Luật Sở hữu trí tuệ đang chuẩn bị được sửa đổi, bổ sung lần thứ ba, tập trung vào 3 nội dung chính: sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, và giống cây trồng.

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành lần đầu vào năm 2005 và đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và năm 2019. Từ đó đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Cục SHTT

“Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ của chúng ta đến nay mới có 15 năm, nhưng bối cảnh bây giờ đã thay đổi, xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta đã nhập cuộc chơi chung rất lớn. Do vậy chúng ta buộc phải sửa đổi Luật để tham gia cuộc chơi đấy”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc giải thích lý do sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần thứ ba tại hội thảo tham vấn do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12/1.

Như vậy, việc sửa đổi lần này không chỉ nhằm thực hiện hóa những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại gần đây mà còn góp phần giải quyết những vướng mắc tồn tại trong quá trình xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, từ đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu trên, theo dự thảo, lần sửa đổi này sẽ gồm 80 điều của 14 chương, tập trung vào 3 nội dung: sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, và giống cây trồng. Nhìn chung, nội dung sửa đổi tập trung vào những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến quá trình, thủ tục đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung một số quy định mới về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm,... để phù hợp với các cam kết trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP, EVFTA,... Dự kiến sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật Sở hữu trí tuệ sẽ có 18 chương và 235 điều.

Khác với những lần trước, đây là lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lớn nhất từ trước đến nay, do vậy “lần này chúng ta phải làm bài bản hơn, có như vậy mới tạo ra một hành lang pháp lý để có thể hòa nhập với sân chơi chung quốc tế và tạo ra động lực cho phát triển xã hội", Thứ trưởng Tạc nói. "Trên cơ sở ý kiến đóng góp của quý vị, các cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật để trình Chính phủ theo kế hoạch. Việc sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ góp phần hoàn thiện thêm một bước hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, góp phần đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia."