trong cụm máy AB-1 ta chế tạo hay hỏng, bằng máy nổ BS-3 Mỹ có nhiều ở nước ta khi đó. Thiết kế đơn giản, nhanh chóng đưa các đội chiếu bóng mặt trận và mạng lưới trở lại hoạt động.
Công trình được Uỷ ban KHKT Nhà nước cấp chứng nhận quyền tác giả; Triển lãm thành tựu Kinh tế-Kỹ thuật VN tặng Huy chương Đồng.
Sản xuất đèn hồ quang chiếu bóng
Thời gian cấm vận không nhập được đèn hồ quang, nhiều rạp đã đóng cửa. Tiến sỹ Trần Quang Ngọc lập quy trình công nghệ sản xuất đèn từ trang thiết của các cơ sở khác nhau; cải tạo máy sẵn có (đa phần), chế tạo thêm máy mới (thật cần thiết).
Để có nguyên liệu sản xuất. Tiến sỹ Ngọc hợp đồng với Liên đoàn địa chất khai thác quặng đất hiếm của ta; phối hợp với đại học Bách khoa, Tổng hợp điều chế các chất cần thiết; hợp đồng với Viện Luyện kim Màu và Nguyên tố hiếm sản xuất số lượng lớn các hợp chất này.
Bằng cách đặt hàng gia công các cơ sở, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu đèn hồ quang của ngành Điện ảnh, ngành In và các ngành công nghiệp khác, không yêu cầu Nhà nước đầu tư thiết bị, nhà xưởng, tuyển công nhân ...
Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Chiều bóng Hà Nội đánh giá: Công trình đèn hồ quang đã cứu sống mạng lưới chiếu bóng.
Công trình được Uỷ ban KHKT Nhà nước cấp chứng nhận quyền tác giả; Triển lãm thành tựu Kinh tế-Kỹ thuật VN tặng Huy chương Bạc.
Chế tạo máy chiếu phim mẫu
Máy chiếu phim Việt Nam sản xuất theo mẫu máy KH-11 Liên xô từ năm 1950. Tiến sỹ Trần Quang Ngọc phối hợp Viện Kỹ thuật Điện ảnh với Xí nghiệp Thiết bị, Công ty vật tư đưa ba sáng chế của mình vào để chế tạo máy chiếu phim Việt Nam có ưu điểm khác biệt so với các máy đương thời: Một máy chiếu liên tục cả bộ phim, chế tạo đơn giản, chất lượng tiếng phim và tuổi thọ của phim được nâng cao.
Ghi phụ đề phim nhựa
Thời kỳ hội nhập, cần làm phụ đề phim xuất khẩu. Nhà nước đã đầu tư kinh phí mua thiết bị, cử người đi học, mời chuyên gia. Do nhiều nguyên nhân, công việc không thực hiện đúng kế hoạch.
Tiến sỹ Trần Quang Ngọc đề xuất phương pháp làm phụ đề phim kiểu lộ sáng sử dụng trang thiết bị sẵn có; kịp làm phim dự liên hoan Quốc tế, đáp ứng yêu cần sản xuất của ngành. Công trình đã được Cục Sáng chế cấp bằng Độc quyền Giải pháp hữu ích.
Sáng chế cơ cấu chuyển phim máy chiếu
Trong cơ cấu chuyển phim máy chiếu, có một số vấn đề được kỹ thuật, điện ảnh thế giới đề ra từ lâu. Tác giả giải quyết vấn đề này với mục đích áp dụng vào máy chiếu Việt Nam, nâng cao tính ưu việt của máy.
Công trình được Nhà nước cấp bằng sáng chế Quốc tế số 036.
Sáng chế cơ cấu tách phim tự động
Sáng chế này cùng mục đích với Sáng chế cơ cấu chuyển phim máy chiếu; được Uỷ ban KHKT Nhà nước cấp bằng sáng chế số 062.
Nghiên cứu làm kỹ xảo phim nhựa
Từ lâu ngành Điện ảnh dự định xây dựng bộ phận làm kỹ xảo phim nhưng không được vì thiết bị đắt tiền. Tác giả thử làm việc này bằng trang thiết bị sẵn có và tự chế tạo.
Một số kỹ xảo đã được quay thành phim. Tác giả đã chỉ ra nhiều cảnh kỹ xảo có khả năng thực hiện ở nước ta.Công trình được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc, được Bộ Văn hoá-Thông tin ra Quyết định khen thưởng.
Ghi thuyết minh và lồng tiếng dân tộc vào phim.
Đồng bào dân tộc nhiều người không biết tiếng kinh. Các đội chiếu bóng ít người biết tiếng dân tộc. Chiếu phim không thuyết minh hiệu quả kém. Tiến sỹ Ngọc đã tiến hành ghi thuyết minh và lồng tiếng dân tộc vào phim.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch cùng Hội đồng Dân tộc Quốc hội kỳ họp thứ 5 khoá IX, đã đến Viện nghe báo cáo, xem phim; hoan nghênh, yêu cầu triển khai nhanh phục vụ đồng bào các dân tộc.
“Thử nghiệm mô hình quản lý mới”
Hoạt động khoa học trong bao cấp hiệu quả kém. Tiến sỹ Trần Quang Ngọc vận dụng chủ trương đổi mới đề xuất đề tài: “Thử nghiệm mô hình quản lý theo cơ chế mới tiến hành các hoạt động khoa học kỹ thuật không dựa vào ngân sách Nhà nước”.
Đề tài tạo ra mô hình quản trị tự chủ không tiêu phí tiền Nhà nước; tiền làm đề tài nhận từ khách hàng qua cơ chế thị trường; tiền xây dựng cơ sở huy động vốn góp. Đề tài được sự đồng tình ủng hộ của các nhà khoa học, các cơ quan Đảng, Nhà nước, tới Thủ tướng Chính phủ …
Năm 2012 với Cụm công trình: “Nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ ngành điện ảnh phục vụ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và phục hồi kinh tế sau chiến tranh”. PGS.TS Trần Quang Ngọc đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.