Một hạ tầng chất lượng quốc gia tốt sẽ không chỉ đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như bảo đảm sự phù hợp, tương thích của pháp luật Việt Nam với các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Ảnh: Vinamilk
Ảnh: Vinamilk

Cách đây gần một năm, nhiều người dân đã được một phen “tá hỏa” khi thông tin về rau đội lốt đạt tiêu chuẩn VietGap trong nhiều chuỗi siêu thị được báo chí phanh phui. Dù bán với giá cao gấp nhiều lần rau chợ, song các túi rau này không hề đến từ nguồn rau hữu cơ Đà Lạt như ghi trên nhãn mác mà được các công ty lấy từ chợ đầu mối (không có giấy tờ chứng nhận đạt chuẩn) và sơ chế một cách qua loa. Sự việc này không chỉ khiến người tiêu dùng mất niềm tin mà còn khiến họ gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe khi phải ăn vào những loại rau không rõ nguồn gốc.

Nhưng không phải đến sự kiện này mà hàng loạt các vụ việc về vi phạm an toàn thực phẩm diễn ra suốt nhiều năm qua ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã cho thấy tầm quan trọng của việc phải có một hạ tầng chất lượng quốc gia hoạt động hiệu quả. “Đây không chỉ là vấn đề cấp thiết lên quan đến sức khỏe của người dân mà còn là vấn đề tạo thuận lợi thương mại và bảo vệ môi trường”, ông Kees R. Jonkheer - Chuyên gia quốc tế về Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Quốc gia của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại USAID TPF - từng cho biết tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và hạ tầng chất lượng quốc gia và kiến nghị cho Việt Nam” vào năm 2022.

Chưa được quy định rõ

Theo thông lệ quốc tế, Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật để triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận) ở từng quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ toàn cầu.

Để phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, ngoài việc đầu tư cho trang thiết bị, nhân lực, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thì cần lưu ý chú trọng xây dựng thể chế và kỷ luật thị trường.

Thực tế, hạ tầng chất lượng quốc gia là thuật ngữ tương đối mới. “Thuật ngữ này không có nghĩa là chất lượng của các hạ tầng vật lý như: đường xá, bến cảng hoặc lưới điện… Mặc dù các cấu phần của NQI gồm đo lường, tiêu chuẩn, công nhận và hoạt động đánh giá sự phù hợp có rất nhiều đóng góp quan trọng để đảm bảo chất lượng của hạ tầng vật lý, tuy nhiên, phạm vi của NQI rộng hơn rất nhiều. Thuật ngữ này đề cập đến hệ thống phần cứng (hardware) và phần mềm (software) cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ của một nền kinh tế”, tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho biết.

Trên phạm vi toàn cầu, NQI của các quốc gia được đánh giá và biểu diễn bằng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII). GQII đo lường mức độ phát triển NQI ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Nếu xét theo GQII, chỉ số hạ tầng chất lượng nói chung của Việt Nam năm 2020 là 54, và điểm số của các tiểu mục về tiêu chuẩn, đo lường và công nhận lần lượt là 64, 60 và 36. “Vấn đề mà chúng tôi thấy ở Việt Nam là các bộ, ngành hoạt động rời rạc, thiếu sự phối hợp hiệu quả. Bản thân cơ chế hiện nay cũng chưa thực sự khuyến khích sự phối hợp giữa các bộ quản lý chuyên ngành”, ông Kees đánh giá vào năm 2022. “Khi thực hiện các cuộc phỏng vấn trong dự án, chúng tôi có thể thấy sự chồng chéo trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp”. Ông dẫn ví dụ, doanh nghiệp có thể sẽ phải làm việc với rất nhiều bộ, ngành khác nhau và khi sản phẩm của họ được công nhận bởi Văn phòng Công nhận Chất lượng (BOA) thì đôi khi kết quả đó lại không được công nhận bởi một cơ quan quản lý nhà nước.

Điều đáng nói là hạ tầng chất lượng này cũng phản ánh chất lượng và hiệu quả của sự phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia và là một chỉ dấu quan trọng về khả năng cạnh tranh toàn diện của đất nước đó. “Theo GQII, chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam hiện nay đứng thứ 51 thế giới. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp thứ 19 thế giới. Như vậy, có thể nói hạ tầng chất lượng quốc gia hiện đang tụt hậu, chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế của đất nước”, văn bản góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Người dân mua rau ở siêu thị. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Người dân mua rau ở siêu thị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Thực tế tại Việt Nam, hạ tầng chất lượng quốc gia cũng đã được hình thành trên nền tảng quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Chất lượng, Sản phẩm hàng hóa của Bộ KH&CN, khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia, các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển, nâng cao Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng chỉ số GQII chưa được quy định làm rõ. “Do đó, việc nghiên cứu để bổ sung quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế là hết sức cần thiết”, báo cáo cho biết.

Làm sao để hiệu quả?

Với mục tiêu bảo đảm sự phù hợp, tương thích pháp luật của Việt Nam với các cam kết trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã hướng đến bổ sung quy định về khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia, các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Góp ý về định hướng này, VCCI cho rằng, để phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, ngoài việc đầu tư cho trang thiết bị, nhân lực, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thì cần lưu ý chú trọng xây dựng thể chế và kỷ luật thị trường. “Dường như trong thời gian qua, biện pháp quản lý các đơn vị đánh giá sự phù hợp của nhà nước vẫn tập trung vào việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục đăng ký nhiều hơn là bảo đảm tính độc lập, khách quan của dịch vụ này”, VCCI nhận định.

Theo đó, hiện nay, vẫn còn có tình trạng các đơn vị đánh giá sự phù hợp hoạt động chưa thực sự nghiêm túc, chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong hành nghề. Tình trạng doanh nghiệp trả chi phí không chính thức hoặc các biện pháp khác để tác động vào kết quả đánh giá sự phù hợp vẫn còn tồn tại. Theo Báo cáo “Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam – Dịch vụ đánh giá sự phù hợp” được VCCI thực hiện năm 2020, vẫn có khoảng 19,8% doanh nghiệp phản ánh việc chi trả chi phí không chính thức khi sử dụng dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chiếm tỷ trọng khoảng 22,3% trong tổng chi phí dịch vụ.

“Điều này không chỉ gây nguy hại khi hàng hóa không bảo đảm an toàn, chất lượng được đi ra thị trường, mà về lâu dài có thể còn làm mất uy tín của các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam. Nếu kết quả đánh giá của các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam không được người mua ở nước nhập khẩu công nhận thì hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu. Nhà xuất khẩu có thể sẽ phải thuê các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài hoặc mời người từ nước ngoài về đánh giá với chi phí cao và mức độ sẵn có thấp”, VCCI nhấn mạnh.

Do đó, Liên đoàn này cho rằng, việc tăng cường kỷ luật, tính độc lập, khách quan, trung thực trong dịch vụ đánh giá sự phù hợp là một trong những vấn đề cần thiết và cấp thiết hiện nay. Trong khi đó, báo cáo tổng kết thi hành và các chính sách được đề xuất tại Dự thảo hồ sơ chưa đề cập đến vấn đề này. Bởi vậy, theo VCCI, cần bổ sung một số vấn đề trong dự thảo như: tổng kết về việc xử lý các đơn vị đánh giá sự phù hợp, trong đó cần bóc tách riêng nội dung về xử lý vi phạm do cung cấp kết quả đánh giá sai, thực hiện đánh giá không bảo đảm tính độc lập, khách quan và không thực hiện đánh giá nhưng vẫn cấp kết quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung các biện pháp giám sát đơn vị đánh giá sự phù hợp để tăng cường tính kỷ luật của dịch vụ này, ví dụ như có cơ chế ngẫu nhiên kiểm tra lại các kết quả đánh giá, kiểm tra đối chứng để phát hiện các trường hợp vi phạm tính độc lập, khách quan của dịch vụ.

Các luật và quy định về hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) của các nước phát triển đã được xây dựng tương đối đầy đủ và có thể được sửa đổi kịp thời để đáp ứng các yêu cầu liên quan theo sự thay đổi của kinh tế xã hội và cạnh tranh thương mại quốc tế. Chẳng hạn, Hiến pháp Hoa Kỳ và Bộ luật Hoa Kỳ quy định cụ thể về quản lý đo lường và Đạo luật Tiến bộ và Chuyển giao Công nghệ Quốc gia năm 1995 đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng 3/1996. Đạo luật này nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, làm rõ sự phối hợp của các tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST), đồng thời quy định việc sử dụng các tiêu chuẩn trong mua sắm và pháp luật của chính phủ, cũng như tham gia vào sự phát triển của các tiêu chuẩn.
Năm 1999, Hàn Quốc cũng đã ban hành Đạo luật khung về tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm các điều khoản về việc thiết lập hệ thống tiêu chuẩn hóa, đo lường và đánh giá sự phù hợp, để thực hiện các quy định tại Điều 128 của Hiến pháp thể hiện rằng Hàn Quốc sẽ thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, do đó đã xây dựng hệ thống pháp luật NQI tương đối mạnh.