Dự kiến, Quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia sẽ chi tới 6 tỷ USD trong vòng năm năm, tuy nhiên cũng có những phản ứng trái chiều xung quanh tính khả thi của dự thảo chính sách mới này, trong đó có việc cơ chế quỹ dự kiến thu hút tới 70% tài trợ từ khối tư nhân.

Chính phủ đặt tham vọng cơ chế quỹ mới này sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo như Đại học New Delhi, đại học lâu đời thành lập từ năm 1922. Ảnh: Getty images
Chính phủ đặt tham vọng cơ chế quỹ mới này sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo như Đại học New Delhi, đại học lâu đời thành lập từ năm 1922. Ảnh: Getty images

Chính phủ Ấn Độ đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thành lập một Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) mới sẽ bơm 6 tỷ USD vào nghiên cứu trong vòng năm năm. Mặc dù còn rất ít thông tin chi tiết xung quanh đề xuất thành lập tài trợ mới này, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đang hoan nghênh đề xuất xây dựng một “cơ quan tối cao” mới cho nghiên cứu của Ấn Độ, tin rằng cơ quan mới này có thể giúp thúc đẩy các khoản đầu tư vẫn còn rất khiêm tốn của quốc gia vào khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Tuy vậy, một số nhà khoa học cũng lo ngại quỹ có thể bị can thiệp chính trị, cũng như có một số hoài nghi về việc quỹ liệu có thể thu hút được nguồn lực, khi mà dự kiến nguồn lực đến từ khu vực tư nhân lên tới 70% nguồn tài trợ dự kiến.

Đề xuất thành lập quỹ nghiên cứu quốc gia được Hội đồng Bộ trưởng Liên minh Ấn Độ công bố vào ngày 28/6, và ý tưởng thành lập bắt đầu từ một báo cáo năm 2019 do chính Thủ tướng Narendra Modi yêu cầu. Báo cáo từ Hội đồng tư vấn khoa học, công nghệ và đổi mới của Thủ tướng Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ tụt hậu xa so với các quốc gia lớn khác về tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dành cho nghiên cứu cũng như chất lượng các đề tài nghiên cứu và các bằng sáng chế của Ấn Độ. Báo cáo cũng đưa ra đánh giá là nhiều trường đại học Ấn Độ không tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào.

Để giúp xoay chuyển tình hình này, Báo cáo đã đề xuất thành lập một cơ quan nghiên cứu có nhiều quyền trong tài trợ nghiên cứu hơn nữa, với có chế tương tự như Quỹ Khoa học Quốc gia ở Hoa Kỳ, nhằm giúp điều phối chính sách khoa học, đồng thời củng cố và mở rộng nguồn kinh phí cho khoa học, trong đó có các khoản tài trợ - thông qua một quá trình bình duyệt - cho các nhà khoa học. Ngân sách hằng năm của cơ quan này phải bằng 0,1% GDP của Ấn Độ, tương đương hơn 2 tỷ USD vào thời điểm Báo cáo này ra đời. Để bảo vệ cơ quan tài trợ nghiên cứu mới này khỏi các áp lực chính trị và cơ chế quan liêu hiện nay, Báo cáo khuyến nghị Quỹ nghiên cứu quốc gia sẽ cần một hội đồng độc lập bao gồm các nhà khoa học uy tín lựa chọn lãnh đạo (Quỹ), và vận hành với “sự tự chủ hoàn toàn… để cơ quan này không gặp trở ngại trong việc tài trợ cho các dự án tốt”.

Để đáp ứng tầm nhìn tham vọng về vai trò của quỹ trong việc thúc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở Ấn Độ, Báo cáo này cũng đề nghị chính Thủ tướng làm chủ tịch hội đồng quản trị của quỹ khoa học quốc gia, và các bộ trưởng khoa học và giáo dục của chính phủ đảm nhận các vị trí quản lý hàng đầu khác của quỹ. Đồng thời, Bộ khoa học và cố vấn khoa học của Ấn Độ cũng sẽ giúp giám sát Quỹ nghiên cứu quốc gia và hội đồng quản trị của Quỹ.

Ajay Sood, cố vấn khoa học chính của chính phủ, cho biết, đề xuất về việc Thủ tướng phải giữ một vai trò như vậy với Quỹ nghiên cứu quốc gia “cho chúng ta thấy mức độ nghiêm túc của chúng tôi đối với hệ sinh thái R&D”. Và các nhà nghiên cứu nói rằng nhờ cơ chế này, nhờ sự ủng hộ chính trị quan trọng của các lãnh đạo Ấn Độ, Quỹ nghiên cứu quốc gia có thể phát triển rất tốt. Partha Majumder, người sáng lập Viện Di truyền y sinh Quốc gia và là thành viên của Ủy ban Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Ấn Độ (SERB), được thành lập vào năm 2008 trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nghiên cứu di truyền ở Ấn Độ, cho biết: “Việc thủ tướng nắm quyền lãnh đạo không phải là một ý tưởng tồi, và việc này có thể giúp kêu gọi thêm các nguồn tài trợ. Majumder nói rằng, sự quan tâm, lãnh đạo của các chính trị gia có nhiều quyền lực sẽ giúp quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia dễ dàng thu hút được nhiều ủng hộ từ khối công nghiệp. “Các quan chức cấp cao của chính phủ có thể nói chuyện với khối công nghiệp hiệu quả hơn nhiều so với chúng tôi”, Majumder nói.

Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng, cơ chế này cũng có thể khiến NRF bị can thiệp chính trị, như cảnh báo của Hiệp hội Khoa học đột phá, một nhóm vận động chính sách cho khoa học ở Ấn Độ. Hiệp hội này lưu ý rằng chính phủ của ông Modi đôi khi đã thúc đẩy những ý tưởng ngoài lề, giả khoa học - chẳng hạn như tuyên bố rằng người Hindu cổ đại đã phát minh ra máy bay và internet. Trong một tuyên bố gần đây, Hiệp hội cho biết “điều đó không thể không khiến các nhà khoa học lo sợ về hướng đi và số phận của nghiên cứu khoa học trong tương lai dưới sự điều hành của một quỹ nghiên cứu với các nhà lãnh đạo chính trị có xu hướng như vậy”.

Chuyên gia nghiên cứu chính sách Shailja Vaidya Gupta, nguyên cố vấn khoa học cấp cao của chính phủ, người đã tham gia vào báo cáo đánh giá và đề xuất thành lập quỹ nghiên cứu quốc gia vào năm 2020 khi còn làm quản lý trong bộ máy hành chính của nước này cho biết, hệ thống quản lý nổi tiếng quan liêu nặng nề của Ấn Độ có thể gây ra một mối đe dọa khác cho cơ quan tài trợ mới. Vì quỹ sẽ không phải là một cơ quan độc lập, nên nó sẽ “phải tuân thủ các quy tắc (quản lý hành chính, tài chính) áp dụng cho từng lĩnh vực,” cô nói. “Vì vậy, dù bạn đang xây dựng một cây cầu, hay dù bạn nghiên cứu khám phá ra các protein mới, thì bạn cũng sẽ phải chịu một cơ chế quản lý như nhau”.

Bản kế hoạch đề xuất cơ quan tài trợ nghiên cứu mới nằm trong SERB. Cuối cùng, chính phủ quyết định Quỹ sẽ nhận được nhiều tiền hơn số tiền đã cấp cho SERB. Tuy nhiên, nhìn chung, giới quản lý cũng đang trông cậy vào việc khu vực tư nhân sẽ đóng góp hơn 4 tỷ USD tài trợ cho Quỹ nghiên cứu quốc gia, kể từ năm nay cho đến năm 2028. Theo đánh giá của các chuyên gia chính sách như Shailja Vaidya Gupta, mục tiêu này “hơi phi thực tế”.

Với cương vị cố vấn khoa học chính của chính phủ hiện nay, Ajay Sood thừa nhận “đây là những con số rất tham vọng.” Nhưng ông cũng cho rằng điều đó phản ánh mong muốn của chính phủ là “thu hút những bên khác tham gia và trở thành đối tác trong hệ sinh thái R&D và đổi mới sáng tạo”.

Tuy nhiên, cộng đồng khoa học vẫn còn nhiều hoài nghi về cơ chế hoạt động của Quỹ. Hiệp hội Khoa học đột phá đánh giá: “Dựa vào khối doanh nghiệp tư nhân để thu hút số tiền vượt quá cam kết của chính phủ là một giấc mơ hoang đường”.

Mặt khác, khi đánh giá về đề xuất này, các nhà nghiên cứu cho biết rất khó để phân tích đầy đủ tính khả thi trong cách thức xây dựng Quỹ nghiên cứu quốc gia bởi vì chính phủ vẫn chưa công khai toàn văn các văn bản đề xuất cho đến tận khi được Quốc hội Ấn Độ thông qua. “Không nên như vậy… dự thảo đề xuất nên được đưa ra tranh luận công khai trước khi được thông qua tại Quốc hội,” Gupta nói.

Dự kiến, Quốc hội Ấn Độ sẽ thảo luận về dự thảo này sớm nhất vào phiên họp từ cuối tháng bảy đến đầu tháng tám.