Giấc ngủ dài quá 9 giờ mỗi đêm nếu được lặp lại thường xuyên sẽ làm tăng 44% nguy cơ tử vong ở con người - cao hơn cả mối đe dọa từ thói quen lạm dụng rượu.

Đó là kết quả một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia vừa được công bố trên tạp chí y khoa PLoS Medicine (Mỹ).

Một giấc ngủ khoa học sẽ giúp con người tránh được nhiều loại bệnh và giảm nguy cơ tử vong. Ảnh: Ask4biology
Một giấc ngủ khoa học sẽ giúp con người tránh được nhiều loại bệnh và giảm nguy cơ tử vong. Ảnh: Ask4biology

Trước nay, chúng ta vốn chỉ biết đến 5 hành vi làm tăng nguy cơ tử vong là uống quá nhiều rượu, hút thuốc, ăn uống kém, ít hoạt động và ngồi quá nhiều.

Tuy nhiên, một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney (Australia) thực hiện mới đây đã chỉ ra thêm một yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong, đó là thói quen ngủ một giấc dài hơn 9 giờ hoặc ít hơn 7 giờ mỗi đêm (một người lớn trung bình cần từ 7,5 đến 8 giờ cho giấc ngủ đêm - PV).

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 230.000 đối tượng trong độ tuổi từ 45 trở lên trong thời gian 6 năm. Đây là nghiên cứu có số người được khảo sát lớn nhất từng thực hiện tại Australia.

Kết quả cho thấy, những người ngủ nhiều hơn 9 giờ mỗi đêm sẽ có thêm 44% nguy cơ tử vong - tức là cao hơn 8% so với những người thói quen uống nhiều rượu.

Chưa hết, thời gian ngủ không khoa học kết hợp với các hành vi xấu như lạm dụng rượu, hút thuốc, ăn uống kém, ít hoạt động và ngồi quá nhiều càng khiến tình trạng sức khỏe trở nên xấu thêm.

Thậm chí, nguy cơ tử vong sẽ tăng đến 4 lần (so với những người có thói quen sinh hoạt lành mạnh) ở những đối tượng sở hữu cả 3 thói quen xấu: Ngủ không khoa học (nhiều hơn 9 giờ hoặc ít hơn 7 giờ mỗi đêm), ngồi quá nhiều (hơn 7 giờ mỗi ngày) và hoạt động thể chất không đủ (ít hơn 150 phút mỗi tuần).

“Sự kết hợp giữa hành vi ít vận động, thời gian ngủ không khoa học và thói quen hút thuốc lá, uống rượu nhiều có liên quan chặt chẽ tới tất cả các nguyên nhân gây tử vong. Thời gian qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc ngồi quá nhiều là không tốt, cũng như tác động của giấc ngủ không lành mạnh đối với sức khỏe của chúng ta, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy tác động đồng thời của cả hai yếu tố này” - tiến sĩ Melody Ding thuộc nhóm nghiên cứu nói.

Giáo sư Adrian Bauman - một thành viên khác của nhóm - cho biết: “Chúng ta cần tập trung làm rõ cách thức những yếu tố nguy cơ này kết hợp với nhau thay vì nghiên cứu từng yếu tố đơn lẻ như hiện nay. Càng hiểu biết nhiều, chúng ta càng có khả năng ứng phó tốt với vấn đề này”.

Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng việc “ngủ nướng” có thể gây ra các loại bệnh như tiểu đường, béo phì, đau đầu, trầm cảm, giảm trí nhớ, giảm thính lực, tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim…

Ngoài việc điều chỉnh thời gian ngủ hợp lý, các chuyên gia khuyên mọi người nên tạo thói quen thư dãn trước khi ngủ, tránh uống rượu hay ăn trước lúc ngủ, đi ngủ và thức giấc đúng giờ.