Dù với cách tiếp cận nào - từ trên xuống do chính phủ khởi xướng hay từ dưới lên do các trường đề xuất, thì các nước láng giềng Đông Nam Á đều chú trọng tập trung nguồn lực vào các dự án hoa tiêu có tiềm năng trong bối cảnh ngân sách cho giáo dục đại học còn hạn hẹp.

Bài viết dưới đây xem xét tham vọng xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở ba quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia, Thái Lan, và Indonesia - nơi có dân số và nền kinh tế tương quan với Việt Nam.

Không có gì ngạc nhiên rằng ngoài Singapore, các hệ thống giáo dục đại học ở Đông Nam Á gặp phải nhiều thách thức về nguồn lực và chất lượng. Nếu nhìn vào xếp hạng đại học thế giới như một thước đo của đẳng cấp quốc tế, không có láng giềng nào có thể sánh với Singapore. Hai trường xuất sắc nhất của Singapore luôn ổn định trong top 50 của thế giới - một thành tích đáng ngưỡng mộ, đặc biệt xét theo quy mô của quốc đảo này.

Tham vọng lớn, kết quả khiêm tốn

Ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và quốc gia đông dân thứ tư thế giới, giáo dục đại học từng có một giai đoạn dài hoạt động kém hiệu quả, bất chấp những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình của các trường đại học từ những năm 1990. Việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm cấp quốc gia; các kế hoạch chiến lược 5 năm; hay việc sửa đổi hiến pháp năm 2002, yêu cầu chính phủ cam kết dành 20% tổng ngân sách cho giáo dục… nhìn chung đã không mang lại kết quả tích cực thực sự. Theo thời gian, Chính phủ Indonesia đã tự hạ thấp mục tiêu, từ 11 trường xuống 5 trường vào top 500 xếp hạng thế giới trong kế hoạch chiến lược 2015–2019. Kết quả, tại thời điểm 2024, mới chỉ có ba trường đại học danh giá nhất đất nước (Đại học Indonesia, Viện Công nghệ Bandung và Đại học Gadjah Mada) vào top 500 của xếp hạng QS và không trường nào vào top 500 của xếp hạng Times Higher Education (THE).

Thái Lan cũng không phải là một ngoại lệ, khi trong thập kỷ qua, nền giáo dục đại học trải qua quá trình tư nhân hóa và cạnh tranh thị trường để bắt nhịp với sân chơi toàn cầu. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng, đây là một cuộc chơi đắt giá nhưng không có cửa cho các đại học Thái Lan.

Việc thiếu nguồn tài trợ, nhân lực tinh hoa, phương pháp quản lý và sự chuẩn bị tổng thể là những nhân tố chung lý giải vì sao Indonesia và Thái Lan chưa thiết lập được các điều kiện tiên quyết cho sự xuất hiện của các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Trong đó, thiếu nhân lực chất lượng cao là một vấn đề đau đầu của cả hai. Tỉ lệ sinh viên trên giảng viên đại học ở Indonesia, Thái Lan (và cả Việt Nam) dao động từ 25-28 trong những năm gần đây, thuộc nhóm trung bình thấp của thế giới. Không đủ lực lượng giảng viên đáp ứng nhu cầu của dân số khổng lồ, nhiều giảng viên ở Indonesia quen với việc trở thành “máy dạy” cho cùng lúc nhiều trường đại học. Lãnh đạo các trường đại học chịu áp lực từ nhiều phía để chuyển từ định hướng thiên về giảng dạy sang nghiên cứu phù hợp với chuẩn mực thế giới. Quá trình này bị ép diễn ra trong thời gian ngắn cho nên hầu hết các giảng viên cảm thấy không thoải mái. Tương tự, ở Thái Lan, hợp đồng và cơ cấu khen thưởng dựa trên năng lực nghiên cứu khiến nhiều giảng viên cảm thấy bị ép buộc. Họ có rất ít lựa chọn trong vấn đề này: phải cân đối giữa lịch giảng dạy quá tải và yêu cầu về KPI xuất bản để đảm bảo cơ hội thăng tiến và thu nhập cạnh tranh. Đi kèm với làn sóng tự chủ, định nghĩa lãnh đạo giỏi của đại học ở Thái Lan giờ đây bị bó hẹp trong việc người lãnh đạo đó có thể cải thiện vị thế xếp hạng quốc tế của trường hay không.

Tìm những hướng đi mới

Malaysia là trường hợp điển hình về một quốc gia đang phát triển có trường đại học đẳng cấp quốc tế nhờ các khoản tài trợ của Sáng kiến Học thuật Xuất sắc (AEI) từ chính phủ (xem thêm bài Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế: Việt Nam có thể học gì từ thế giới của cùng tác giả trên báo Khoa học & Phát triển số 9/2024).

Xác lập hướng đi mới với mục tiêu trở thành một cơ sở nghiên cứu và thực hành hàng đầu về các vấn đề bền vững, Đại học Sains Malaysia đã trở thành hiện tượng khi xếp thứ tư liên tục hai năm gần nhất (2022 và 2023) trên THE Impact Rankings - bảng xếp hạng đánh giá nỗ lực SDGs của các đại học toàn cầu. Nguồn: FP USM
Xác lập hướng đi mới với mục tiêu trở thành một cơ sở nghiên cứu và thực hành hàng đầu về các vấn đề bền vững, Đại học Sains Malaysia đã trở thành hiện tượng khi xếp thứ tư liên tục hai năm gần nhất (2022 và 2023) trên THE Impact Rankings - bảng xếp hạng đánh giá nỗ lực SDGs của các đại học toàn cầu. Nguồn: FP USM

Năm 2008, Đại học Sains Malaysia nhận ra rằng gần như không thể chơi ván game xếp hạng một cách sòng phẳng với các nền khoa học tiên tiến lâu đời khác. Sau khi tự đánh giá tài nguyên và nhân lực của mình, đại học này xác lập hướng đi mới với mục tiêu trở thành một cơ sở nghiên cứu và thực hành hàng đầu về các vấn đề bền vững. Cần phải nói rằng, ở thời điểm thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, đây là một tầm nhìn xa mang tính đột phá. Mãi đến bảy năm sau, năm 2015, Liên Hợp Quốc mới thống nhất các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong số các trường nộp đơn cho APEX – một trong những sáng kiến AEI của Chính phủ Malaysia, Đại học Sains Malaysia là hồ sơ duy nhất được lựa chọn để nhận tài trợ. Nhờ đó, trường trở thành hiện tượng khi xếp thứ tư liên tục hai năm gần nhất (2022 và 2023) trên THE Impact Rankings – bảng xếp hạng tiên phong đánh giá nỗ lực hiện thực hóa các SDGs của các trường đại học trên toàn cầu.

Năm 2011, không từ bỏ sau lần trượt tài trợ APEX, Đại học Malaya lâu đời nhất của Malaysia tự đề xuất với Bộ Giáo dục sáng kiến Nghiên cứu Tác động Cao (HIR) được thiết kế chính xác để trường này có thể nhanh chóng thăng hạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Với số tiền được bơm từ chính phủ, Đại học Malaya nhanh chóng mời các nhà khoa học sừng sỏ, có tên tuổi trên thế giới; trang bị các phòng thí nghiệm hiện đại; và treo thưởng hào phóng cho mỗi công bố khoa học ở các tạp chí hàng đầu. Đến nay, Đại học Malaya đã vào top 300 thế giới của xếp hạng THE và top 500 của xếp hạng Thượng Hải ARWU.

Không chỉ Malaysia mới có những bước đi táo bạo và đạt thành công nhất định, ở thời điểm hiện tại, Thái Lan và Indonesia cũng đang thử nghiệm nhiều sáng kiến nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các trường đại học.

Với Indonesia, đó là sự ra đời Hệ thống xếp hạng Giáo dục Đại học Quốc gia năm 2017, dựa trên bốn tiêu chí về chất lượng học thuật, quản lý, nghiên cứu, và sinh viên của khoảng 3.000 trường. Hệ thống này được kỳ vọng giúp các trường tự đối sánh trên nhiều phương diện. Tiếp nữa, thay vì xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế, các nhà quan sát cho rằng Indonesia nên tập trung chú ý vào việc phát triển các trường đại học phù hợp với bối cảnh địa phương - phương án khả thi hơn với nhân lực và năng lực tài chính hiện tại. Cuối cùng, một lựa chọn nữa là trông chờ các trường đại học quốc tế thành lập phân hiệu ở Indonesia, tạo cơ hội cho sinh viên trong nước có được nền giáo dục đẳng cấp quốc tế ngay tại quê nhà, qua đó cũng trở thành hình mẫu cho các đại học quốc nội. Gần đây, Bộ Giáo dục Indonesia đã có các thay đổi chính sách để rộng đường mời chào, đồng thời cũng yêu cầu các đại học nước ngoài muốn mở chi nhánh ở Indonesia phải thuộc top 100 quốc tế. Đại học Monash (Úc) là trường đầu tiên hưởng ứng chính sách này vào năm 2021, kéo theo những trường khác như King’s College London (Vương quốc Anh) và Đại học Curtin (Úc).

Tương tự, Bộ Giáo dục đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới (MHESI) Thái Lan cũng nhờ đến Hội đồng Anh để kết nối với các trường đại học hàng đầu ở quốc đảo sương mù. Năm 2021, đáp ứng tham vọng của Thái Lan, sáng kiến “Mạng lưới Đại học đẳng cấp thế giới Thái Lan – Vương quốc Anh” (Thai – UK World Class University Consortium) “xe duyên” bảy trường đại học Thái Lan với 14 đối tác đại học hàng đầu của Vương quốc Anh thông qua 15 dự án nghiên cứu về các lĩnh vực cấp thiết được Bộ Giáo dục đồng tài trợ. Một dự án trong số đó, kết nối Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa và Bệnh mãn tính của Vương quốc Anh và Đại học Chiang Mai, đã thể hiện được tiềm năng lớn. Hỗ trợ học thuật của các chuyên gia hàng đầu từ Vương quốc Anh không chỉ giúp thúc đẩy nghiên cứu của trường, mà còn giúp nâng cao năng lực của các nghiên cứu viên, kích hoạt các nguồn tài trợ quốc tế hay các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên… Mục tiêu cuối cùng là đưa ngành Y học của trường vào top 100 thế giới.

Đại học Chiang Mai hợp tác với đối tác Anh để nâng cao năng lực của các nghiên cứu viên trong trường, kích hoạt các nguồn tài trợ quốc tế hay các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên… Trong ảnh: Khuôn viên Đại học Chiang Mai. Nguồn: www.igniteastar.com
Đại học Chiang Mai hợp tác với đối tác Anh để nâng cao năng lực của các nghiên cứu viên trong trường, kích hoạt các nguồn tài trợ quốc tế hay các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên… Trong ảnh: Khuôn viên Đại học Chiang Mai. Nguồn: www.igniteastar.com

Cũng với nhu cầu xếp hạng, Bộ Giáo dục Thái Lan không đi đường vòng mà sử dụng luôn dịch vụ tư vấn của chính THE. Từ năm 2020, THE liên tục triển khai khảo sát về giáo dục vì sự phát triển bền vững ở 35 trường đại học Thái Lan nhằm theo dõi đóng góp cho SDGs. Kết quả, các đại diện Thái Lan đạt được những bước tiến đáng kể trong bảng Impact Rankings của THE: từ bảy trường vào năm 2019 lên tới 65 trường vào năm 2023, với bốn trường trong top 100.

Có thể thấy, dù với cách tiếp cận nào: từ trên xuống do chính phủ khởi xướng hay từ dưới lên do các trường đề xuất, thì các nước láng giềng Đông Nam Á đều chú trọng tập trung nguồn lực vào các dự án hoa tiêu có tiềm năng trong bối cảnh ngân sách cho giáo dục đại học còn hạn hẹp. Những trường hợp này mang nhiều hàm ý cho Việt Nam về sự quyết tâm của nhà nước và nhà trường để chủ động vạch ra con đường phù hợp với bối cảnh quốc gia.