Các chương trình tiên tiến thực sự có tác dụng nâng cao khả năng được tuyển dụng và triển vọng sự nghiệp của sinh viên, tuy nhiên, quốc tế hóa giáo dục không phải là lời giải cho mọi bài toán về kết quả tuyển dụng - nghiên cứu do nhóm tác giả Việt Nam vừa công bố trên tạp chí khoa học Higher Education thuộc nhà xuất bản Springer cho biết.

Giữa những năm 2000, Chính phủ Việt Nam tiến hành triển khai chương trình tiên tiến tại một số trường đại học – một trong những hình thức trọng tâm của quốc tế hóa giáo dục đại học nhằm nỗ lực cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời tăng danh tiếng cũng như doanh thu cho trường. Các chương trình này đã thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên trong hơn một thập kỷ vừa qua.

Lễ tốt nghiệp chương trình đào tạo tiên tiến ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tháng 11/2013. Nguồn: ctdb.hcmus.edu.vn
Lễ tốt nghiệp chương trình đào tạo tiên tiến ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tháng 11/2013. Nguồn: ctdb.hcmus.edu.vn

Nghiên cứu về đóng góp của quốc tế hóa giáo dục đại học nói chung và chương trình tiên tiến nói riêng là cần thiết để cải thiện tính hiệu quả và bền vững của các chính sách và hoạt động. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về tác động của quốc tế hóa giáo dục đại học đối với trải nghiệm của sinh viên, có ít nghiên cứu về tác động của các chương trình tiên tiến tới khả năng được tuyển dụng (employability) của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đầu tháng 3/2019, nghiên cứu At-home international education in Vietnam universities impact on graduates’ employability and career prospects của các tác giả Trần Lê Hữu Nghĩa (Đại học Tôn Đức Thắng), Hoàng Trường Giang (Victoria University, Úc), Võ Phương Quyên (Đại học Cần Thơ) được công bố trên tạp chí Higher Education [2017 Impact Factor = 1.937; CiteScore = 2.26] thuộc nhà xuất bản Springer. Bài báo tìm hiểu về đóng góp của chương trình tiên tiến đối với khả năng được tuyển dụng và triển vọng sự nghiệp của sinh viên theo học các chương trình này.

Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu từ báo cáo tiến trình 10 năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016), báo cáo của cơ sở giáo dục đại học được chọn với hai chương trình tiên tiến, đồng thời phỏng vấn sâu 30 sinh viên năm 3 và 4 của hai chương trình đó.

Nghiên cứu phân tích dữ liệu đưa ra 4 nhóm yếu tố quyết định khả năng được tuyển dụng: nguồn lực con người, năng lực về xã hội, văn hóa và tính lưu động, khả năng thích ứng, định hướng sự nghiệp.

Kết quả cho thấy, ở cả 4 nhóm yếu tố được đánh giá, các sinh viên của chương trình tiên tiến đều có nhiều cơ hội nâng cao khả năng được tuyển dụng hơn so với sinh viên học các chương trình chính thống.

Nguồn lực con người

Theo phân tích, chương trình tiên tiến có tác động đến yếu tố nguồn lực con người của sinh viên qua 5 phương diện.

Thứ nhất, do yêu cầu tuyển sinh đầu vào, hầu hết các sinh viên tham gia chương trình tiên tiến đều có năng lực học tập và động lực cao, tạo ra một môi trường học tập có tính cạnh tranh và phát triển.

Thứ hai, đội ngũ giảng dạy chất lượng cao từ trong và ngoài nước có đóng góp đáng kể trong việc truyền đạt những kiến thức liên tục cập nhật, chia sẻ kĩ năng và kinh nghiệm làm việc thực tế tới sinh viên.

Thứ ba, điều kiện cơ sở vật chất tốt như các phòng học, phòng thí nghiệm với trang thiết bị dạy và học tốt, cùng tài liệu học chủ yếu bằng tiếng Anh, mang tính cập nhật hơn so với các chương trình thông thường.

Thứ tư, các phương pháp giảng dạy và kiểm tra tân tiến được áp dụng, lấy người học làm trọng tâm, sinh viên được yêu cầu nghiên cứu bài học và trình bày kết quả nhờ đó chủ động nắm được kiến thức và tăng tư duy phản biện, đồng thời phát triển sự tự tin, kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Sinh viên cũng có cơ hội học ngoại khóa, thực tập tại môi trường làm việc thực tế. Hay thay vì những bài kiểm tra đánh giá kết quả, chương trình tiên tiến áp dụng hình thức đánh giá quá trình, tạo cho sinh viên năng lực đánh giá và xác định thực tế giữa kiến thức và kĩ năng của bản thân.

Thứ năm, văn hóa nghiên cứu trong chương trình tiên tiến cho sinh viên cơ hội thực hiện nghiên cứu cùng với giảng viên, thực hiện các dự án sinh viên nghiên cứu theo nhóm, hoàn thành khóa luận tốt nghiệp theo cấu trúc một bài nghiên cứu. Do đó, nhiều sinh viên có kinh nghiệm viết đề cương nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu và công bố bài báo khoa học.

Tổng kết đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008-2015”, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tổng kết đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008-2015”, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năng lực về xã hội, văn hóa và tính lưu động

Sinh viên trong nghiên cứu cho rằng theo học các chương trình tiên tiến cho họ cơ hội kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Các sinh viên thuộc chương trình tiên tiến chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản cho biết bên cạnh các giảng viên Việt Nam, họ được giảng dạy bởi 26 giảng viên quốc tế đến từ 8 quốc gia khác nhau. Những giảng viên đó cũng có thể trở thành những người giới thiệu uy tín trong thư xin việc của họ, hoặc cho họ thông tin về cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Đồng thời các chương trình tiên tiến cũng cho sinh viên Việt Nam cơ hội mở rộng kết nối với sinh viên quốc tế thông qua các hoạt động trao đổi sinh viên.

Như vậy, so với chương trình đại học chính thống, môi trường học tập quốc tế cho phép sinh viên chương trình tiên tiến mở rộng kết nối xã hội. Đồng thời sự hiểu biết đa dạng về văn hóa và tính lưu động cao cũng cho sinh viên phát triển cơ hội nghề nghiệp ở cả trong và ngoài nước.

Khả năng thích ứng

Nghiên cứu cho thấy chương trình tiên tiến giúp sinh viên tăng tính nhẫn nại và khả năng thích ứng trước những tình huống thử thách, điều này trở nên rất hữu ích trong môi trường công việc thực tế. Đối với nhiều sinh viên, nghe các bài giảng bằng tiếng Anh không phải điều dễ dàng, tuy nhiên sinh viên không ngừng nỗ lực và tìm các phương án giải quyết như học thêm hay học nhóm cùng bạn bè. Từ đó giúp sinh viên loại bỏ rào cản ngôn ngữ hay văn hóa và nhanh chóng thích nghi trong môi trường quốc tế.

Ngoài ra, phương pháp dạy học và kiểm tra của các chương trình tiên tiến khuyến khích sinh viên thể hiện quan điểm của mình. Các giảng viên cũng thường xuyên đặt ra các giới hạn cao hơn nhằm khai mở tiềm năng của sinh viên.

Trong môi trường học tập luôn có tính thử thách, sinh viên được rèn luyện tính tự chủ, kiên nhẫn và dễ dàng thích nghi, đó là những yếu tố quan trọng trong khả năng được tuyển dụng.

Định hướng sự nghiệp

Sinh viên của các chương trình tiên tiến cho rằng qua chương trình học tập, họ có thể xác định cho bản thân ít nhất một con đường sự nghiệp, hoặc biết rõ mong muốn của mình sau khi tốt nghiệp: làm nghiên cứu, đi du học hoặc trở thành giảng viên,…

Ở Việt Nam, việc lựa chọn ngành học hay sự nghiệp thường chịu nhiều ảnh hưởng từ gia đình, nhưng trong nghiên cứu này, sinh viên có xu hướng suy nghĩ độc lập và khả năng tự đánh giá. Có thể thấy chương trình tiên tiến góp phần giúp sinh viên tự định hướng sự nghiệp.

Bên cạnh đánh giá đóng góp của chương trình tiên tiến đối với khả năng được tuyển dụng, nghiên cứu phân tích kết quả học tập, kết quả được tuyển dụng và thăng tiến sự nghiệp của sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến. Những lợi thế đã phân tích ở trên của chương trình tiên tiến cũng chính là những yếu tố tạo ra kết quả học tập tích cực của sinh viên.

Giờ học của sinh viên chương trình tiên tiến của Đại học Bách khoa. Ảnh: Hust
Giờ học của sinh viên chương trình tiên tiến của Đại học Bách khoa. Ảnh: Hust

Đồng thời kết quả học tập xuất sắc của sinh viên còn được thể hiện qua kết quả hoạt động nghiên cứu, cho thấy các chương trình tiên tiến đã tập trung phát triển năng lực trí tuệ của sinh viên.

Báo cáo về kết quả được tuyển dụng cho thấy 62,6% sinh viên chương trình tiên tiến có việc làm trong vòng một năm sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên lựa chọn tiếp tục con đường học tập với các chương trình sau đại học trong nước và nước ngoài. Đáng ghi nhận là phần lớn các sinh viên học chương trình sau đại học ở nước ngoài nhờ trợ cấp chính phủ hoặc từ học bổng của các trường đại học nước ngoài, cho thấy năng lực phát triển của sinh viên, có sự liên kết với kết quả học tập xuất sắc mà sinh viên các chương trình tiên tiến đạt được.

Tuy nhiên có khoảng 30% sinh viên học chương trình tiên tiến chưa có việc làm ngay trong vòng một năm sau tốt nghiệp. Các tác giả cho rằng vẫn tồn tại khoảng cách giữa khả năng được tuyển dụng và kết quả tuyển dụng kể cả đối với sinh viên của các chương trình tiên tiến, có thể lý giải bởi sự thiếu phù hợp giữa mặt cung và cầu về nhân lực trong thị trường việc làm.

Tối ưu quốc tế hóa giáo dục tại chỗ

Nghiên cứu đồng thời gợi ra những vấn đề liên quan đến tính bền vững của các chương trình tiên tiến, trong đó một số vấn đề về khả năng được tuyển dụng và kết quả tuyển dụng cần được cân nhắc. Thứ nhất, hiện tại yêu cầu đầu vào của các chương trình tiên tiến là các học sinh có năng lực học tập và đặc tính phù hợp, do đó đạt được khả năng được tuyển dụng cao. Trong tương lai, khi chương trình tiên tiến được mở rộng cho tất cả sinh viên, có thể phục vụ cho tất cả các đối tượng có khả năng học tập và nhu cầu khác nhau là một bài toán phức tạp.

Thứ hai, sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến khó có thể cạnh tranh với sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết hoặc sinh viên du học trở về, bởi chương trình tiên tiến chỉ cấp chứng chỉ từ trường đại học đối tác. Mặc dù bằng cấp không thể hiện hết trình độ năng lực của sinh viên, nhưng ở Việt Nam, bằng cấp quốc tế vẫn có giá trị cao hơn.

Nhằm nâng cao khả năng được tuyển dụng của sinh viên, yếu tố nước ngoài của các chương trình tiên tiến cần được duy trì liên tục. Các phương pháp giảng dạy cần phải vừa hỗ trợ, vừa thử thách để có thể khai thác hết tiềm năng năng lực của sinh viên.

Nghiên cứu kết luận rằng chương trình tiên tiến thực sự nâng cao khả năng được tuyển dụng và triển vọng sự nghiệp của sinh viên. Tuy nhiên, quốc tế hóa giáo dục không phải là lời giải cho mọi bài toán về kết quả tuyển dụng. Do đó, thay vì phụ thuộc vào các yếu tố quốc tế, cần thực hiện các biện pháp thiết thực nhằm tối ưu quốc tế hóa giáo dục tại chỗ, nhất là khi áp dụng cho tất cả sinh viên.