Việc bổ sung công suất mới mỗi năm và phát triển lưới truyền tải điện đều đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ mà khu vực công không thể đảm nhiệm hết. Nhưng các biện pháp giải quyết vấn đề vốn cho thị trường điện đang gặp những thách thức về cơ chế và nhận thức của xã hội.


Sau cơ chế giá FIT ổn định, các dự án điện mặt trời nếu không kịp được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 sẽ phải đấu thầu về giá | Ảnh minh họa: Nhà máy điện Đa Mi/TDVN

Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hiện phụ thuộc vào thủy điện (35%) và nhiệt điện than (34%). Thế nhưng các loại nguồn này đều đang tới hạn và có khả năng gây ảnh hưởng tới môi trường.

Các nhà quản lý dự kiến ban hành Quy hoạch điện VIII vào năm tới, với hy vọng có thể chuyển dịch cơ cấu nguồn điện theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng trong bất kỳ tình huống nào, kể cả biến động nguồn cung, nguồn cầu hay thiên tai thảm họa và đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, dự thảo Quy hoạch điện VIII giảm dần công suất lắp đặt của nhiệt điện than xuống mức 18% vào năm 2045, chỉ phát triển các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị đầu tư. Thủy điện giảm xuống còn khoảng 9%.

Ngược lại, tỷ trọng các loại điện khí sẽ tăng mạnh lên 25% do đây là nguồn ổn định, sạch và hiệu suất cao. Các nguồn năng lượng tái tạo sạch như điện mặt trời (trang trại và áp mái) và điện gió (gần bờ và ngoài khơi) sẽ lần lượt ở mức 19% và 22%, với điều kiện khi đó đã phát triển được các phương thức vận hành hệ thống tiên tiến khắc phục được tính bất ổn của loại hình này.

Các nguồn điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt như pin tích năng, thủy điện tích năng, động cơ đốt trong ICE để dự phòng hệ thống sẽ chiếm khoảng 3%. Điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác chiếm khoảng 2% và điện nhập khẩu giữ ở mức 2%.

Tư nhân sẽ được tham gia đầu tư lưới điện?

Tuy có thể đa dạng được nguồn cung, nhưng các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại trước một vấn đề khác là nguy cơ mất cân bằng cung cầu. Theo dự báo, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra, giai đoạn 2021-2030, mỗi năm cần đưa thêm 5.000 - 6.000 MW công suất mới vào hệ thống (tương đương công suất 2-3 nhà máy thủy điện Hòa Bình).

Việc phát triển lưới truyền tải điện cũng trở thành một thúc bách. Các nhà quản lý đặt mục tiêu đến năm 2030, các lưới điện đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 (tức bảo đảm khi một phần tử bị sự cố thì hệ thống còn lại vẫn hoạt động an toàn) và từng bước hình thành lưới điện thông minh khiến hệ thống tự vận hành mà không cần người thường trực.


Hệ thống truyền tải điện hiện nay tại một số địa phương có khả năng bị quá tải khi tiếp nhận điện mặt trời | Ảnh: EVN


Những công việc này đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ. Tại “Diễn đàn an ninh năng lượng cho phát triển bền vững” ngày 22/12, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết, khối lượng đầu tư trung bình hằng năm cần "cao gấp 2 lần năng lực hiện tại”, do vậy khu vực công không thể đảm nhiệm hết.

Chính vì thế, các nhà quản lý năng lượng đang thúc giục Quốc hội và Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội và thiết lập các cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư đảm bảo công bằng, minh bạch.

Họ cũng đề xuất cần có cơ chế để tư nhân tham gia vào đầu tư lưới điện truyền tải. Đây là điều mà các nhà lập pháp đang rất cân nhắc bởi từ trước tới nay các lưới điện “xương sống” liên quan mật thiết đến an ninh năng lượng quốc gia vốn do Nhà nước độc quyền, còn các lưới điện “đấu nối” sẽ cần xem xét các tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật và những rủi ro khác.

Tín hiệu tích cực là Nghị quyết 55 ngày 11/2/2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề cập đến nỗ lực loại bỏ các rào cản cho tư nhân tham gia đầu tư vào truyền tải điện.

Cân nhắc tăng giá để phát triển thị trường

Giống như nhiều lĩnh vực khác mà Nhà nước đang giảm dần vai trò để nhường chỗ cho thị trường, các nhà quản lý ngành điện đang nỗ lực xây dựng và vận hành thị trường điện cạnh tranh đầy đủ. Các chuyên gia cho rằng, một thị trường đầy đủ là giải pháp quan trọng để thu hút vốn đầu tư vì khi đó sẽ có tín hiệu giá theo thị trường và đủ chi phí hợp lý để tạo động lực cho nhà đầu tư tham gia.

Theo lộ trình 3 bước vạch ra từ năm 2006, đến nay Việt Nam đã vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) và thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM), cho phép tư nhân tham gia ngày càng tích cực vào lĩnh vực năng lượng.

Dự kiến, Thị trường Bán lẻ điện Cạnh tranh (VREM) sẽ được xây dựng từ năm 2021. Khi đó, gần như tất cả bên cung, bên cầu, các nhà phân phối và người sử dụng điện đều có thể tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, để thị trường đạt đến mốc cuối cùng không hề dễ dàng. Với kinh nghiệm đã từng khảo sát nhiều nhà máy và dự án phát điện trong nước, TS. Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP), chỉ ra ít nhất 2 thách thức hiện nay trong việc thiết kế xây dựng thị trường điện.

Thứ nhất, hiện nay có rất nhiều nguồn điện không tham gia vào thị trường như các nhà máy BOT hay dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Việc “mời gọi” các nhà máy này tham gia thị trường điện không phải dễ dàng, bởi để họ đầu tư vào ngành điện, Chính phủ đã phải trợ giá với những cam kếtlên tới 20 năm. Do vậy, nếu giá trên thị trường không tốt hơn giá đã được trợ cấp, sẽ rất khó để các nhà đầu có động lực chuyển đổi.

Điều này dẫn đến thách thức thứ hai là vấn đề giá điện đầu ra đến người tiêu dùng. Nếu giá bán điện đến người tiêu dùng cao, nhà đầu tư sẽ càng có lãi và có động lực tham gia thị trường cũng như phát triển ngành điện. Nhưng theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Trần Đình Thiên, mỗi lần đề cập việc tăng giá điện đều gây nên những "xúc động mạnh mẽ” đối với người dân và vấp phải sự phản đối gay gắt.

Giá điện mà người tiêu dùng sử dụng hiện nay đang được trợ cấp và được giữ ở mức “gần như thấp nhất trong khu vực”, TS. Hà Đăng Sơn nhận xét. Báo cáo năm 2016 của UNDP về xanh hóa nguồn điện ở Việt Nam đề cập đến việc “hầu hết lượng điện sản xuất ra đang được bán với các giá thấp hơn chi phí cấp điện cho khách hàng, thậm chí không tính gộp các chi phí ngoại lai" như ảnh hưởng môi trường, sức khỏe, sinh kế và biến đổi khí hậu.

Không chỉ năng lượng hóa thạch được trợ giá, năng lượng tái tạo cũng đang được trợ giá. Nếu như tại Đức, người ta ước tính gần 1/2 giá điện bán lẻ là dùng để bù giá cho điện tái tạo và chi trả cho các chi phí vận hành lưới điện truyền tải và phân phối, thì ở Việt Nam con số này mới chỉ rơi vào khoảng 20% nhưng vẫn có các cơ chế bù chéo khác, TS. Hà Đăng Sơn cho biết. Ông nhấn mạnh rằng các cơ chế như vậy đang “gây ra méo mó thị trường điện”

Các nhà kinh tế đều nói rằng, tăng giá và gỡ bỏ các trợ cấp là điều tích cực để tiến tới thị trường minh bạch, hiệu quả; thông qua đó thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư hơn cho ngành năng lượng. Nhưng đây là hai việc đầy thách thức về chính trị và xã hội bởi chúng sẽ tác động đến rất nhiều khu vực khác nhau. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra, những dịch chuyển như vậy rất cần các chiến lược từng bước, kết hợp với các chiến dịch truyền thông khéo léo để giải thích về lợi ích lâu dài.

Bài viết có tham khảo tài liệu của 'Diễn đàn an ninh năng lượng cho phát triển bền vững" tại đây.