Mặc dù buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ KH&CN, diễn ra vào ngày 11/7/2023, chủ yếu xoay quanh tình hình phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo hiện nay nhưng tinh thần xuyên suốt của nó vẫn là cần những gì để ngành KH&CN có nhiều đóng góp hơn cho đời sống kinh tế xã hội.

Phòng thí nghiệm Trung tâm Nano và năng lượng, trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Phòng thí nghiệm Trung tâm Nano và năng lượng, trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trong những năm gần đây, vấn đề này luôn được đặt ra trở đi trở lại trong các cuộc thảo luận chính sách trong và ngoài Bộ KH&CN, trên các phiên họp Quốc hội thường kỳ cũng như nhiều diễn đàn xã hội. Dường như, ai cũng nhận thấy những bước tiến của KH&CN Việt Nam qua các con số hiển thị số lượng công bố quốc tế, số lượng các nhà khoa học, tỷ trọng đóng góp của KH&CN trong các sản phẩm hàng hóa công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII)… Tuy nhiên, những câu hỏi cũ và những câu hỏi mới vẫn cứ luôn được đặt ra, đan xen trong những điểm nghẽn chính sách gây tồn đọng không nhỏ các dự án, hợp tác từ Trung ương đến địa phương: tại sao người nông dân cần công nghệ để cải tạo mùa vụ, tránh bấp bênh về thu nhập mà không có công nghệ mới để áp dụng? tại sao vẫn tồn tại những đề tài cất trong ngăn kéo? tại sao doanh nghiệp không tiêu được tiền trong Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp? làm gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo? làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận với công nghệ mới trong các trường viện? … Vô số những câu hỏi như thế từ phía xã hội, từ những ngành nghề khác nhìn vào ngành KH&CN - một ngành luôn được coi là sự phát triển chưa tương xứng với tiềm nǎng và vị trí quốc sách hàng đầu, chưa thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển của đất nước.

Ngược lại, trong lòng ngành KH&CN cũng tồn tại rất nhiều câu hỏi: làm sao để tháo gỡ vướng mắc chính sách trong đầu tư cho KH&CN? Làm sao để thúc đẩy thị trường KH&CN, khuyến khích quá trình chuyển giao công nghệ? làm sao để vấn đề ưu đãi các nhà khoa học trở thành thực chất? làm sao để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học làm việc và phát huy tính sáng tạo? làm sao để những ứng dụng kỹ thuật hạt nhân được ngày một đi vào cuộc sống? làm sao để doanh nghiệp hiểu rằng đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh? làm sao để các tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế hay đưa tiêu chuẩn Việt Nam thành tiêu chuẩn quốc tế?... Những câu hỏi như vậy cứ tồn tại qua thời gian trong khi những tháo gỡ vướng mắc bằng chính sách vẫn chưa chạm đến vấn đề cốt lõi bên trong.

Hiện nay qua tổng hợp của Bộ KH&CN, chỉ có 30 tỉnh thành chi ngân sách địa phương cho KH&CN, và mức chi cũng rất thấp, trung bình dưới 10 tỷ đồng/năm, trong đó chủ yếu là chi cho giao thông và thủy lợi. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông

Điểm gặp gỡ của những câu hỏi từ hai phía ấy đã phần nào được hé mở trong buổi làm việc ngày 11/7 của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang với Bộ KH&CN. Nhưng liệu nó sẽ mở ra cách tháo gỡ căn bản những vấn đề căn cốt của ngành KH&CN, trong một tương lai gần?

Vì sao tồn tại những câu hỏi?

Có lẽ, khi nhìn vào các câu hỏi được đặt từ ngoài đường biên KH&CN, có thể thấy ẩn chứa trong đó là sự quan tâm của xã hội đối với ngành KH&CN. Nhưng quả thật, KH&CN là một thế giới khác, một nơi chốn mà người ta cũng lờ mờ hiểu rằng cách thức quản lý và vận hành của nó sẽ hoàn toàn khác với những thế giới còn lại nhưng không thật sự tường tận về nó. Về thực chất, ở nơi này, các nhà khoa học cần được trao quyền chủ động, quyền tự do sáng tạo để có thể có được phát hiện mới, tìm ra những kiến thức mới và từ đó, chuyển đổi cái mới ấy thành những dạng sản phẩm khác nhau cho xã hội, ví dụ như một giải pháp công nghệ, một đề xuất thay đổi hay đào tạo nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, giống như hiện tượng khúc xạ ánh sáng, sẽ có độ lệch nhất định khi rọi cái nhìn từ thế giới này vào thế giới khác. Do đó, xã hội thông thường có xu hướng nhìn nhận, đánh giá một đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN tương tự như một công trình xây dựng, một dự án sản xuất. Câu nhận xét đó của một lãnh đạo Bộ KH&CN từ nhiều năm trước, đến nay vẫn chưa hết tính thời sự. Hệ quả của cái nhìn này là việc đầu tư cho một dự án, một đề tài KH&CN cần phải đem lại một sản phẩm hữu hình, ví dụ như một công nghệ mới có thể chuyển giao cho doanh nghiệp hoặc triển khai sản xuất ngay ở quy mô công nghiệp. Trong khi đó, trên thực tế, chỉ đạt được điều đó sau một quá trình rót nhiều đầu tư kinh phí, công sức để đưa một kết quả nghiên cứu có định hướng ứng dụng thành một công nghệ hoàn chỉnh. Quá trình đó có thể là cả chục năm, thậm chí vài chục năm.

Do chưa thật sự hiểu được bản chất của quá trình “biến tiền đầu tư thành tri thức, tri thức thành công nghệ và công nghệ thành tiền” như tổng kết của giáo sư vật lý Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nên vẫn tồn tại những câu hỏi chưa thật sát với tính chất của nghiên cứu khoa học. Khi đề cập đến cơ cấu ngân sách cho nhiệm vụ KH&CN, với “nhiều nhiệm vụ đề tài, có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, có nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và có chương trình, dự án khoa học cấp nhà nước”, một đại diện của Bộ Tài chính đã cho rằng “chúng tôi biết không thể thiếu khoa học cơ bản nhưng bên cạnh đó phải có cơ cấu nhiệm vụ mang tính chất nghiên cứu ứng dụng để khẩn trương đưa [sản phẩm] vào sản xuất, do đó cần có tính toán để giảm độ trễ [giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tế]”. Đồng thời, ông cũng lập luận rằng “Các nhà khoa học hay nói [nghiên cứu] phải có độ trễ nhưng [chúng ta] phải làm sao đó để độ trễ này ngắn nhất và sản phẩm đó đáp ứng vấn đề, chỉ sau một hai năm hoặc trong quá trình nghiên cứu đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận triển khai thì hiệu quả sẽ nhân lên nhiều lần”.

Vấn đề mà đại diện Bộ Tài chính đặt ra cũng là vấn đề muôn thuở của quá trình đầu tư cho khoa học và đánh giá kết quả nghiên cứu ở Việt Nam. Có mặt tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đã giải thích khá ngọn ngành vấn đề này khi nhận thấy “còn chưa có sự thống nhất về đánh giá hiệu quả hoạt động KH&CN và tài chính KH&CN”. Phân tích câu chuyện nghiên cứu trong trường đại học, ông cho rằng “Nghiên cứu KH&CN là để phát triển tri thức từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu định hướng ứng dụng và đến nghiên cứu triển khai. Tuy vậy ngay cả trên thế giới thì cả ba công đoạn này đều chưa làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền, bởi sản phẩm của nó là tri thức và công nghệ chứ chưa phải là tiền, ngay cả giai đoạn gắn liền với phát triển công nghệ, sản xuất thử nghiệm còn chưa làm ra tiền. Để có thể làm ra tiền thì rất khó”.

Vậy các trường, viện có thể trông chờ vào nguồn thu nào? PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh là “có thể một phần nguồn thu của trường, viện từ doanh nghiệp hoặc từ nhiều nguồn khác nhưng chúng ta phải hiểu hiện tại, trình độ KH&CN của doanh nghiệp như thế nào, ở mức độ nào”. Khi nhà khoa học hiểu được trình độ KH&CN của doanh nghiệp và hiểu được nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp thì hai bên mới đi thêm một nấc quan trọng tiếp theo là hợp tác và đặt hàng công nghệ, ông nói.

Câu chuyện này không chỉ đúng với các trung tâm tri thức ở Việt Nam là các trường, viện mà còn đúng với thế giới. “Trên thế giới, các trường đại học nghiên cứu sẽ nâng cao được uy tín và học phí chắc chắn sẽ cao lên. KH&CN không phải là giải pháp để giảm học phí mà chỉ là điều kiện quan trọng để làm tăng chất lượng đào tạo và đóng góp sự phát triển của KH&CN”.

Ý kiến của PGS. TS Hoàng Minh Sơn đã gặp quan điểm của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy “KH&CN không chỉ đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế, điều quan trọng nhất của KH&CN là làm ra tri thức mới, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển tiềm lực đất nước”. Đó là những giá trị của KH&CN mà không thể nhất thời cân đong đo đếm được và phải cần đến độ trễ thời gian mới đánh giá được một cách đầy đủ.

Làm gì để hóa giải tồn tại?

Để KH&CN được hiểu đúng hơn, có nguồn đầu tư xứng đáng hơn và có thể đem lại nhiều đóng góp hơn cho kinh tế xã hội là mong mỏi từ nhiều năm qua của ngành KH&CN. Tuy nhiên, để đi đến được điểm mấu chốt này, cần có những nỗ lực của cả hai bên, ngành KH&CN và các ngành khác.

Trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với Bộ KH&CN, có thể thấy có những dấu hiệu gợi ý về một quá trình như thế đang diễn ra, thông qua chia sẻ của các bộ, ngành. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho rằng, mặc dù Luật KH&CN đã có quy định, việc phân bổ nguồn vốn cho KH&CN hằng năm là 2% tổng chi ngân sách nhưng trên thực tế thì “dường như chưa đủ 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Khi tổng hợp số liệu từ Bộ Tài chính, chúng tôi nhận thấy trong giai đoạn 2016-2020 và 2021-2023, chi cho KH&CN là 130 ngàn tỉ đồng, chỉ chiếm 1,03% chứ chưa đạt 2%. Ngay trong lĩnh vực đầu tư công mà Bộ KH&ĐT phụ trách thì đạt 1,08% và hằng năm bố trí 5.000 tỷ ngân sách cho Trung ương”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

Bộ KH&CN phải làm ba việc mà Thủ tướng đã yêu cầu trong cuộc họp ngày 17/5 vừa rồi, đó là cần có cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro cho nghiên cứu khoa học; phải có một khuôn khổ pháp lý để thử nghiệm một mô hình kinh tế dựa trên KH&CN; cần có một chế độ chính sách đãi ngộ cho những người làm KH&CN.
Với cơ chế đặc thù này, chúng ta tiếp cận dần theo kinh nghiệm quốc tế. Không có cách nào an toàn và có lợi thế hơn cách ‘đứng trên vai người khổng lồ’. Khi chúng ta chưa nghĩ ra được điều gì mới thì chúng ta cứ thực hiện theo cách quốc tế đã làm mà thực tế chứng minh có hiệu quả.


Vấn đề mà xã hội đặt ra là hiệu quả của các dự án, đề tài KH&CN ở đâu, khi nhà nước đã chi đầu tư cho KH&CN đã được ông phân tích: “Về quy định phân bổ vốn đầu tư công đưa bố trí ngân sách cho KH&CN nhưng khi chúng ta giao nguồn lực cho địa phương, kể cả các bộ, ngành, nhưng chưa quan tâm phân bổ các dự án cụ thể như thế nào”.

Ở các địa phương, với những nhu cầu rất cụ thể về giải pháp KH&CN cho thực tế địa phương thì con số trung bình 10 tỷ đồng/năm không thể giúp giải quyết được những vấn đề cấp bách hoặc những giải pháp công nghệ cao ở quy mô lớn. Trong khi đó, luôn luôn có những câu hỏi tại sao KH&CN không giúp đưa nông nghiệp thông minh về với nông thôn khiến các nhà quản lý KH&CN cũng phải ngần ngại trả lời. Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, trước ý kiến cần chi đủ mức đầu tư cho KH&CN hằng năm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đồng tình và cho rằng “trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ KH&CN để cùng tính toán đầu tư công như thế nào, phân bổ ngân sách như thế nào để ưu tiên cho Bộ KH&CN được đủ mức quy định”.

Việc đầu tư đủ kinh phí cho các hoạt động KH&CN sẽ là một trong những điều kiện cần để KH&CN có thêm những cơ hội đóng góp cho các lĩnh vực khác dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm lực cho đất nước. Đại diện của Bộ Tài chính cũng đồng tình với ý kiến của Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT về việc bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho KH&CN vẫn còn chưa đủ. Tuy vậy, ông cho rằng Bộ KH&CN cũng cần có những cải thiện nhiều hơn nữa về chính sách, thủ tục giấy tờ… để thúc đẩy quá trình sử dụng kinh phí cho KH&CN. “Chúng tôi có cảm nhận là tốc độ sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước rất chậm, chậm so với bố trí. Chúng tôi mong muốn đề xuất Chính phủ và Quốc hội tăng số lượng đầu tư [cho các hoạt động KH&CN] nhưng chúng ta cũng phải giải ngân tương xứng về mặt thời gian”, ông nói. Có một ví dụ thực tế về giải ngân là theo Bộ KH&ĐT, “Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia được Bộ KH&CN đề nghị cấp đủ 2.000 tỷ tiền vốn nhưng hiện chúng tôi rà soát thêm tình hình giải ngân như thế nào vì chúng tôi sẽ cấp vốn dựa vào tình hình giải ngân. Chúng tôi thấy Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia giải ngân chưa được nhiều, chúng tôi sẵn sàng tìm nguồn lực, bố trí bổ sung thêm nhưng Bộ KH&CN cũng cần rà soát lại vấn đề giải ngân”.

Vấn đề bố trí vốn hay giải ngân của các dự án KH&CN cũng là vấn đề tồn tại của ngành KH&CN khi phải chịu sự quản lý của nhiều khung tài chính khác nhau và việc giải ngân theo các khung quản lý hiện hành cũng là một thách thức cần hóa giải. Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính cho biết, những thay đổi về chính sách trong thời gian tới sẽ có tác dụng lan tỏa tích cực: “Năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi với nhiều nội dung khuyến khích nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Hiện nay, Bộ Tài chính cùng Bộ KH&CN sửa đổi Nghị định 70 về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, dự định sẽ trình Quốc hội vào quý 3 hoặc quý 4. Việc sửa đổi nghị định sẽ theo hướng tăng quyền cho các nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu”.

Dĩ nhiên, việc thay đổi một quan điểm, một góc nhìn sẽ không diễn ra một sớm một chiều. Quá trình để các nhà quản lý và xã hội hiểu được KH&CN sẽ cần thời gian, tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn nếu có sự chia sẻ từ hai phía.