ĐH Quốc gia Seoul buộc phải quốc tế hóa hoạt động đào tạo và nghiên cứu của mình, nếu không muốn trở thành “nạn nhân” của cuộc khủng hoảng già hóa dân số tại Hàn Quốc.

Giữa tháng này, ĐH Quốc gia Seoul (SNU) và ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-TP.HCM) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, với điểm nhấn là hai bên sẽ phát triển chương trình đào tạo song bằng. Cụ thể, sinh viên của SNU và ĐHQG-TP.HCM có thể tham gia chương trình trao đổi trong 1-2 học kỳ, và các tín chỉ tích lũy trong thời gian này sẽ được công nhận khi trở về nước.

“Tôi nghĩ mình sẽ cân nhắc khuyên con đăng ký học trường ĐHQG-TP.HCM. Không dễ để có cơ hội học ở SNU - dù chỉ là vài học kỳ”, một phụ huynh tại Bình Dương chia sẻ với phóng viên KH&PT. Song sự kiện ký kết lần này không phải là một dự án hợp tác đơn thuần, mà rất có thể là bước đệm để SNU tiến đến thảo luận về kế hoạch thành lập cơ sở liên kết, chẳng hạn một phân hiệu của SNU đặt tại ĐHQG-TP.HCM!

Được thành lập vào năm 1946, SNU là đại học quốc gia đầu tiên tại Hàn Quốc. Đây là một trong các đại học hàng đầu châu Á và thuộc Top 50 đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS 2023. Người dân Hàn Quốc thường quan niệm rằng đỗ vào SNU đồng nghĩa với việc cuộc đời bạn đã sang trang khác - bằng tốt nghiệp tại ngôi trường này là bảo chứng cho thấy bạn là người tài giỏi, có năng lực. Do vậy, vào mỗi đợt tuyển sinh, các sĩ tử lại “mất ăn mất ngủ” lao vào giải đề, với mong muốn trở thành sinh viên SNU.

Vì lẽ đó, nhiều người không khỏi băn khoăn: Cớ gì một ngôi trường danh giá bậc nhất Hàn Quốc lại quan tâm đến việc đặt phân hiệu ở Việt Nam, chứ không phải ở những nước phát triển với trình độ cao?

Hoạt động đón Tết của các sinh viên Việt Nam tại SNU vào năm 2013. Nguồn: Fanpage Hội Sinh viên Việt Nam tại ĐH Quốc gia Seoul

Quốc tế hóa hoạt động đào tạo

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải ngược thời gian trở lại bốn tháng trước - thời điểm SNU công bố báo cáo kế hoạch phát triển trung và dài hạn với tầm nhìn đến năm 2040. Một mục quan trọng trong báo cáo này là việc trường “nên mở rộng cơ hội cho sinh viên học tập ở nước ngoài, thúc đẩy toàn cầu hóa một cách chiến lược”, đồng thời “khuyến khích xây dựng các cơ sở ở nước ngoài dưới nhiều hình thức”, bao gồm đề xuất “đặt mục tiêu thành lập một trường đại học cùng với Đại học Quốc gia-HCM”(1).

Chia sẻ với tờ JoongAng Daily(2) cách đây hai tháng về đề xuất này, TS. Oh Se-jung, Hiệu trưởng SNU, cho biết, trường đang thảo luận về ý tưởng các sinh viên Việt Nam sẽ hoàn thành chương trình đại học tại cơ sở liên kết, sau đó tiếp tục sang Hàn học cao học tại SNU. “Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian dài để làm được điều đó, có lẽ là 10 năm”, ông dự đoán.

Đây là cách để SNU thu hút những sinh viên xuất sắc theo học tại trường. Từ trước đến nay, SNU vẫn nhận sinh viên nước ngoài vào các chương trình sau đại học, nhưng giới hạn số lượng nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. “Nhiều sinh viên nước ngoài vẫn có trình độ rất thấp sau khi tốt nghiệp trường sở tại”, một giảng viên giấu tên thuộc SNU cho hay. Việc đào tạo sinh viên ở Việt Nam theo chương trình giáo dục Hàn Quốc là cách để SNU đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực ngay từ đầu, trước khi đưa sinh viên sang Hàn Quốc học cao học.

Vì sao lại là Việt Nam? Bên cạnh việc “hệ thống đại học của Hàn Quốc hoàn toàn phù hợp với cơ cấu nhân khẩu học và giai đoạn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam” như nhận định của ông Cho Young Tae - giáo sư SNU, nguyên cố vấn về chính sách dân số cho Chính phủ Việt Nam) trên nhật báo Maeil(3); lý do SNU chọn Việt Nam làm điểm đặt phân hiệu đầu tiên còn vì Hàn Quốc là mô hình tiềm năng để sinh viên tại các nước đang phát triển (như Việt Nam) có thể học hỏi.

“Tôi nghĩ các em sinh viên tài năng muốn du học thường sẽ chọn Mỹ hoặc Nhật Bản là điểm đến lý tưởng. Nhưng Hàn Quốc cũng có nhiều thế mạnh độc đáo”, TS. Oh Se-jung nói. “Điều khiến Hàn Quốc trở nên đặc biệt đó là chúng tôi đã nhanh chóng chuyển mình từ một quốc gia đang phát triển thành một quốc gia phát triển”. Ông thừa nhận rằng sự phát triển quá nhanh đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực, nhưng đồng thời vô số giải pháp tích cực đã được hình thành để giải quyết các vấn đề đó. “Và tôi tin rằng các em sinh viên từ các nước đang phát triển sẽ rút ra được bài học hữu ích từ những gì đã xảy ra tại Hàn Quốc”.

Cơ sở liên kết tại TP.HCM, nếu thành hiện thực, sẽ trở thành cơ sở đại học chính thức ở nước ngoài đầu tiên do SNU thành lập. Sau khi cơ sở tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, SNU sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho các trường đại học liên kết ở các nước đang phát triển khác, trong đó có Ethiopia và Mông Cổ. Báo chí Hàn Quốc cho hay SNU đã và đang thảo luận hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quản lý và hành chính công, và Ethiopia trong lĩnh vực kỹ thuật. Với Mông Cổ, SNU đang thảo luận với Đại học Quốc gia Mông Cổ về hướng đi phù hợp.

Để chuẩn bị cho những mục tiêu quốc tế hóa này, SNU đã bổ nhiệm một giáo sư nước ngoài làm phó trưởng khoa về các vấn đề quốc tế. “Chúng tôi mong muốn có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sinh viên và giảng viên quốc tế trong trường”, vị hiệu trưởng chia sẻ.

Ứng phó với tương lai già hóa

Thực chất việc quốc tế hóa hoạt động đào tạo là một trong số những phương án sáng tạo mà các trường đại học Hàn Quốc đang thực hiện để thu hút sinh viên cao học trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại nước này giảm mạnh. SNU dự báo đến năm 2030, số sinh viên cao học Hàn Quốc sẽ vô cùng ít ỏi. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, dân số trong độ tuổi sinh viên của nước này được dự đoán sẽ giảm mạnh xuống còn 1,87 triệu vào năm 2030 so với 2,26 triệu vào năm ngoái(4).

Cùng với tình hình nhân khẩu học, các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế cũng đẩy SNU vào tình thế buộc phải thay đổi. Theo một khảo sát gần đây với các giáo sư, sinh viên, nhân viên và cựu sinh viên của SNU1, 30-40% số người được hỏi trả lời rằng danh tiếng của trường đã giảm trong 10 năm qua. Hơn một nửa số người được hỏi cho rằng trong 10 năm tới, danh tiếng của trường sẽ còn giảm nhiều hơn nữa.

Dù TS. Oh Se-jung lý giải rằng “khảo sát phản ánh cách các thành viên của trường nhìn nhận danh tiếng trong nước của SNU chứ không phải danh tiếng quốc tế, bởi vì chúng tôi hiện đang lên trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS”, nhưng rõ ràng nhà trường đã ý thức được đây là thời điểm để đặt ra các mục tiêu mới nhằm cải thiện chất lượng của trường.

Báo cáo kế hoạch phát triển trung và dài hạn của SNU bao gồm tám phần: tầm nhìn, giáo dục, nghiên cứu, hỗ trợ và phúc lợi sinh viên, toàn cầu hóa và đóng góp xã hội, các cơ sở của trường, tài chính và hệ thống điều hành đại học. Ngoài ra, đã có hơn 100 cuộc họp, hội nghị và khảo sát để thu thập tiếng nói và mong muốn của giảng viên, sinh viên, nhân viên và chuyên gia bên ngoài.

Đã 15 năm kể từ báo cáo cuối cùng trình bày kế hoạch phát triển dài hạn của SNU. Ông Yoo Shin-yeol, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thuộc Đại học Korea (KU) nhận định trên tờ UNN(5) rằng báo cáo mới đây là một “báo cáo thẳng thắn”, “hệt như một bản tự kiểm điểm” vào “thời điểm mà tất cả các trường đại học đang cạnh tranh quảng bá thành tích hoặc kế hoạch kinh doanh của mình trên khắp các trang mạng”. Ông bày tỏ sự hoan nghênh trước nỗ lực của SNU vì đã “bình tĩnh suy nghĩ về tương lai thay vì chỉ quan tâm đến việc cạnh tranh”. “Tôi hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để các trường đại học khác cùng tham gia, cùng xem xét lại bản chất của các trường đại học, và cùng nhau tìm ra hướng đi đúng đắn”.

Quả thật SNU không phải là trường hợp duy nhất “đau đầu” với cuộc khủng hoảng dân số. Trong số 118 trường đại học tư thục trên toàn quốc, 85 trường (72%) ghi nhận thua lỗ vào năm 2020. Tổng mức thâm hụt của 85 trường đại học này là 420 tỷ Won, tăng 54% so với năm 2019. Ở các vùng nông thôn, rất nhiều trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu. Được biết, khoảng 10 trường đại học trong nước tuyển sinh chính quy năm học 2022 kém hiệu quả. Đại học Shilla ở Busan và Đại học tỉnh Jeonnam giảm chỉ tiêu tuyển sinh và sáp nhập các khoa.

Trước thực tế này, các trường đại học trên khắp Hàn Quốc sẽ phải đề ra cho bản thân những hướng đi phù hợp nếu không muốn rơi vào khủng hoảng. Ông Cho Young Tae cho rằng một trong những phương án chắc chắn phải thực hiện đó là hình thành nên các cơ sở liên kết của ba trường đại học hàng đầu Hàn Quốc (Đại học Quốc gia Seoul - SNU, Đại học Hàn Quốc - KU, Đại học Yonsei) tại Việt Nam.

Quay trở lại câu chuyện hợp tác giữa ĐHQG-TP.HCM và SNU, ông Cho Young Tae tiết lộ rằng việc xây dựng phân hiệu của SNU tại Việt Nam mới chỉ dừng lại là quyết định nội bộ ở Hàn Quốc, chứ chưa phải là quyết định chính thức bên phía Việt Nam.

Sau khi ký kết biên bản đào tạo song bằng, hai đại học sẽ tiếp tục thảo luận và đàm phán sâu hơn về các nội dung ký kết. Theo kế hoạch, hai bên sẽ phối hợp thành lập bộ phận chuyên trách để xây dựng kế hoạch triển khai và quy trình cụ thể cho chương trình hợp tác. Và rất có thể, nếu đúng như dự định của SNU, đây sẽ là bước quan trọng để nhà trường thăm dò khả năng hiện thực hóa tham vọng vươn ra quốc tế của mình.

Nguồn tham khảo:
[1] Báo cáo kế hoạch phát triển trung và dài hạn của SNU
https://now.snu.ac.kr/category/3/203
[2] https://koreajoongangdaily.joins.com/2022/10/20/national/kcampus/korea-snu-seoul-national-university/20221020163637469.html
[3] https://www.mk.co.kr/news/economy/10348311
[4] ​​https://www.newdaily.co.kr/site/data/html/2022/08/16/2022081600227.html
[5] https://news.unn.net/news/articleView.html?idxno=533175