Trong khuôn khổ tuần lễ Khoa học dữ liệu do Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và trường ĐH Bách khoa HN tổ chức ngày 29/8, GS Hồ Tú Bảo (Viện John von Neumann, ĐHQGTPHCM) đã có buổi nói chuyện tại ĐH Bách khoa HN về AI trong bối cảnh Việt Nam thời kỳ chuyển đổi số.

Giáo sư Hồ Tú Bảo phát biểu tại Diễn đàn ICT Summit 2018. Nguồn: Vietnamnet

Giáo sư Hồ Tú Bảo phát biểu tại Diễn đàn ICT Summit 2018. Nguồn: Vietnamnet

Tại buổi nói chuyện đó ông đã nêu một số ý kiến về việc nên chú trọng đầu tư vào những lĩnh vực nào của AI để phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước và tình hình phát triển AI ở Việt Nam.

AI và hạ tầng số

Theo giáo sư Hồ Tú Bảo, AI là lĩnh vực làm cho máy tính và máy móc có những khả năng của trí thông minh của con người, tiêu biểu là khả năng suy luận, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng nhận thức liên quan đến các giác quan của con người, khả năng hiểu ngôn ngữ, và khả năng học tập.

Tuy nhiên, lịch sử hơn 60 năm phát triển của ngành AI đã chỉ ra con đường chính để máy đạt được hầu hết các khả năng AI mong muốn là dựa trên rất nhiều dữ liệu và thuật toán phân tích các dữ liệu này. Vì lý do trên và vì AI đang và sẽ là công cụ chủ chốt của sản xuất và phát triển trong thời chuyển đổi số, trong Diễn đàn ICT Summit 2018 tại Hà Nội vào trung tuần tháng 7 vừa qua, giáo sư Hồ Tú Bảo đã nhấn mạnh nhiệm vụxây dựng hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng dữ liệubên cạnh các loại hạ tầng số quan trọng khác: hạ tầng thiết bị, hạ tầng kết nối, hạ tầng pháp lý, hạ tầng ứng dụng, và hạ tầng nhân lực. Giáo sư Hồ Tú Bảo nói thêm: “Điều quan trọng trong việc xây hạ tầng số là phải xác định được lộ trình cho đúng để không phải xây xong lại phá đi làm lại”.

“Lộ trình đúng” mà ông muốn nêu không chỉ riêng của việc xây hạ tầng số mà còn của những lĩnh vực số khác sẽ xây dựng trên hạ tầng số. Trước hết, hạ tầng số là nền móng để trên đó xây dựng và hoàn thiện chính phủ số, cũng như để các doanh nghiệp từ đó xây dựng nền kinh tế số.

Ông cũng thẳng thắn nêu nhận xét rằng hiện nay nhận thức về hạ tầng số ở ta vẫn hầu như chưa có, chưa đúng và chưa đủ, “hạ tầng mà chúng ta thường nghĩ đến vẫn là hạ tầngtrong thế giới vật lý (physical world), như đường xá, bến cảng, sân bay… mà hầu như chưa có gì về hạ tầng trong thế giới số (cyber world), dù trong thời chuyển đổi số hiện nay ta vẫn đồng thời sống và làm việc trong hai thế giới đó, trong sự liên của chúng.

Cần các kho dữ liệu có khả năng chia sẻ và mở

Trong bài viết “Châu Á là nhà tiên phong tiếp theo trong phát triển AI” trên trang news.microsoft.com mới đây, ông Ralph Haupter, chủ tịch Microsoft châu Á lưu ý, việc tạo dựng các cơ sở dữ liệu là cần thiết để phát triển AI, tuy nhiên để tối ưu được các kho dữ liệu này, cần đảm bảo được sáu yếu tố là tính công bằng, sự tin cậy và độ an toàn, bảo mật - quyền riêng tư, tính minh bạch và sự trách nhiệm.

AI cần dữ liệu nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều nguồn dữ liệu cần thiết để AI có thể dựa trên đó tạo khả năng thông minh của máy móc, của các hệ thốngđang vận hành xã hội chúng ta. “Từ cấp quốc gia đến địa phương và các bộ ngành, nói chung ta còn thiếu những nguồn dữ liệu cần thiết, thiếu sựkết nối của chúng với nhau”.

Tuy nhiên trong quá trình làm việc giáo sư Bảo cũng gặp được những điểm sáng về xây dựng hạ tầng dữ liệu, một trong số đó là cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục và đào tạo. Với nhận thức và nỗ lực, ngành giáo dục đang xây dựng những nguồn dữ liệu cơ bản, chẳng hạn với giáo dục phổ thông đó là nguồn “trường, lớp, thầy, trò”về khoảng 44 nghìn trường, 760 nghìn lớp, hơn một triệu thầy cô và 23 triệu học sinh đã và đang được nhập liệu. Nhiều hiểu biết và quyết định về giáo dục hy vọng sẽ có được khi phân tích nguồn dữ liệu quý báu này.

Phát triển AI theo những hướng nào?

Giáo sư Hồ Tú Bảo đã chia sẻ những suy nghĩ của ông trong tuần lễ Khoa học Dữ liệu, và câu trả lời chung là ta cần những AI gắn với các mục tiêu phát triển của đất nước. Đấy là AI cho một chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, là AI cho nông nghiệp thành thông minh, là AI cho du lịch thành một ngành dịch vụ thông minh, là AI để giao thông an toàn và nhanh hơn, là AI cho chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn… Những AI này đang cần được nhìn nhận và ưu tiên phát triển hơn các hệ tự động thông minh, vốn rất quan trọng với các nước có nền công nghiệp phát triển nhưng chưa khẩn thiết cho một quốc gia chưa lấy công nghiệp làm trọng tâm phát triển như Việt Nam.

Có thể nói AI ứng dụng được vào bất kỳ lĩnh vực nào nếu ở đó có và chú trọng khai thác c dữ liệu. Những lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước như nông nghiệp, du lịch, giao thông, môi trường, tài chính, y tế… đều có thể có rất nhiều dữ liệu và đều là những mảnh đất quan trọng để trên đó đưa vào giải pháp AI.

Từ đây có thể nhận định rằng trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, lúc này cái AI ta cần nhiều hơn là AI dựa trên khai thác dữ liệu (data-driven AI) trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Chẳng hạn đó là AI để tổ chức các kho văn bản của chính phủ, các tỉnh thành, các bộ ngành… để có thể như tìm ra rất nhanh các văn bản liên quan đến một quyết định quan trọng, hoặc trích rút ra các điều khoản từ các văn bản đó cho một nhu cầu nào đó…

Chẳng hạn đó là AI cho nông nghiệp thông minh khi đánh giá được thị trường, đánh giá được cung cầu trong và ngoài nước về các loại sản phẩm để có thể quy hoạch sản xuất, để tránh được mùa mất giá được giá mất mùa… bên cạnh các trang trại thông minh như số đông vẫn đang hướng đến.

Chẳng hạn đó là AI để có thể phát hiện các bất thường trong chi tiêu tiền bạc và sử dụng tài sản nhà nước ngay khi những điều này đang xảy ra.

Chẳng hạn đó là AI để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể làm phân tích kinh doanh khi xây dựng các kế hoạch và đưa ra các quyết định trong sản xuất.

Nói về những điều này, giáo sư Bảo nhắc lại, điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng được các cơ sở dữ liệu của quốc gia, địa phương, doanh nghiệp và khai thác được chúng. Đây chính là hạ tầng số thiết yếu của Việt Nam.

Tất nhiên ta cần đào tạo ra lực lượng tinh nhuệ làm AI, cần nối kết được lực lượng AI trong và ngoài nước, và cần một chiến lược AI của Việt Nam.