Ba đội đoạt thứ hạng cao nhất tại Vòng chung kết Việt Nam sẽ tiếp tục tranh tài với các đội đến từ Sri Lanka và Malaysia tại Vòng chung kết Quốc tế.

PGS.TS Huỳnh Kim Lâm - Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường Trường ĐHQT, trao giải Nhất cho đội Garyy Lee, Trường THPT Đinh Thiện Lý.
PGS.TS Huỳnh Kim Lâm - Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), trao giải Nhất cho đội Garyy Lee, Trường THPT Đinh Thiện Lý. Ảnh: VNUHCM

Ngày 1/4, Trường ĐH Quốc tế ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp Đại học Deakin (Úc) tổ chức Vòng chung kết Việt Nam cuộc thi Thử thách Nhà bảo vệ Môi trường trẻ lần IV (YEC 2022-2023) dành cho học sinh THPT.

Được phát động từ ngày 16/12/2022, cuộc thi thu hút gần 70 thí sinh gửi ý tưởng. Các thí sinh đăng ký dự thi theo hình thức nhóm, đội với 4 thành viên của cùng một trường. Các đội thực hiện một video clip có độ dài từ 10-15 phút để trình bày ý tưởng, đề xuất sáng kiến, đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề môi trường tại Việt Nam.

8 đội xuất sắc nhất đã tham gia Vòng chung kết Việt Nam. Mỗi đội có 20 phút thuyết trình bằng tiếng Anh trước Ban Giám khảo.

Sau gần 5 tiếng tranh tài, chức vô địch đã thuộc về đội Garyy Lee (THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM) với đề tài Chế tạo vật liệu cách âm từ các phế phẩm nông nghiệp như xơ dừa, bã mía và vỏ đậu phộng. “Nghiên cứu của tập trung vào việc tìm kiếm và chế tạo vật liệu cách âm thân thiện với môi trường. Bã mía được xử lý và bị loại bỏ lignin, sau đó kết hợp với xơ dừa và bột vỏ đậu phộng theo các tỉ lệ 3:7, 5:5, 7:3 về khối lượng để chế tạo vật liệu cách âm”, thành viên của đội chia sẻ. Theo đó, vật liệu theo tỉ lệ 3:7 cách âm tốt nhất, khả năng cách âm có thể lên đến 46,4%. Kết quả thử nghiệm cho thấy vật liệu được chế tạo từ xơ dừa và bã mía, bã mía và vỏ đậu phộng có khả năng hấp thụ âm thanh tốt hơn xốp khoảng 10%.

Giải Nhì thuộc về đội K.E.L (THPT Nguyễn Hữu Huân, TPHCM) với dự án Nghiên cứu về khả năng hấp phụ của than hoạt tính được điều chế từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. “Hiện tại có rất nhiều nguyên nhân làm cho môi trường nước bị ô nhiễm, và một trong những nguyên nhân đó là từ các ion kim loại nặng không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Để có thể phần nào khắc phục được tình trạng trên, chúng em đã nghiên cứu về khả năng hấp phụ của than hoạt tính được điều chế từ lục bình, gáo dừa và các loại vỏ trái cây - những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, bị bỏ đi một cách lãng phí”, đội K.E.L chia sẻ. Trong tương lai, các em học sinh cho biết sẽ định hướng sản phẩm thành một tấm phim có khả năng lắp đặt vào các đường ống nước, giúp ích cho việc lọc nước trong quá trình sử dụng cũng như xả thải.

Đội Peach and Psss (THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM) với đề tài Chiết xuất pectin từ vỏ cam Việt Nam để tạo màng bao thân thiện với môi trường cho trái xoài đã đoạt giải Ba. Các thành viên trong đội tiết lộ xuất phát điểm của nghiên cứu đến từ việc các em nhận thấy hiện nay xoài Việt Nam được xuất khẩu ra thị trường quốc tế với số lượng lớn, tuy nhiên chúng lại nhanh bị thâm sau khi chín dẫn đến mất thẩm mĩ và chất lượng cũng không còn ở mức tốt nhất. Để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp thường thường dùng màng thực phẩm để bọc lại xoài suốt quá trình xuất nhập khẩu. “Điều này gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến với môi trường”, các em nhận định. Từ đó, nhóm đã nghiên cứu việc chiết xuất và chế tạo màng bọc thực phẩm từ pectin, một nguyên liệu có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, nhằm bảo quản xoài Việt Nam khi xuất nhập khẩu. “Qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã chọn vỏ cam là nguồn pectin để chiết xuất một cách hiệu quả nhất”.

Giải Ấn tượng thuộc về CTV.Journey (trường THPT chuyên Vị Thanh, Hậu Giang) với dự án về Chất keo tụ hữu cơ để xử lý nước, cụ thể là chất nhầy chiết xuất từ đậu bắp. Các polysacarit này có khả năng phân hủy sinh học, không độc hại, thân thiện với môi trường và được trồng rộng rãi để có nguồn cung cấp ổn định

Ba đội đoạt thứ hạng cao nhất tại Việt Nam sẽ tiếp tục tranh tài với các đội thi đến từ Sri Lanka và Malaysia tại Vòng chung kết Quốc tế.

Nguồn: