Hai nhà khoa học Đàm Thanh Sơn (Trung tâm vật lý lý thuyết Kadanoff, trường ĐH Chicago, Mỹ) và Dmitry Kazakov (JINR, Dubna) được nhận giải thưởng thường niên cho các nhà khoa học xuất sắc có nhiều đóng góp cho vật lý lý thuyết và toán ứng dụng mang tên nhà vật lý và toán ứng dụng Nga Nikolay Bogoliubov.

GS Đàm Thanh Sơn trong buổi tọa đàm Các hạt graviton có khối lượng trong hiệu ứng Hall lượng tử phân số tại ĐH Phenikaa vào tháng 12/2019.

Trong khuôn khổ phiên họp hội đồng khoa học lần thứ 127 mới diễn ra tại Dubna, Hội đồng khoa học Viện liên hợp hạt nhân Dubna (JINR) đã thông báo quyết định của hội đồng giải thưởng N. Bogoliubov – một giải thưởng thường niên cho các nhà khoa học xuất sắc có nhiều đóng góp cho vật lý lý thuyết và toán ứng dụng mang tên nhà vật lý và toán ứng dụng Nga Nikolay Bogoliubov: hai nhà khoa học đoạt giải năm nay là Dmitry Kazakov (JINR, Dubna) và Đàm Thanh Sơn (Trung tâm vật lý lý thuyết Kadanoff, trường đại học Chicago, Mỹ).

Theo JINR, Dmitry Kazakov là nhà khoa học có nhiều đóng góp để phát triển lý thuyết trường lượng tử, lý thuyết nhóm tái chuẩn hóa tiết lộ các đặc tính tái chuẩn hóa của các lý thuyết siêu đối xứng, cho nghiên cứu tiên phong về tính toán đa vòng trong lý thuyết trường lượng tử.

Lý do để JINR trao giải thưởng cho Đàm Thanh Sơn là bởi những thành tựu trong các thuyết sắc động lực học lượng tử, những ứng dụng của lý thuyết dây và đối ngẫu giữa lý thuyết trường gauge và hấp dẫn ảnh hưởng đến những vấn đề chính của các hệ nhiều hạt tương tác mạnh, cho công trình nghiên cứu tiên phong về các hằng số truyền tải, như độ nhớt, độ dẫn và về các lý thuyết gauge ba chiều liên kết mạnh.

Trước khi nhận được giải thưởng này, giáo sư Đàm Thanh Sơn là một trong ba nhà khoa học được trao giải Dirac 2018 do những đóng góp nhằm gia tăng hiểu biết về những pha mới trong các hệ nhiều hạt tương tác mạnh và đưa ra các kỹ thuật xuyên ngành độc đáo. Một nét đặc biệt là lúc sinh thời N. Bogoliubov cũng từng nhận giải Dirac vào năm 1992 và một số giải khác như giải Max Planck năm 1973 và giải Lomonosov năm 1985.

Dù chủ yếu làm việc ở nước ngoài nhưng giáo sư Đàm Thanh Sơn vẫn thu xếp thời gian để giảng dạy ở Việt Nam, ví dụ vào tháng 12/2019, anh giảng về “Massive gravitons in Fractional Quantum Hall effect” (Các hạt graviton có khối lượng trong hiệu ứng Hall lượng tử phân số) tại ĐH Phenikaa. Dự kiến vào tháng 10 tới, anh sẽ có một buổi giảng về lý thuyết dây cũng tại đây.