Đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN), nâng cao năng lực quản lý nhà nước; Xây dựng được một số điểm sáng, thành công trong hoạt động thúc đẩy hệ thái thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;…

Đây là những nhiệm vụ trọng tâm của Sở KH&CN TPHCM trong năm 2018 được ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TPHCM nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 12/1.

Theo báo cáo tổng kết của Sở KH&CN TPHCM, năm 2017, Sở KH&CN TPHCM đã triển khai được 367 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 94 đề tài, dự án được nghiệm thu với kết quả được ứng dụng đạt tỷ lệ 88,2%, tăng 1,13 lần so với năm 2016. 167 đề án, dự án ứng dụng KH&CN được triển khai tại các quận huyện để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của các phòng ban và đơn vị và 101 đề án, dự án ứng dụng KH&CN cho các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ hợp tác,… đóng trên địa bàn quận huyện.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TPHCM
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TPHCM.

Hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH&CN đã thực hiện thủ tục chuyển giao kết quả KH&CN đối với 6 công nghệ, thiết bị cho đơn vị chủ trì để thương mại hóa sản phẩm, tổng trị giá thỏa thuận khoảng 3,864 tỷ đồng.

Năm 2017, Sở đã cấp giấy chứng nhận thành lập cho 27 trường hợp, trong đó có 14 tổ chức KH&CN công lập và 13 tổ chức KH&CN ngoài công lập. Tính đến tháng 12 năm 2017, tổng số tổ chức KH&CN đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận hoạt động là 252 tổ chức (trong đó có 08 tổ chức trung gian KH&CN) với tổng vốn đăng ký hoạt động là 851 tỷ đồng.

Sở cũng đã chủ trì làm việc với các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp lớn và các nhóm nghiên cứu mạnh xây dựng các chương trình nghiên cứu KH&CN mục tiêu và tổ chức hội thảo ý kiến chuyên gia 4 chương trình: Chương trình KH&CN mục tiêu phục vụ Thành phố thông minh và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Chương trình nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng vi mạch Việt; Chương trình KH&CN mục tiêu về ứng dụng tế bào gốc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; Chương trình KH&CN mục tiêu chế tạo máy công cụ, phát triển công nghệ 3D phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm. Các chương trình KH&CN mục tiêu dự kiến sẽ công bố trong năm 2018.

l
Các công nghệ, thiết bị, sản phẩm thường xuyên được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN

Đặc biệt, trong hỗ trợ hình thành và hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp, Sở đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho 666 dự án khởi nghiệp thông qua các hoạt động: kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ không gian làm việc. Chương trình SpeedUp 2017 nhằm hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, đã có 30 dự án được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 22,6 tỷ đồng.

Năm 2018, theo kế hoạch, Sở KH&CN TPHCM tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN. Cụ thể sẽ đưa Quỹ phát triển KH&CN thành phố đi vào hoạt động; Hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN;... Đồng thời, tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu và nâng cao tiềm lực KH&CN Thành phố; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng KH&CN cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;...

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, năm 2017, để đạt được phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra, các đơn vị chức năng, trực thuộc Sở khi xây dựng nhiệm vụ cần có mục tiêu rõ ràng và phương hướng thực hiện cụ thể. "Các hoạt động của Sở cần tập trung vào định hướng của Thành phố như thúc đẩy các chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng đô thị đổi mới sáng tạo" - ông Dũng nhấn mạnh.