Các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ) lần đầu tiên phát hiện một mặt trăng bên ngoài hệ Mặt trời.

Mặt trăng quay quanh ngoại hành tinh Kepler-1625b. Ảnh: NASA

Mặt trăng này lớn bằng sao Hải Vương, có đường kính lớn gấp 4 lần và khối lượng gấp 17 lần Trái đất. Nó quay xung quanh Kepler 1625b, một hành tinh khí lớn gấp ba lần sao Mộc ở trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus), cách chúng ta 8.000 năm ánh sáng.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào tháng 10/2018, David Kipping và Alex Teachey phát hiện mặt trăng khổng lồ sau khi phân tích 284 ngoại hành tinh bằng Kính viễn vọng không gian Kepler và Kính viễn vọng Không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Kể từ khi các nhà khoa học phát hiện ngoại hành tinh đầu tiên vào thập niên 1990, đã có gần 3.800 ngoại hành tinh chính thức được xác nhận, nhưng các nhà nghiên cứu chưa bao giờ tìm thấy mặt trăng bên ngoài hệ Mặt trời. Trong tương lai, khi kính viễn vọng James Webb Space Telescope của NASA đi vào hoạt động, nó sẽ mở ra triển vọng khám phá những mặt trăng nhỏ bé hơn trong vũ trụ.