Hàn Quốc đã chính thức đàm phán để tham gia Horizon Europe, chương trình nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của châu Âu và trở thành quốc gia châu Á đầu tiên liên kết với EU.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới thăm nhà máy Samsung Electronic Pyeongtaek ở Pyeongtaek vào ngày 20/5/2022. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới thăm nhà máy Samsung Electronic Pyeongtaek ở Pyeongtaek vào ngày 20/5/2022. Ảnh: AFP

Đây là sự mở rộng phạm vi mới nhất của Horizon ngoài châu Âu, khi Hàn Quốc cùng với New Zealand và Canada ký tham gia chương trình này.

Theo đó, từ năm 2025, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc sẽ có thể nộp hồ sơ xin các khoản tài trợ một cách bình đẳng cùng các nhà nghiên cứu EU ở nội dung trụ cột thứ hai của chương trình tập trung vào giải quyết các thách thức công nghiệp và toàn cầu, nội dung chiếm phần lớn ngân sách trong tổng số 95,5 tỉ Euro của Horizon Europe.

Tuy nhiên, cũng như với Canada và New Zealand, họ chưa thể tiếp cận tài trợ của Hội đồng nghiên cứu EU, nơi tài trợ cho những đề xuất khoa học từ dưới lên.

Mối liên kết với Hàn Quốc là bước đi mới nhất của châu Âu mở cửa Horizon và các khung chương trình tương lai tới những quốc gia xa xôi về mặt địa lý và có nền khoa học tiên tiến, nhằm xây dựng một mạng lưới toàn cầu của các quốc gia “cùng chí hướng” hợp tác về KH&CN. Với Hàn Quốc, việc liên kết với Horizon Europe là một phần trong chiến lược nâng cao vị thế hệ thống KH&CN quốc gia.

“Tuy Hàn Quốc vẫn tự hào về các năng lực KH&CN và đổi mới, hợp tác quốc tế vẫn còn là một khía cạnh yếu”, Bộ trưởng Bộ KHCN và Truyền thông Hàn Quốc Lee Jong Ho cho biết trong một thông cáo báo chí.

Việc liên kết với Horizon Europe có thể giúp Hàn Quốc dịch chuyển từ một “hệ thống đổi mới sáng tạo chỉ dựa vào nội địa hóa tới một quốc gia mở có thể tiên phong thúc đẩy các nguồn lực công nghệ trên khắp thế giới”.

Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc thảo luận với EU chỉ trong vòng 10 tháng, thể hiện “mong ước và cam kết đi đến kết luận một cách nhanh chóng” tại cấp độ chính trị cao nhất, theo Signe Ratso, nhà đàm phán chính của EU. Quốc gia này muốn mở rộng các mối liên kết KH&CN toàn cầu của mình và EU là một “đối tác đương nhiên”, bà nói.

Các điều kiện

Với một hiệp định Horizon tiêu chuẩn, chính phủ một quốc gia sẽ đồng ý trả một khoản kinh phí thỏa thuận vào quỹ kinh phí của chương trình đổi lấy việc các nhà nghiên cứu của mình được nộp đề xuất xin tài trợ của Horizon cùng các nhà nghiên cứu châu Âu.

Cũng như với Canada và New Zealand, khoản kinh phí mà Hàn Quốc đóng góp phụ thuộc vào việc các nhà nghiên cứu của họ giành được bao nhiêu tài trợ từ chương trình, Ratso nói. Khoản đóng góp vào Horizon của Hàn Quốc dựa trên ước tính vào tỉ lệ xin tài trợ thành công, với phần đóng góp sẽ được điều chỉnh tùy theo thực tế.

Ngôn ngữ là một rào cản tiềm năng với các nhà nghiên cứu Hàn Quốc tham gia chương trình, bà nói, nhưng có một “sự hào hứng lớn” tại sự kiện khởi động vào tháng trước ở Seoul, và cả hai bên sẽ tiếp tục nhiều nỗ lực khác.

Kế hoạch R&D toàn cầu

Cả hai bên đều từ chối nói về con số chính xác mà Hàn Quốc sẽ rót vào Horizon cho đến khi hiệp định hợp tác được công khai. Tuy vậy Hàn Quốc giờ đã có một khoản ngân sách lớn sẵn sàng cho ba năm tới để xây dựng các cầu nối nghiên cứu quốc tế.

Trong kế hoạch R&D toàn cầu được công khai vào tháng 11/2023, Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch dành 6% đến 7% ngân sách của mình cho các mối hợp tác quốc tế, gấp bốn lần mức tỉ trọng hiện nay. Như vậy, trong các năm 2024-2026, quốc gia này sẽ đầu tư tương đương 3,7 tỉ Euro cho các dự án KH&CN quốc tế.

Hiện chưa có lộ trình chính xác về cách sử dụng khoản ngân sách này vì ngân sách được phân bổ hằng năm, theo Young Dae Ryu, Tổng Giám đốc quan hệ Quốc tế của Quỹ Nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc. Dự kiến một phần kinh phí sẽ chảy vào các dự án hàng đầu về R&D toàn cầu, tập trung vào vô số công nghệ mang tính chiến lược và công nghệ xanh.

Được biết một số dự án tiềm năng có các đối tác là các viện nghiên cứu Fraunhofer của Đức và MIT về robotics, và sản xuất nhiên liệu hydrogen với cơ quan nghiên cứu Sintef của Na Uy.

Trong kế hoạch R&D toàn cầu này, Hàn Quốc sẽ lập sơ đồ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới ở các công nghệ chiến lược và hướng họ vào các chương trình trao đổi KH&CN. Kế hoạch cũng bao gồm một đề xuất cho một “chương trình Marie Curie của Hàn Quốc”, được đặt theo tên chương trình Marie Skłodowska-Curie Actions của EU. Sẽ có nhiều kinh phí cho các kế hoạch thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc đang ở nước ngoài để kết nối họ với đồng nghiệp ở quê nhà.

Nỗi lo bị cô lập về công nghệ

Dù vẫn dẫn đầu ở một số công nghệ như bán dẫn, hệ thống nghiên cứu của Hàn Quốc vẫn chủ yếu hướng nội, chưa theo kịp sự phát triển trong thời kỳ cạnh tranh công nghệ ngày một sâu sắc.

Số lượng các bài báo và bằng sáng chế đồng tác giả quốc tế của Hàn Quốc vẫn thấp hơn mức trung bình của các quốc gia OECD, Young Dae Ryu nói.

Thêm vào nỗi sợ hãi bị cô lập, Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia phương Tây e ngại những đổi mới công nghệ có thể bị rò rỉ sang Trung Quốc.

Tháng 8/2023, các quan chức quốc gia này cho biết họ sẽ thiết lập những đo lường an ninh nghiên cứu mới sau những tiết lộ là có gần 100 rò rỉ công nghệ trong ngành công nghiệp từ năm 2018 đến năm 2022, trong đó có 24 là công nghệ bán dẫn tối quan trọng.

Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc hàng đầu đang nghiên cứu về bán dẫn, công nghệ hiển thị và pin đều là cái đích hướng tới của những đề xuất hợp tác chung “không bình thường” từ các trường đại học Trung Quốc, bao gồm các khoản tài trợ hậu hĩnh và thậm chí là đề xuất trả lương cho các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, báo chí Hàn Quốc từng cho biết.

Đó là bối cảnh mà Hàn Quốc không chỉ liên kết với Horizon Europe mà còn cả mở rộng xây dựng hợp tác với nhiều quốc gia khác. Vào đầu tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ KHCN và Truyền thông Hàn Quốc Lee Jong Ho còn thảo luận về hợp tác số hóa với Anh và tham gia nghiên cứu về năng lượng sạch với Đan Mạch; sau đó ông gặp ủy viên hội đồng phụ trách thị trường nội địa EU Thierry Breton để trao đổi với hợp tác số hóa giữa EU và Hàn Quốc cũng như các lĩnh vực khác như công nghệ lượng tử, bán dẫn, 5G và trí tuệ nhân tạo.

Hợp tác quốc tế thông qua các tập đoàn sẽ đóng vai trò chính yếu. Các chaebol, những tập đoàn siêu lớn và các công ty dẫn đầu thế giới về công nghệ như Samsung, Hyundai và SK Hynix, đang chiếm ưu thế trong nền kinh tế Hàn Quốc. Thậm chí ở Hàn Quốc, đầu tư cho R&D từ lĩnh vực tư còn lớn hơn ở châu Âu.

Do đó, Ratso cho biết có mối quan tâm từ các tập đoàn khổng lồ này với các đối tác châu Âu, bao gồm các liên doanh công nghiệp, tạo cầu nối cho “nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo”. Họ đã từng tham gia vào chương trình khung này thông qua các cơ sở của họ đặt tại châu Âu nhưng giờ sẽ có thể tham gia hợp tác ngay tại đại bản doanh của họ ở Hàn Quốc, bà nói nhưng vẫn nhấn mạnh là EU mong muốn các SME của Hàn Quốc cũng tham gia.

Nguồn: sciencebusiness.net