Hiện nay đang có những tranh cãi về vai trò, sứ mệnh của trường “chuyên” ở Việt Nam xoay quanh hai câu hỏi lớn: “Có nên xóa bỏ trường chuyên hay không?, “Phải chăng trường chuyên chính là thủ phạm gây bất bình đẳng trong giáo dục?”

ThS Kim Ngọc Minh và TS Đỗ Thị Ngọc Quyên đã có một cuộc đối thoại về tính tích cực của mô hình này ở các nước trên thế giới, cũng như những hạn chế của nó khi áp dụng tại Việt Nam.

Không thể chỉ dựa vào tấm ảnh một dãy xe ô tô đến đón con để khẳng định có bất công trong giáo dục, mà cần phải chỉ rõ ra rằng những người phụ huynh đó có tận dụng tiền và địa vị của mình để đem lại lợi thế trong việc tiếp cận cơ hội học tập cho con mình hay không. Ảnh: Sáng ngày 17/7 tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, hàng loạt xế hộp đắt tiền nối đuôi nhau, xếp hàng chờ đón học sinh sau khi kết thúc môn thi đầu tiên. Nguồn: Dân Việt.
Không thể chỉ dựa vào tấm ảnh một dãy xe ô tô đến đón con để khẳng định có bất công trong giáo dục, mà cần phải chỉ rõ ra rằng những người phụ huynh đó có tận dụng tiền và địa vị của mình để đem lại lợi thế trong việc tiếp cận cơ hội học tập cho con mình hay không. Ảnh: Sáng ngày 17/7 tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, hàng loạt xế hộp đắt tiền nối đuôi nhau, xếp hàng chờ đón học sinh sau khi kết thúc môn thi đầu tiên. Nguồn: Dân Việt.

Phổ biến trên thế giới

Một trong những luận điểm chính mà những người ủng hộ xóa sổ hệ thống trường chuyên đưa ra, đó là mô hình này chỉ tồn tại lẻ tẻ ở các nước châu Á – vốn có truyền thống thi cử khắc nghiệt. Thế nhưng, trên thực tế, mô hình trường chuyên/trường (tuyển) chọn tồn tại trên khắp thế giới. Trong một nghiên cứu mang tên “Academically Gifted Programs and Services’ Formarts – an annotated bibliography”, ThS Giáo dục Kim Ngọc Minh đã thống kê được 70 loại hình chuyên khác nhau trên thế giới. Nói cách khác, “nếu chúng ta thấy một nước nào đó không có trường chuyên, thì có thể là nó đang hoạt động dưới một cái tên khác, một cách thức khác thôi, còn về cơ bản thì nó vẫn trên cơ sở lựa chọn học sinh dựa theo năng lực học tập.” – ThS Kim Ngọc Minh cho biết trong cuộc Đối thoại về giáo dục năng khiếu với TS Đỗ Thị Ngọc Quyên vào ngày 19/7 vừa qua.

Có thể kể đến một số tên gọi như: Selective School (Úc, quốc tế), Grammar school (Anh và một số nước), Specialized School (Liên Xô cũ và một số nước), Specialist Schools (Anh), Magnet school (Mỹ), Gymnasium (Đức và một số nước), Realschule (Đức, Thụy Sĩ), School for the Gifted... Một số trường với định hướng STEM/STEAM có các tên như: School of Science and Mathematics, School of Science and Engineering, Liberal Arts and Science Academy... Các chương trình đào tạo dành riêng cho học sinh năng khiếu - tài năng thường mang tên Gifted and talented programmes…

Không nằm ngoài xu thế đó, ở Việt Nam, “Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.”(Luật Giáo dục Việt Nam 2019).

Và cũng tương tự với Việt Nam, trên thế giới có rất nhiều mô hình chuyên – chọn công lập, do ngân sách nhà nước trang trải. Một nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng có 165 trường chuyên công lập ở nước này, thu hút 136.000 học sinh, chiếm 1% trong tổng số học sinh cùng độ tuổi.

Công bằng hay Cào bằng?

Có thể thấy, phát triển tài năng luôn là vấn đề được quan tâm nhưng cách tiếp cận cũng như cách thức thực hiện luôn gây nhiều tranh cãi ở không ít quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng. Nhưng giữa những luồng tranh cãi ấy, nổi lên một câu hỏi quan trọng: Thế nào là công bằng và bình đẳng trong giáo dục?

Theo TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, các tổ chức phát triển (UNESCO, UNICEF, WB, OECD) đều đã đưa ra những khái niệm của riêng họ về công bằng trong giáo dục. “Nhìn chung, các tổ chức đều thống nhất rằng công bằng trong giáo dục là bình đẳng về cơ hội học tập. Nhưng họ lại khác nhau về việc thế nào là ‘bình đẳng’, có thể kể đến: Bình đẳng hình thức (không phân biệt giai cấp, xuất thân, giới tính…); Bình đẳng tương đối (theo năng lực); Bình đẳng toàn diện (theo lựa chọn và nỗ lực).” Hiện nay các nhà giáo dục đều cho rằng công bằng còn phải tập trung vào năng lực của người học.

Hình 2: Equality’ (cào bằng) và ‘Equity’ (cân bằng)
Hình 2: Equality’ (cào bằng) và ‘Equity’ (cân bằng)

Khi nhắc đến những con đường dẫn tới công bằng, mọi người thường nhắc đến “Equality” và “Equaty”. “Nhìn vào hai tấm hình này (hình 2), chúng ta có thể thấy ‘Equality’ (cào bằng) cho phép ba học sinh có chiều cao khác nhau đều hái được trái cây. Vậy là cào bằng về đầu vào.” – TS Quyên mô tả. “Với hình bên cạnh, ‘Equity’ (cân bằng) trao cho những đứa trẻ các loại đôn khác nhau để chiều cao của chúng bằng nhau. Nhưng tôi cho cả hai hướng đi này đều là cào bằng, cào bằng về đầu vào và cào bằng về đầu ra. Chúng ta ngầm định rằng bất kể là chiều cao thế nào thì kết quả là như nhau.”

Cách đây 20 năm, trên thế giới, phong trào kêu gọi công bằng trong giáo dục hầu hết đều chỉ nói về nhóm yếu thế. Nhưng 10 năm trở lại đây, mọi người đã nhìn nhận thêm cả về nhóm năng khiếu. Chuyên ngành giáo dục đặc biệt trước đây chỉ thiết kế cho học sinh gặp khó khăn trong học tập bởi các vấn đề khuyết tật hoặc tập trung chú ý; nhưng năm năm trở lại đây đã có nội dung đào tạo trẻ có năng khiếu trong chương trình. “Ở đây, các nhà giáo dục trên thế giới với các nhà chính sách đã có sự ăn khớp với nhau, họ nhìn nhau và họ điều chỉnh.” – TS Đỗ Thị Ngọc Quyên nhận định.

Một mặt, việc được học tập, giáo dục theo đúng năng lực của mỗi người là nhu cầu cá nhân và có quyền được đáp ứng; một mặt khác phát triển năng khiếu thành tài năng, thành nguồn nhân lực chất lượng cao cũng thuộc phạm trù chính sách, chiến lược của mỗi nhà nước trong quản lý nguồn lực phục vụ phát triển quốc gia. Do vậy thảo luận về giáo dục năng khiếu và tài năng không thể tách rời câu chuyện của chính sách nhà nước với năng lực cá nhân. Câu chuyện của bình đẳng hay công bằng trong giáo dục cũng vì thế phải là sự cân đối giữa những yếu tố này.

Thêm vào đó, trong một nghiên cứu vào năm 2012, Diane Reay đã đưa ra kết luận: “Bất bình đẳng trong giáo dục đi liền với bất bình đẳng trong xã hội và không thể giải quyết bất bình đẳng giáo dục mà thoát ly bất bình đẳng xã hội”. Trên thực tế, bất bình đẳng về thu nhập ở Việt Nam càng ngày càng tăng, điều này có thể gián tiếp gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục. Cụ thể, việc một phụ huynh giàu có chở con đi thi trên chiếc ô tô xịn không thể nói lên rằng có bất công trong giáo dục, nhưng nếu một phụ huynh giàu có tận dụng tiền và địa vị của mình để đem lại lợi thế trong việc tiếp cận cơ hội học tập cho con mình (mua nhiều sách, đăng ký các lớp luyện thi, mua ‘ghế’ vào trường chuyên), bất công trong giáo dục sẽ xảy ra. “chúng ta có thể kiểm soát tất cả những điều này thông qua chính sách” – TS Quyên khẳng định.

Và suy cho cùng, tất cả những cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề công bằng hay bình đẳng trong giáo dục đều quay về với mục tiêu cá nhân hóa chương trình giáo dục. Giáo viên sẽ thiết kế, tổ chức chương trình dạy học phù hợp cho từng học sinh cụ thể, dựa trên năng lực và nguyện vọng của các em. Đây là một khái niệm lý tưởng, nhưng trên thế giới đã có một số nước có dân số nhỏ như New Zealand, Phần Lan… làm được.

Bản thân Bộ Giáo dục cũng đang có những bước đổi mới. “Trong phạm vi đề án do World Bank tài trợ, có đầy đủ tất cả hạng mục thay đổi, họ đang triển khai rất nhiều module để tập huấn cho giáo viên, bao gồm cả giáo viên cơ hữu” – TS Quyên cho biết. “Hiện 8 trường sư phạm trên khắp cả nước đang rục rịch bàn luận, náo nhiệt và sôi động. Dĩ nhiên, để đưa ra kết luận thì còn phải chờ kết quả, nhưng tôi khá lạc quan về lực lượng giáo viên trong tương lai, họ đang nỗ lực thay đổi.”


Suy cho cùng, tất cả những cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề công bằng hay bình đẳng trong giáo dục đều quay về với mục tiêu cá nhân hóa chương trình giáo dục. Giáo viên sẽ thiết kế, tổ chức chương trình dạy học phù hợp cho từng học sinh cụ thể, dựa trên năng lực và nguyện vọng của các em.


Trong lúc chờ đợi, phụ huynh có thể tự rút ra những đánh giá cho riêng mình để có thể lựa chọn con đường phù hợp với con cái. “Chúng ta có trường tư, trường công bình thường, trường công tự chủ chất lượng cao… Ở Việt Nam, có rất nhiều mô hình trường học mà chúng ta có thể lựa chọn. Sẽ không có chiếc áo nào vừa cho tất cả mọi người, vì vậy chúng ta có thể tham khảo và đưa ra những lựa chọn khác nhau tùy theo quan điểm của mình.” – TS Quyên cho biết.

Không nên phân luồng học lực từ sớm

Nhìn chung, hầu hết các nước đều đi theo quan điểm “nguồn vốn nhân lực” (human capital), cho rằng người tài là kho báu, còn năng khiếu, tài năng là nguồn lực. Việc khai thác tối đa nguồn lực này được xem là một phần của chiến lược phát triển quốc gia.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, khi mà từ thế kỷ XV, Thân Nhân Trung đã viết “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, và cho đến hiện tại, khi Nhà nước vẫn đang thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên. Thế nhưng, mặt khác, Việt Nam cũng có những điểm đang đi chệch hướng so với xu thế giáo dục năng khiếu trên thế giới.

Hiện nay, rất nhiều trưởng tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tổ chức thi, xét tuyển đầu vào để tuyển chọn các em học sinh có năng khiếu. Theo TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, Luật Giáo dục chỉ cho phép thành lập trường chuyên ở cấp trung học phổ thông, không có một trường tiểu học hay trường cấp hai nào được phép mở lớp chọn hay chuyên. “Nếu có thì cũng là các trường đang lách luật. Còn những trường cấp hai của Hà Nội – Amsterdam hay trường THCS Ngoại ngữ thì chỉ là trường định hướng chuyên.”

Vào năm 2007, OECD (Tổ Chức Hợp tác Kinh tế và Phát Triển) đã đưa ra 10 bước để đạt đến công bằng trong giáo dục. Đáng chú ý, ngay từ bước đầu tiên, tổ chức này đã khuyến nghị cần hạn chế việc phân luồng tuyển chọn học sinh theo học lực từ sớm. “Với tư cách là người nghiên cứu giáo dục, tôi ủng hộ khuyến nghị của OECD” – TS Đỗ Thị Ngọc Quyên chia sẻ, “Ở bậc tiểu học, trẻ con cần được phát triển đầy đủ về mặt nhân cách. Việc chúng ta phân luồng các em theo học lực là việc không cần thiết, nó không phải là mục tiêu và cũng không phù hợp với giáo dục tiểu học. Tôi sẽ chỉ đồng tình nếu có chuyên từ cuối cấp hai hoặc cấp ba, còn trẻ em tiểu học thì không nên có chuyên/chọn sớm, hãy để các con có cơ hội vui chơi và chuẩn bị tâm thế, tâm thức, kỹ năng mềm cho tương lai.”

Mặt khác, dù tiến hành đúng luật, nhưng tình trạng thi tuyển vào trường chuyên ở cấp ba cũng có nhiều vấn đề cần bàn đến. ‘Cuộc đua’ vào trường chuyên diễn ra vô cùng căng thẳng, và nó sẽ càng thêm nóng khi các trường bắt đầu công bố tỉ lệ chọi. Để có thể vào được những trường này, nhiều em học sinh đã luyện thi ngày đêm dưới mọi hình thức. Thậm chí với những em không có năng khiếu trong học thuật, phụ huynh vẫn ép con mình học gia sư, vào lò luyện thi để trở thành người có khả năng đặc biệt. “Tôi nghĩ các trường cần phải có những kỹ thuật ra đề để không phải cứ vào lò luyện là sẽ làm bài được” – TS Đỗ Thị Ngọc Quyên chia sẻ, “nếu không, tình trạng này sẽ vẫn cứ tiếp diễn.”

ThS Kim Ngọc Minh thì cho rằng đây là tình trạng chung của nhiều trường chuyên trên thế giới. “Thi tuyển ở nhiều trường nước ngoài cũng rất căng thẳng, và thậm chí có nhiều phản biện gay gắt rằng các em đỗ có ‘năng khiếu thật’ hay chỉ là được ‘chuẩn bị kĩ’, tình trạng này diễn ra cả ở Sydney và New York” – ThS Minh cho hay. Câu hỏi về thế nào là cách tuyển chọn chuẩn cũng đã được các nhà giáo dục quốc tế mang ra tranh luận từ lâu và chưa đến hồi ngã ngũ.

Chính vì vậy, ThS Minh cho rằng “nên phân quyền cho các tỉnh để họ có thể tự phát triển mô hình tài năng của tỉnh mình. Tương tự với Mỹ, họ sẽ tự đưa ra các tiêu chí tuyển chọn của mình, có thể là thi một cuộc thi, xét tuyển học bạ hoặc kết hợp nhiều tiêu chí.” Thêm vào đó, để hạn chế vấn nạn biến các học sinh thành ‘gà nòi’ luyện thi, “các trường nên đa dạng hóa các hoạt động bồi dưỡng năng khiếu trong trường chuyên, lớp chọn và ở bậc đại học”, hoặc có thể học theo các mô hình của nước ngoài, các cách sắp xếp khối chuyên, chọn đa dạng như khối STEM, nhánh về Xã hội nhân văn… “Và đặc biệt, cần có mối liên thông nhất định với định hướng lên đại học ở các trường chuyên cấp ba – đây là điểm cốt yếu, mang tầm nhìn xa cho sự phát triển dài hạn của học sinh có năng khiếu, tài năng.”